Ngành ngân hàng: Chuyển đổi số để phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp
– Hiện nay, ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh đang có những bước tiến mạnh mẽ trong thực hiện chuyển đổi số (CĐS) với nhiều dịch vụ mới, hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong thời đại công nghệ 4.0. Qua đó, giúp khách hàng và doanh nghiệp tiếp cận được với các dịch vụ tiện ích, giao dịch thông minh.
Là một trong những ngân hàng đi đầu trong chuyển đổi số, thời gian qua, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Lạng Sơn (BIDV Lạng Sơn) đã từng bước xây dựng, hoàn thiện quy trình trong hoạt động ngân hàng, số hóa các hoạt động từ cung cấp dịch vụ cho khách hàng, tích cực triển khai nhiều sản phẩm dịch vụ mới, nhằm tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng với các hình thức thanh toán hiện đại.
Cán bộ Agribank Tràng Định hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng số
Ông Hoàng Văn Huy, Phó Giám đốc BIDV Lạng Sơn cho biết: Để bắt kịp xu hướng chuyển đổi số, thời gian qua, BIDV Lạng Sơn đã xây dựng hệ sinh thái, triển khai các mô hình kinh doanh mới, nghiên cứu triển khai số hóa các quyết định cho vay; lấy khách hàng làm trung tâm, tích cực triển khai ngân hàng số giúp khách hàng thuận tiện khi thực hiện các giao dịch. Nhờ đó, đến nay, đã có 45 nghìn tài khoản thực hiện đăng ký các ứng dụng giao dịch ngân hàng số SmartBanking của BIDV; lượng tiền mặt giao dịch qua ngân hàng tại quầy giảm 70%; các quy trình nghiệp vụ được số hóa, giảm được lượng giấy tờ, hồ sơ, chứng từ, thủ tục hành chính đối với khách hàng (ước tính giảm 50% so với năm 2017).
Ông Hoàng Văn Hải, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng giao thông Lạng Sơn cho biết: Từ năm 2018 đến nay, công ty áp dụng gói dịch vụ trả lương qua BIDV Lạng Sơn, theo đó, 100% nhân viên, người lao động tại công ty đều trả lương qua tài khoản. Việc trả lương qua tài khoản giúp đơn vị tiết kiệm thời gian, chi phí, hằng tháng, nhân viên không phải xếp hàng ký nhận lương. Ngoài ra, khi trả lương qua thẻ, nhân viên sử dụng các ứng dụng thanh toán điện tử để mua sắm, tiêu dùng.
Xu hướng CĐS không chỉ phủ sóng tại các ngân hàng thương mại mà còn lan tỏa tới ngân hàng chính sách. Bắt nhịp xu hướng, tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh cũng đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục cho vay, tích cực phối hợp các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác, nâng cao hiệu quả các điểm giao dịch xã, đa dạng các sản phẩm dịch vụ… Ông Phạm Mạnh Hà, Phó Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh cho biết: Để nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng, từ cuối năm 2022 đến nay, NHCSXH tỉnh đã triển khai ứng dụng VBSP Smart Banking trên địa bàn toàn tỉnh với đầy đủ các chức năng, giao dịch tự động, tiết kiệm thời gian và chi phí. Đây là dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động thông minh giúp khách hàng giao dịch với ngân hàng mọi lúc, mọi nơi. Đồng thời, ngân hàng còn triển khai cài đặt hệ thống camera giám sát lưu động tại 100% các điểm giao dịch xã, phường, thị trấn. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và tạo điều kiện thuận lợi trong việc xử lý các sự cố đột xuất trong thời gian giao dịch.
Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện có 16 ngân hàng. Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh, thời gian qua, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã tích cực thực hiện CĐS. Đây là bước tiến mới nhằm phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn. Để thực hiện CĐS, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo sát sao tới chi nhánh các tổ chức tín dụng trên địa bàn tích cực, chủ động triển khai, ứng dụng các dịch vụ thanh toán mới, hiện đại theo xu hướng phát triển ngân hàng số; mở rộng ứng dụng thanh toán điện tử phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, thực hiện các giải pháp phòng, chống tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua tài khoản ngân hàng; cảnh giác với các giao dịch đáng ngờ nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Thời gian tới, Chi nhánh NHNN tỉnh tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn chú trọng phát triển, cung ứng và tăng cường truyền thông về các sản phẩm, dịch vụ phù hợp theo hướng lấy khách hàng làm trung tâm; đẩy mạnh tích hợp, kết nối sản phẩm, dịch vụ, nền tảng với các ngành, lĩnh vực khác để thiết lập hệ sinh thái số và cung ứng sản phẩm, dịch vụ với trải nghiệm liền mạch, xuyên suốt cho khách hàng, trong đó chú trọng đến các lĩnh vực: y tế, giáo dục, giao thông, hành chính công…
Với những lợi ích không thể phủ nhận như: giảm chi phí giao dịch, gia tăng lợi nhuận, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng trải nghiệm cho người dùng…, CĐS thực sự là bước đi cần thiết đối với ngành ngân hàng. Tuy nhiên, với yêu cầu ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp, các ngân hàng cần chú trọng đảm bảo các sản phẩm, dịch vụ thanh toán có độ an toàn cao và tăng tính bảo mật, góp phần thúc đẩy quá trình CĐS của tỉnh.
CĐS trong ngành ngân hàng là quá trình chuyển đổi các hoạt động truyền thống thành các hoạt động trực tuyến và tự động hóa bằng cách sử dụng công nghệ số. Những công nghệ này có thể bao gồm các ứng dụng di động, hệ thống thanh toán trực tuyến, trí tuệ nhân tạo và nhiều hơn nữa. Từ việc phát hành thẻ tín dụng đến chuyển tiền và quản lý tài khoản, CĐS trong ngành ngân hàng giúp các ngân hàng tạo ra một môi trường hoạt động trực tuyến an toàn và tiện lợi cho khách hàng. |
Ý kiến ()