Ngành kiểm toán thực hiện mục tiêu kiểm soát, bảo vệ môi trường
Kiểm toán môi trường đóng vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu kiểm soát, giúp bảo vệ môi trường. Với ý nghĩa đó, Kiểm toán nhà nước ngày càng chú trọng kiểm toán sâu lĩnh vực này, đồng thời luôn quan tâm đến những giải pháp để nâng cao chất lượng kiểm toán, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ kiểm toán được hiệu quả.
Theo Kiểm toán nhà nước chuyên ngành III, nếu như trong giai đoạn trước đây, nội dung liên quan đến môi trường chủ yếu được thực hiện trong các cuộc kiểm toán tài chính kết hợp kiểm toán tuân thủ thì đến nay, nhiều cuộc kiểm toán môi trường được thực hiện dưới hình thức kiểm toán hoạt động theo thông lệ quốc tế.
Kết quả nhiều cuộc kiểm toán đạt tốt, được lãnh đạo Kiểm toán nhà nước đánh giá cao như: Cuộc kiểm toán hoạt động việc thực hiện giải pháp giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy của Thành phố Hồ Chí Minh; cuộc kiểm toán công tác quản lý, bảo vệ môi trường đối với các cụm công nghiệp và làng nghề của các tỉnh: Bắc Giang, Nam Định, Thái Bình, Hà Tĩnh giai đoạn 2020-2022… Nhờ áp dụng loại hình kiểm toán này, các kiểm toán viên đã tập trung đi sâu đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý môi trường, việc sử dụng tài chính công, tài sản công trong lĩnh vực môi trường. Từ đó ngành kiểm toán chỉ ra những tồn tại, hạn chế, lỗ hổng trong hệ thống pháp luật cũng như tổ chức, bộ máy quản lý để đưa ra những kiến nghị phù hợp, kịp thời.
Ngoài các nội dung kiểm toán liên quan đến lĩnh vực môi trường được lồng ghép trong các cuộc kiểm toán ngân sách địa phương, kiểm toán dự án, kiểm toán nhà nước đặc biệt chú trọng đến việc thực hiện kiểm toán nội dung về môi trường theo hình thức chuyên đề chuyên sâu. Trong đó phải kể đến một số cuộc kiểm toán như: Hoạt động quản lý, công tác xử lý nước thải, rác thải trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và Long An; công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường; việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam và các địa phương giai đoạn 2020-2022; Dự án môi trường bền vững các thành phố duyên hải tại tỉnh Ninh Thuận, Quảng Bình…
PGS, TS Đinh Thế Hùng (Viện Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) nhận định, việc lựa chọn các nội dung để thực hiện Kiểm toán môi trường thời gian qua của Kiểm toán nhà nước là phù hợp với định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, cũng như phù hợp với điều kiện nguồn lực của Kiểm toán nhà nước. Sự tham gia tích cực Kiểm toán nhà nước khẳng định sự tin tưởng của Quốc hội, Chính phủ và người dân đối với Kiểm toán nhà nước, đồng thời thể hiện tầm ảnh hưởng của hoạt động kiểm toán đối với công tác bảo vệ môi trường.
Ý kiến ()