Ngành hóa chất Đức bị ảnh hưởng nặng nề do giá khí đốt tăng cao
Giám đốc điều hành Hiệp hội công nghiệp hoá chất (VCI), ông Wolfgang Grosse Entrup, cho biết giá năng lượng cao đang khiến sản xuất ở Đức giảm trong khi sức ép nhập khẩu ngày càng gia tăng.
Theo kết quả một cuộc khảo sát do Viện Nghiên cứu Kinh tế (Ifo) của Đức thực hiện và công bố ngày 9/8, ngành công nghiệp hóa chất của nước này bị ảnh hưởng nặng nề do giá khí đốt tăng cao.
Cuộc xung đột ở Ukraine đã làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng trong ngành công nghiệp hoá chất ở Đức.
Kỳ vọng kinh doanh trong ngành này đã giảm xuống -44,4 điểm trong tháng 7/2022 so với mức 11,8 điểm cùng kỳ năm ngoái.
Giám đốc điều hành Hiệp hội công nghiệp hoá chất (VCI), ông Wolfgang Grosse Entrup, cho biết giá năng lượng cao đang khiến sản xuất ở Đức giảm trong khi sức ép nhập khẩu ngày càng gia tăng.
Tại Đức, khoảng 44% năng lượng tiêu thụ trong ngành công nghiệp hóa chất là khí đốt tự nhiên, trong khi việc sản xuất khoảng 30% số sản phẩm hóa chất cần khí đốt tự nhiên.
Hiện giá khí đốt ở châu Âu cao hơn gấp đôi so với thời điểm trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra. Giá khí đốt giao tương lai TTF của châu Âu ngày 9/8 được giao dịch ở mức khoảng 190 euro (195 USD)/megawatt giờ.
Nền kinh tế lớn nhất châu Âu chủ yếu dựa vào nguồn cung cấp khí đốt từ các nước ngoài.
Theo Cục Thống kê liên bang Đức, trong năm 2021, khoảng 95% lượng khí đốt tự nhiên cấp vào mạng lưới của Đức là nhập khẩu, trong đó Nga là một trong số nhà cung cấp lớn nhất của Đức.
Trong tháng 5/2022, Đức vẫn nhập khẩu của Nga lượng khí đốt tự nhiên và dầu thô trị giá 1,9 tỷ euro.
Trong bối cảnh năng lượng khan hiếm khiến chính phủ có thể sẽ phải can thiệp điều phối khí đốt theo hạn mức, ngày cành nhiều ngành sản xuất của Đức nộp đơn xin miễn trừ áp dụng các biện pháp hạn chế.
Hiện Đức đang ở giai đoạn 2 của kế hoạch khẩn cấp gồm ba giai đoạn được ban hành sau khi Nga cắt giảm khí đốt dẫn sang nước này, gây ra vấn đề lớn cho ngành công nghiệp vốn tiêu thụ 25% tổng nhu cầu khí đốt cả nước.
Đại diện một số lĩnh vực riêng lẻ đã bắt đầu đề nghị được ưu tiên và một số công ty cũng bắt đầu thay đổi cách thức làm việc để giảm sử dụng năng lượng.
Một người phát ngôn của Cơ quan quản lý năng lượng Đức (BNetzA) cho biết cơ quan này tiếp nhận rất nhiều đơn đề nghị từ hầu hết các lĩnh vực.
Những ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng nhất đã sớm công khai ý định xin ưu tiên gồm ngành sản xuất thủy tinh, thép, dược và hóa chất.
BNetzA vẫn đang duy trì liên lạc với các bên để chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp về nguồn cung khí đốt, huy động 120 nhân viên nghiên cứu về cách ngăn chặn và quản lý khủng hoảng.
Hiện cơ quan này đang lựa chọn danh sách những ngành sẽ phải dừng hoạt động trong trường hợp khẩn cấp năng lượng, dựa trên 6 tiêu chí trong đó có quy mô doanh nghiệp, thiệt hại về kinh tế, chi phí…
Trong trường hợp khẩn cấp, các hộ gia đình sẽ được hưởng một số ưu tiên trong khi các bệnh viện, cơ sở y tế và các cơ quan công quyền thiết yếu sẽ là những cơ sở cuối cùng chịu gián đoạn nguồn cung khí đốt./.
Ý kiến ()