Ngành ngân hàng: Chủ động giải pháp để tăng trưởng bền vững
(LSO) – Với các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, chủ động ứng phó những diễn biến tiêu cực của tình hình kinh tế, ngành ngân hàng tiếp tục giữ vững được đà tăng trưởng. Đến thời điểm hiện tại, nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu kinh doanh được giao.
Năm 2019, tình hình kinh tế trên địa bàn tỉnh có nhiều diễn biến phức tạp như: bệnh dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi; chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và sự thay đổi về chính sách thương mại biên giới làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa… Từ đó kéo theo hàng loạt các vấn đề về tín dụng nông nghiệp, nông thôn, xuất nhập khẩu và thanh toán biên mậu.
Trước thực trạng đó, các ngân hàng thương mại đã chủ động thực hiện các giải pháp để chia sẻ khó khăn, rủi ro với khách hàng, đảm bảo hiệu quả kinh doanh ổn định như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm tiền vay, hạ lãi suất cho vay. Đồng thời, xây dựng kế hoạch cho vay đối với người chăn nuôi để tái đàn lợn sau khi bệnh dịch kết thúc. Đặc biệt, các ngân hàng thương mại đã khai thác thế mạnh của mình để tăng trưởng dư nợ và phát triển nguồn vốn.
Khách hàng giao dịch tại Agribank Lạng Sơn
Điển hình như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh Lạng Sơn, với lợi thế về mạng lưới phủ rộng khắp các vùng nông thôn đã đẩy mạnh cho vay sản xuất nông nghiệp, trồng rừng. Nhất là hiệu quả từ các gói vay ưu đãi theo các chương trình của Chính phủ và của tỉnh đã tạo được sự tin tưởng từ người dân nông thôn. Điều nay đã giúp ngân hàng một mũi tên trúng 2 đích, vừa tăng trưởng dư nợ vừa huy động được tiền gửi từ khu vực nông thôn.
Tính đến ngày 6/12/2019, các chỉ tiêu kinh doanh chủ yếu của Agribank Lạng Sơn đã vượt kế hoạch, tổng dư nợ đạt 9.004 tỷ đồng, vượt 2% kế hoạch, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2018; tổng nguồn vốn huy động đạt 10.268 tỷ đồng, vượt 4% kế hoạch, tăng 14% so cùng kỳ. Bà Hoàng Thị Thủy, Phó Giám đốc Agribank Lạng Sơn cho biết: Mặc dù lĩnh vực sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ bệnh dịch tả lợn châu Phi, nhưng với sự chủ động trong kinh doanh, điều hành linh hoạt, kịp thời về lãi suất, các chương trình huy động tiền gửi dự thưởng theo định hướng của Agribank phù hợp diễn biến thị trường đã góp phần tăng trưởng nguồn vốn. Do vậy, năm 2019, Agribank Lạng Sơn tiếp tục đạt được nhiều thành công, nổi bật là chỉ tiêu huy động vốn đã vượt kế hoạch trung ương giao ngay khi kết thúc tháng 11/2019.
Với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Lạng Sơn, từ sự đồng hành cùng doanh nghiệp, năm 2019, các chương trình tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp tiếp tục phát huy hiệu quả, dư nợ cho vay doanh nghiệp chiếm hơn 50% tổng dư nợ của ngân hàng. Ước đến ngày 31/12/2019, BIDV Lạng Sơn có tổng dư nợ đạt 6.800 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2018; tổng nguồn vốn huy động đạt khoảng 4.500 tỷ đồng, hoàn thành chỉ tiêu được giao, lợi nhuận trước thuế vượt 20% so với kế hoạch đề ra.
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, những năm gần đây, với sự ổn định về kinh tế – chính trị, chính sách thu hút đầu tư hiệu quả của tỉnh và đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền về công tác tín dụng trên địa bàn đã thúc đẩy lĩnh vực ngân hàng hoạt động hiệu quả và tăng trưởng ổn định. Do vậy, mặc dù năm 2019, tình hình kinh tế chung cả nước có nhiều biến động nhưng ngành ngân hàng Lạng Sơn vẫn tiếp tục thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh doanh quan trọng. Tổng huy động vốn cả năm ước đạt 28.770 tỷ đồng, tăng 12% với năm 2018; tổng dư nợ ước đạt 29.886 tỷ đồng, tăng 9,3%, nợ xấu được điều chỉnh dưới 3%.
Bà Vi Thị Hoa, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cho biết: Chi nhánh đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại trong khoảng thời gian cuối năm 2019 tiếp tục hoạt động theo đúng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bên cạnh việc tích cực đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng và huy động vốn, triển khai các gói tiết kiệm, tín dụng với lãi suất ưu đãi thì cần đảm bảo an ninh tiền tệ và triển khai các dịch vụ để đáp ứng nhu cầu sử dụng và giao dịch tiền mặt của khách hàng dịp cuối năm. Từ đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
ANH DŨNG
Ý kiến ()