Ngành ngân hàng: Đảm bảo nguồn vốn cho vay, hỗ trợ phát triển kinh tế
– Ngay từ đầu năm 2022, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp đẩy mạnh huy động vốn, nỗ lực giải ngân cho vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Từ đó, đảm bảo người dân có vốn để phát triển kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.
Tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh Lạng Sơn (Agribank Lạng Sơn), giao dịch tại quầy trong những ngày đầu năm 2022 luôn sôi động. Theo ông Trịnh Xuân Đoan, Giám đốc Agribank Lạng Sơn, để đảm bảo nguồn vốn cho vay hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, ngay từ đầu năm, chi nhánh đã thực hiện nhiều giải pháp huy động vốn. Theo đó, đơn vị đã chỉ đạo sát sao các chi nhánh loại II chủ động tiếp cận, làm việc với ban đền bù giải phóng mặt bằng tại các huyện để tranh thủ huy động tiền đền bù; thường xuyên phân loại khách hàng để nâng cao chất lượng phục vụ chăm sóc khách hàng hợp lý; tăng cường quảng bá sản phẩm tiền gửi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cùng đó, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ, tiện ích dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại để thu hút khách hàng.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Lạng Sơn
Nhờ thực hiện hiệu quả các giải pháp, doanh số cho vay 2 tháng đầu năm 2022 của chi nhánh đạt 2.497 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ toàn chi nhánh đạt 11.220 tỷ đồng, tăng 48 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2021, trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn 6.956 tỷ đồng, chiếm 62% tổng dư nợ. Tổng nguồn vốn huy động đạt 11.887 tỷ đồng, tăng 153 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2021.
Tương tự, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh tỉnh đã thực hiện những giải pháp kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tổng nguồn vốn huy động tại ngân hàng đạt 536 tỷ đồng, tăng 18,5 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2021. Doanh số cho vay trong 2 tháng đầu năm 2022 đạt 154 tỷ đồng, với 2.983 hộ được vay vốn.
Ông Phạm Mạnh Hà, Phó Giám đốc NHCSXH Chi nhánh tỉnh cho biết: Ngay khi tiếp nhận nguồn vốn từ trung ương, chi nhánh đã tham mưu với Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh có văn bản chỉ đạo đến các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố tổ chức triển khai tuyên truyền các chương trình vốn. Để thực hiện hiệu quả công tác huy động vốn, chi nhánh xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu cụ thể giao cho phòng giao dịch các huyện, thành phố.
Cùng với 2 ngân hàng trên, hiện nay, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đều tích cực thực hiện các giải pháp để chủ động nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể, hầu hết các ngân hàng đều chủ động tăng nhẹ lãi suất huy động từ 0,3 đến 0,5%/năm so với cùng kỳ năm ngoái để thu hút khách hàng; phân công cán bộ tín dụng tiếp cận khách hàng có nguồn tiền lớn; cán bộ giao dịch hỗ trợ tạo thuận lợi tối đa về thủ tục giải ngân cho khách hàng.
Qua đó, nguồn vốn đã kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất kinh doanh.Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh, đến nay, tổng nguồn vốn huy động là 33.900 tỷ đồng, tăng 1,35% so với thời điểm 31/12/2021. Tổng dư nợ tín dụng là 37.759 tỷ đồng, tăng 0,58% so với 31/12/2021.
Anh Phùng Văn Vỹ, thôn Chùa, xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng chia sẻ: Thời gian qua, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như thu nhập của gia đình tôi. Trong lúc đang khó khăn về vốn, tháng 1/2022, gia đình tôi được cán bộ Agribank huyện Hữu Lũng tư vấn, làm hồ sơ vay 500 triệu đồng với lãi suất ưu đãi để đầu tư trồng mới và chăm sóc 2 ha cây ăn quả. Nguồn vốn được giải ngân kịp thời đã giúp gia đình tôi có kinh phí để phục hồi sản xuất, yên tâm phát triển kinh tế.
Với sự nỗ lực của các ngân hàng, tin rằng, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục làm tốt nhiệm vụ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp về vốn để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống sau đại dịch, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
“Thời gian tới, bám sát chỉ đạo của Chính phủ và NHNN Việt Nam, UBND tỉnh, chi nhánh tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Bên cạnh đó, chỉ đạo các chi nhánh, tổ chức tín dụng thực hiện tốt các quy định về lãi suất, quản lý, kinh doanh vàng và ngoại hối, hoạt động tiền tệ kho quỹ…, đảm bảo hoạt động ngân hàng trên địa bàn an toàn, hiệu quả, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Bà Trương Thu Hòa, Giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh tỉnh |
Ý kiến ()