Ngành hàng không sau Covid-19: Gập ghềnh chặng đường hồi phục
Gia tăng căng thẳng địa chính trị, thách thức trong đáp ứng mục tiêu về môi trường… là những vấn đề được thảo luận tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) lần thứ 80 và Hội nghị thượng đỉnh Vận tải Hàng không Thế giới, đang diễn ra ở Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Mặc dù đã vượt qua giai đoạn sóng gió bởi đại dịch Covid-19, nhưng ngành hàng không toàn cầu tiếp tục đối mặt nhiều rủi ro trên hành trình phục hồi, phát triển.
Sau quãng thời gian vật lộn trước tác động của dịch Covid-19, ngành hàng không thế giới đã chứng kiến sự phục hồi ngoạn mục vào năm 2023. Theo IATA, năm 2023, du lịch hàng không thế giới tăng lên mức 94% so với năm 2019. Hoạt động đi lại hàng không nội địa tại các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ, dẫn đầu sự phục hồi trong năm 2023. Bức tranh của ngành hàng không trong năm 2024 hứa hẹn tiếp tục duy trì những gam màu tươi sáng. IATA ước tính, lợi nhuận ròng của ngành này sẽ đạt mức 25,7 tỷ USD trong năm 2024. Gần đây, các hãng hàng không như ANA (Nhật Bản), American Airlines (Mỹ)... đưa ra dự báo lợi nhuận khả quan trong năm 2024 nhờ sự tăng trưởng của du lịch toàn cầu.
Tuy vậy, hàng loạt khó khăn vẫn đang chờ đợi ngành hàng không như căng thẳng địa chính trị, thiếu máy bay, khó khăn trong đáp ứng mục tiêu môi trường, an toàn hàng không trong bối cảnh biến đổi khí hậu trở nên trầm trọng…, đây cũng là nội dung thảo luận tại các hội nghị về hàng không đang diễn ra ở UAE.
Các vấn đề về chuỗi cung ứng đã “phủ bóng đen” lên nhiều sự kiện quốc tế của ngành hàng không thời gian qua, trong đó có Triển lãm hàng không Singapore năm 2024 diễn ra hồi tháng 2 vừa qua. Nhiều công ty tham gia triển lãm “kêu” chi phí tăng cao và thời gian sản xuất kéo dài, những vấn đề đã đeo bám họ kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát và trở nên trầm trọng hơn sau khi xảy ra xung đột ở Ukraine. Các hàng hãng không cũng buộc phải sa thải nhiều lao động để tiết kiệm chi phí. Tổng Giám đốc IATA Willie Walsh nhận định, vấn đề về chuỗi cung ứng sẽ tiếp diễn với ngành hàng không toàn cầu thêm vài năm nữa.
Hai ông lớn về sản xuất máy bay là Airbus và Boeing cũng từng lên tiếng thông báo đang gặp khó khăn trong việc giao hàng đúng hạn do sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Các hãng này thiếu nguồn cung linh kiện, thiết bị, chất bán dẫn, nhân công... Nhà phân tích hàng không Shukor Yusof nhận định, khó khăn dẫn tới việc các hãng hàng không có thể phải sử dụng các máy bay cũ, kém tiết kiệm nhiên liệu, từ đó làm giảm lợi nhuận của họ.
Theo giới chuyên gia, xung đột địa chính trị khiến các hãng hàng không phải bay với hành trình dài hơn, kéo theo triển vọng đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 vẫn chưa chắc chắn. Việc sử dụng nhiên liệu máy bay bền vững (SAF) được đánh giá là giúp giảm tới 80% lượng khí thải, tuy nhiên, chi phí cho SAF cao gấp 3-5 lần so với nhiên liệu máy bay truyền thống. IATA ước tính, để đáp ứng các mục tiêu môi trường của ngành hàng không thì đến năm 2050 ngành này cần 500 triệu tấn SAF.
Các sự cố liên quan các hãng hàng không Singapore Airlines và Qatar Airways gần đây cũng đang làm dấy lên lo ngại về vấn đề an toàn bay. Trước đó, ông Paul Williams, giáo sư chuyên ngành khoa học khí quyển tại Trường đại học Reading ở Anh khẳng định, biến đổi khí hậu đang làm tăng tần suất nhiễu động không khí, thách thức vấn đề an toàn bay của lĩnh vực hàng không.
Tổng Giám đốc IATA Willie Walsh đã nhấn mạnh vai trò của ngành vận tải hàng không như một động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế, đồng thời khẳng định quyết tâm xanh hóa lĩnh vực này, góp phần vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong giai đoạn phục hồi hậu đại dịch Covid-19, ngành hàng không đang đứng trước cả cơ hội và thách thức, cần tiếp tục tìm kiếm những giải pháp để phát triển toàn diện, bền vững.
Ý kiến ()