Ngành hải quan nỗ lực khắc phục tồn tại trong công tác quản lý kiểm tra chuyên ngành
Thời gian qua, ngành hải quan nỗ lực trong việc cải cách giúp hoạt động kiểm tra chuyên ngành hiệu quả hơn. Tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại trong công tác quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Nhiều mặt hàng chưa có mã số
Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, văn bản quy phạm pháp luật về Kiểm tra chuyên ngành ban hành nhiều, phạm vi rộng, nhiều mặt hàng chưa có mã số hồ sơ, chưa có đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn để thực hiện việc kiểm tra.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, đến ngày 30/6/2016 có 344 văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý chuyên ngành, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) do các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước ban hành, trong đó có: 21 luật, pháp lệnh; 65 nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; 258 thông tư, quyết định của các Bộ, ngành liên quan đến các lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành (KTCN) như: kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa; kiểm tra an toàn thực phẩm; kiểm dịch (động vật, thực vật, y tế); kiểm tra văn hóa; các quy định về cấp giấy phép xuất nhập khẩu, điều kiện xuất nhập khẩu hàng hóa.v.v.
Cùng với đó nhiều cơ quan kiểm tra chuyên ngành thực hiện thủ tục KTCN chủ yếu bằng phương thức thủ công, chưa áp dụng rộng rãi phương pháp quản lý rủi ro trong kiểm tra; chưa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận xử lý hồ sơ, trao đổi dữ liệu thông tin, công nhận kết quả KTCN.
Tổng cục Hải quan cho biết, qua khảo sát thực tế tại một số cơ quan, tổ chức KTCN, việc xin giấy phép, cấp giấy chứng nhận, đăng ký kiểm tra, trả kết quả chủ yếu làm thủ công. Chủ yếu nộp hồ sơ giấy, nộp trực tiếp cho cơ quan kiểm tra hoặc cơ quan cấp phép và nhận lại kết quả bằng giấy. Nhiều cơ quan, tổ chức kiểm tra chuyên ngành chưa áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong việc phân tích đánh giá thông tin về doanh nghiệp để thực hiện kiểm tra chuyên ngành, dẫn đến kiểm tra nhiều, kiểm tra trùng lắp, cùng một mặt hàng, hãng sản xuất lần nào doanh nghiệp cũng kiểm tra; kết quả kiểm tra nhiều lần, nhiều lô nhưng phát hiện rất ít. Việc phối hợp, trao đổi thông tin về kết quả KTCN giữa các cơ quan, đơn vị liên quan còn nhiều hạn chế.
Trong khi đó, nguồn lực (bao gồm nguồn nhân lực, tài chính, trang thiết bị máy móc, phượng tiện làm việc) thực hiện nhiệm vụ kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại cửa khẩu còn nhiều hạn chế.
Tại hầu hết các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia đường bộ, đường biển, đường hàng không hiện nay đều chưa có đại diện của các cơ quan kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng, tiêu chuẩn hàng hóa. Việc kiểm tra hàng hóa nhập khẩu được các cơ quan này thực hiện trên mẫu hàng từ cửa khẩu gửi về phòng thí nghiệm trong nội địa hoặc được thực hiện tại kho bảo quản hàng hóa của doanh nghiệp đối với lô hàng được đưa về bảo quản dẫn đến kéo dài thời gian thông quan hàng hóa. Nhiều cơ quan KTCN chưa có đủ lực lượng và phương tiện kiểm tra tại cửa khẩu. Phương tiện kỹ thuật, máy móc, thiết bị, còn thiếu và yếu, nhiều trường hợp đưa ra kết quả chậm dẫn đến kéo dài thời gian thông quan hàng hóa của doanh nghiệp.
Cần nhiều cải cách hơn nữa.
Thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành thực hiện nhiệm vụ rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý về thực hiện công tác kiểm tra chuyên ngành.
Bên cạnh đó, chủ động làm việc với các đơn vị chức năng chuyên môn thuộc Bộ quản lý chuyên ngành cùng trao đổi xử lý những khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện; tổ chức hội thảo, hội nghị chuyên đề về công tác kiểm tra chuyên ngành.
Đặc biệt ngành hải quan đã thực hiện triển khai và đưa vào hoạt động các địa điểm kiểm tra tập trung đối với hàng hóa xuất nhập khẩu nhiều như Cục Hải quan thành phố Hải Phòng (Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Hải Phòng Khu vực III) ngày 1/12/2015; Cục Hải quan TP Hà Nội (sân bay Nội Bài) vào ngày 22/12/2015, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh (cảng Sài Gòn khu vực I, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất) vào ngày 14/01/2016, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn (cửa khẩu Tân Thanh) vào ngày 06/01/2016,…
Việc xây dựng đưa vào hoạt động các địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung làm việc ngay tại cửa khẩu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các việc liên quan đến công tác KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; rút ngắn thời gian thông quan hàng hoá, giảm chi phí cho doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường công tác quản lý, thúc đẩy việc trao đổi thông tin, phối hợp công tác giữa các đơn vị liên quan tại cửa khẩu.
Để thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ nêu tại Quyết định 2026/QĐ-TTg và mục tiêu, chỉ tiêu nêu tại Nghị quyết 19/2016, Tổng cục Hải quan cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc các Bộ quản lý chuyên ngành thực hiện việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành trên cơ sở các tiêu chí và các yêu cầu.
Một là, thay đổi căn bản phương thức quản lý, KTCN với các nội dung: Áp dụng quản lý rủi ro (phân tích thông tin, đánh giá rủi ro); Đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của từng doanh nghiệp để áp dụng mức độ kiểm tra phù hợp đối với hàng hoá của từng doanh nghiệp. Chuyển thời điểm KTCN tại giai đoạn thông quan sang kiểm tra sau khi hàng hóa đã được thông quan.
Hai là, minh bạch hoá quản lý, kiểm tra chuyên ngành với các nội dung: Minh bạch về Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành (Danh mục chi tiết kèm mã HS); Minh bạch về chế độ quản lý, hình thức kiểm tra, thời điểm kiểm tra; Minh bạch về chi phí kiểm tra KTCN.
Ba là, hiện đại hoá thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành với các nội dung: (i) Điện tử hóa thủ tục (nộp hồ sơ, trả kết quả…) quản lý, kiểm tra chuyên ngành; (ii) Kết nối thủ tục giữa các cơ quan, tổ chức liên quan KTCN.
Bốn là, đẩy mạnh áp dụng thông lệ quốc tế.
Năm là, đẩy mạnh tiến độ triển khai, kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN giữa doanh nghiệp với các đơn vị có liên quan trong lĩnh vực KTCN.
Ngoài ra, tiếp tục Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung tại các cửa khẩu nơi có lưu lượng hàng hóa XNK lớn tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, truyền thông về hoạt động KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu cho các đối tượng có liên quan.
Tổ chức triển khai công tác kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của Cục Kiểm định hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc Tổng cục Hải quan.
Thí điểm tiếp nhận một số mặt hàng Cục Kiểm định hàng hóa xuất nhập khẩu đủ năng lực triển khai (phân bón, đồ chơi bằng nhựa); trang bị phòng kiểm định di động (xe mobile lab) để phục vụ công tác kiểm tra chuyên ngành tại các tỉnh khu vực biên giới phía Bắc (Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai). Nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất, số lượng cán bộ kiểm tra chuyên ngành theo hướng chuyên sâu cho Cục Kiểm định và các Chi cục Kiểm định hiện có. Phối hợp với các Bộ quản lý chuyên ngành xác định nhu cầu đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các khu vực có lưu lượng xuất nhập khẩu hàng hóa nhiều phải kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()