Ngành ngân hàng: Đảm bảo hiệu quả kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19
(LSO) – Theo chỉ đạo của Chính phủ và của tỉnh về thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế – xã hội, ngành ngân hàng đã chủ động thực hiện các giải pháp để đảm bảo hiệu quả kinh doanh tiền tệ, cung ứng kịp thời nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Ngay sau khi có các ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng tại một số tỉnh, thành trong nước vào cuối tháng 1/2021, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã lập tức tái khởi động các biện pháp phòng, chống dịch trong hoạt động kinh doanh. Đồng thời xây dựng kế hoạch kinh doanh đảm bảo hiệu quả trong tình hình mới.
Khách hàng giao dịch tại quầy của Agribank Lạng Sơn
Theo đó, để đảm bảo nguồn vốn kinh doanh, các đơn vị đã tập trung thực hiện các giải pháp huy động vốn cũng như giải ngân cho vay. Tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Lạng Sơn (BIDV Lạng Sơn), đến hết tháng 2/2021, mặc dù số huy động vốn của ngân hàng đạt 4.500 tỷ đồng, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng tổng dư nợ cho vay đạt trên 6.600 tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ ; về hoạt động tín dụng, theo thế mạnh lâu nay, chi nhánh đã tập trung triển khai các chương trình cho vay lãi suất ưu đãi đối với doanh nghiệp.
Ông Bế Văn Ánh, Giám đốc BIDV Lạng Sơn cho biết: Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chi nhánh tập trung thực hiện giảm lãi suất, triển khai các gói cho vay lãi suất thấp với doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh để tạo điều kiện cho vay đối với khách hàng. Cụ thể, đối với khách hàng cá nhân, có gói cho vay lãi suất thấp, tối thiểu từ 6,5 đến 7%/năm, đối với doanh nghiệp là từ 5,5 đến 6%/năm. Bên cạnh đó, đơn vị cũng khuyến khích khách hàng sử dụng giao dịch không dùng tiền mặt, giảm phí dịch vụ chuyển tiền cho khách hàng giao dịch trực tuyến.
Tương tự, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh Lạng Sơn (Agribank Lạng Sơn) đã thực hiện những giải pháp thiết thực nhằm kịp thời cung ứng nguồn vốn cho khách hàng sản xuất, kinh doanh. Bà Hoàng Thị Anh, Phó Giám đốc Agribank Lạng Sơn cho biết: Để đảm bảo hiệu quả kinh doanh trong tình hình dịch Covid-19, chi nhánh đã thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, bền vững. Trong đó, đơn vị tập trung nguồn vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; ưu tiên vốn cho vay theo Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025; đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn…
Nhờ đó, đến hết tháng 2/2021, tổng nguồn vốn huy động của Agribank Lạng Sơn đạt 10.938 tỷ đồng, tăng 94 tỷ đồng so với 31/12/2020, tổng dư nợ chương trình cho vay đạt 10.492 tỷ đồng, tăng 141 tỷ đồng so với 31/12/2020 (trong đó, cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 6.970 tỷ đồng). Số thẻ thấu chi nông nghiệp, nông thôn phát hành được 7.964 thẻ với số dư 7,1 tỷ đồng.
Cùng với 2 ngân hàng trên, hiện nay, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đều tích cực thực hiện các giải pháp để chủ động nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Qua đó, nguồn vốn đã kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất kinh doanh.
Ông Hoàng Văn Thắng, thôn Bản Huấn, xã Hồng Thái, huyện Bình Gia – một trong những hộ được vay vốn để mở rộng quy mô sản xuất cho biết: Trước đây, gia đình tôi chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, muốn mở rộng chăn nuôi nhưng thiếu vốn. Được tuyên truyền về chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi của Agribank, tháng 1/2021, tôi vay 500 triệu đồng để xây dựng chuồng trại diện tích gần 300 m2, quy mô chăn nuôi 18 con bò/lứa. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình tôi đã có điều kiện mở rộng quy mô chăn nuôi.
Bà Trương Thu Hòa, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh cho biết: Bám sát chỉ đạo của Chính phủ và NHNN Việt Nam, UBND tỉnh, Chi nhánh NHNN tỉnh đã yêu cầu các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, tiếp tục triển khai các giải pháp để đảm bảo hiệu quả kinh doanh. Cụ thể như: mở rộng đầu tư tín dụng với cơ cấu hợp lý; đẩy mạnh triển khai các chương trình cho vay lãi suất ưu đãi; tiếp tục hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, đặc biệt là các khách hàng bị ảnh hưởng của dịch bệnh; xem xét, tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19… Từ đó, hoạt động kinh doanh của các ngân hàng được đảm bảo hiệu quả.
Các giải pháp phù hợp, kịp thời và có hiệu quả của ngành ngân hàng đã góp phần quan trọng giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh, khôi phục và mở rộng các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.
Đến hết tháng 2/2021, huy động vốn của các ngân hàng đạt 31.162 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay đạt 33.436 tỷ đồng, tăng so vời cùng kỳ năm 2020 (theo số liệu của Cục thống kê tỉnh về tình hình kinh tế – xã hội tỉnh Lạng Sơn tháng 2/2020, huy động vốn của các ngân hàng đạt 30.250 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay đạt 31.310 tỷ đồng). |
HIỂU LAM - MAI LINH
Ý kiến ()