Ngành hàng không In-đô-nê-xi-a cất cánh
Sự bứt phá tăng trưởng kinh tế ngoạn mục đã đưa In-đô-nê-xi-a vượt Hà Lan, trở thành nền kinh tế đứng thứ 16 thế giới vào năm 2011 và hướng tới mục tiêu lọt vào nhóm 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2025. Cùng với đó là sự bùng nổ tầng lớp trung lưu, tạo động lực mạnh mẽ đưa ngành hàng không In-đô-nê-xi-a cất cánh.
Sự bứt phá tăng trưởng kinh tế ngoạn mục đã đưa In-đô-nê-xi-a vượt Hà Lan, trở thành nền kinh tế đứng thứ 16 thế giới vào năm 2011 và hướng tới mục tiêu lọt vào nhóm 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2025. Cùng với đó là sự bùng nổ tầng lớp trung lưu, tạo động lực mạnh mẽ đưa ngành hàng không In-đô-nê-xi-a cất cánh.
Người phụ trách hãng hàng không Air Asia của Ma-lai-xi-a T.Phéc-nan-đét quyết định rời văn phòng chính của hãng máy bay giá rẻ này về Thủ đô Gia-các-ta vào năm 2012 nhằm “đi tắt đón đầu” cơ hội đầy tiềm năng của thị trường hàng không In-đô-nê-xi-a. Ông Phéc-nan-đét nhận định, In-đô-nê-xi-a “là viên ngọc quý trong vương miện” của Air Asia, hãng hàng không giá rẻ đang có mặt tại 20 quốc gia, trong đó có Ô-xtrây-li-a, Trung Quốc, Ấn Ðộ và Nhật Bản. Air Asia kỳ vọng có thể chinh phục được thị trường có nền kinh tế trẻ, đang bùng nổ đầy hứng khởi để mang lại doanh thu cho hãng gấp tám lần so thị trường chính quốc.
In-đô-nê-xi-a đã phục hồi nền kinh tế một cách kỳ diệu sau cuộc khủng hoảng tài chính khu vực châu Á những năm 90 của thế kỷ trước. Nền kinh tế chuyển sang xu hướng tiêu thụ và giàu nguồn lực này đã đạt tốc độ tăng trưởng 13 năm liên tiếp, với mức tăng GDP trung bình đạt 6,3%. Thị trường chứng khoán cũng chứng tỏ những tiềm năng lớn. Tính đến ngày 12-6 vừa qua, chỉ số chứng khoán Jakarta Composite tăng gần 350% so tháng 10-2008, được Blum-bớc xếp hạng đứng thứ hai trong số 94 thị trường được hãng này xếp hạng. Năm 2011, In-đô-nê-xi-a vươn lên trở thành nền kinh tế đứng thứ 16 trên thế giới. Năm 2012, tổng sản phẩm của nước này tăng 6,23%, lên gần 900 tỷ USD, trong đó đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 26%, lên mức kỷ lục 23 tỷ USD. Công ty tư vấn Mắc Kin-xây dự đoán, nếu In-đô-nê-xi-a tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6% thì tới năm 2030 nước này có thể vượt Ðức và Anh để trở thành nền kinh tế đứng thứ bảy thế giới. Trong khi đó, Tập đoàn tư vấn Bô-xtơn nhận định, tới năm 2020, tầng lớp trung lưu của In-đô-nê-xi-a có thể tăng gấp hai lần hiện nay, lên tới 141 triệu người. In-đô-nê-xi-a là nước xuất khẩu than, ni-ken, thiếc và dầu cọ lớn nhất nhì thế giới; đứng thứ ba thế giới về trữ lượng khí hóa lỏng; có mỏ vàng và trữ lượng đồng hàng đầu thế giới. Những nguồn lực tiềm năng đó đang thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường đông dân thứ tư thế giới, với 249 triệu dân này. Việc hãng xếp hạng tín dụng Fitch Ratings nâng một bậc mức xếp hạng tín nhiệm đầu tư của In-đô-nê-xi-a giúp các hãng hàng không giá rẻ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để tiếp cận các nguồn vốn vay, mở rộng hoạt động kinh doanh.
Năm 2012, ngành hàng không In-đô-nê-xi-a đạt mức tăng lượng hành khách kỷ lục 13%, chủ yếu nhờ sự gia tăng đáng kể của tầng lớp trung lưu. Số liệu thống kê cho thấy, trong năm ngoái, ngành hàng không nước này chuyên chở được hơn 70 triệu lượt người, tăng hơn tám triệu lượt người so năm 2011. Giới chức In-đô-nê-xi-a nhận định, sự tăng trưởng khả quan của nền kinh tế và sức mua mạnh đã cho phép người dân nước này lựa chọn việc đi lại bằng đường không thay vì bằng đường bộ như trước đây. Trong số các hãng hàng không “ăn nên làm ra”, phải kể đến thương hiệu hàng không quốc gia Garuda Indonesia. Năm 2012, hãng này có thu nhập ròng tăng hơn 10% so năm 2011 và vận hành 105 máy bay. Lãnh đạo Garuda Indonesia hy vọng có thể tăng đội bay lên 144 chiếc vào năm 2015. Cũng trong năm ngoái, các hãng Space Jet và Pacific Royale Airways Indonesia của Lion Mentari Airlines chính thức trở thành các hãng hàng không dịch vụ đầy đủ, cung cấp chỗ ngồi từ hạng thường đến hạng thương gia. Lion Mentari Airlines thông báo kế hoạch đặt mua 230 máy bay Boeing 737 trị giá 21,7 tỷ USD, nâng tổng số đội bay của hãng lên 400 chiếc vào năm 2017. Lãnh đạo Lion Mentari Airlines cho biết, với sự đầu tư mạnh tay này, vào năm 2015, khi Hiệp hội các quốc gia Ðông – Nam Á (ASEAN) bắt đầu thực hiện chính sách “Bầu trời mở ASEAN”, Lion Mentari Airlines hy vọng có khả năng kiểm soát được ít nhất 30% thị trường hàng không của khu vực ASEAN.
Cùng với các quốc gia thành viên Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) khu vực châu Á – Thái Bình Dương, gồm Ô-xtrây-li-a, Trung Quốc, Ấn Ðộ, Nhật Bản, Xin-ga-po, Hàn Quốc, Ma-lai-xi-a và Pa-ki-xtan, In-đô-nê-xi-a mới đây đề xuất thành lập Ủy ban hàng không dân dụng châu Á – Thái Bình Dương do thị trường hàng không dân dụng khu vực hiện chiếm tới một phần ba lượng hành khách hàng không toàn cầu. Bộ Giao thông vận tải In-đô-nê-xi-a cho rằng, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu không ảnh hưởng nhiều đến ngành hàng không của các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương do các nước Trung Quốc, Ấn Ðộ và In-đô-nê-xi-a có thị trường hàng không dân dụng nội địa lớn, giàu tiềm năng. Ước tính, tại In-đô-nê-xi-a, nếu tăng trưởng kinh tế đạt 1% thì tăng trưởng ngành hàng không dân dụng cũng tăng tương ứng từ 1,2% đến 1,5%. Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo, In-đô-nê-xi-a có nhiều tiềm năng để trở thành thị trường tăng trưởng nhanh thứ sáu về vận tải hành khách quốc tế, đứng thứ chín thế giới về tăng trưởng của thị trường nội địa và đứng trong “tốp 10” thế giới về vận chuyển hàng hóa quốc tế vào năm 2014.
Theo Nhandan

Ý kiến ()