Ngành gỗ trước thách thức cạnh tranh nguyên liệu
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ngành chế biến gỗ Việt Nam tiếp tục mở rộng trong những năm tới đang đặt ra bài toán cung ứng lượng gỗ nguyên liệu rất lớn từ nguồn nhập khẩu và rừng trồng trong nước.
Ngành công nghiệp chế biến gỗ đã đóng góp đáng kể vào giá trị kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Cụ thể, năm 2015 giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6,9 tỷ USD, tăng 10,7% so với năm 2014. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ năm 2016 dự kiến hơn 7,1 tỷ USD, đến năm 2020 đạt 10 tỷ USD thì nguồn cung gỗ nguyên liệu sẽ cần thêm 4-5 triệu m3/năm.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ngành chế biến gỗ Việt Nam tiếp tục mở rộng trong những năm tới đang đặt ra bài toán cung ứng lượng gỗ nguyên liệu rất lớn từ nguồn nhập khẩu và rừng trồng trong nước. Hiện nay, gỗ rừng trồng trong nước đã trở thành một nguồn nguyên liệu quan trọng cho ngành chế biến đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam, chiếm 30-40% tổng lượng nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là gỗ cao su và gỗ keo tràm.
Nguyên liệu nhập khẩu ngày càng cạnh tranh
Những năm gần đây, nhiều quốc gia trong khu vực trong đó có Việt Nam, đã ban hành chính sách đóng cửa rừng tự nhiên và hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô để giữ nguồn gỗ phục vụ cho chế biến trong nước. Myanmar ban hành lệnh cấm xuất khẩu gỗ tròn có hiệu lực từ ngày 1/4/2014. Mới đây, ngày 13/5/2016, Lào đã ban hành Nghị định số 15/PM, trong đó đình chỉ việc xuất khẩu các loại gỗ tròn, gỗ xẻ kích thước lớn, gỗ xẻ… từ rừng tự nhiên trong mọi trường hợp.
Trung Quốc cấm khai thác rừng tự nhiên bắt đầu từ tháng 4/2015 ở vùng Đông Bắc Trung Quốc và Nội Mông, tiến tới chấm dứt hoàn toàn khai thác gỗ thương mại rừng tự nhiên trên toàn đại lục vào năm 2017.
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, các chính sách nói trên sẽ tiếp tục tạo ra tình trạng thiếu hụt gỗ nguyên liệu trong khu vực và gia tăng áp lực cạnh tranh gỗ nguyên liệu đầu vào tại các nước có ngành công nghiệp chế biến gỗ phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, đến nay gỗ rừng trồng trong nước của Việt Nam còn nhiều hạn chế như gỗ có đường kính nhỏ là chủ yếu, chất lượng cây gỗ chưa cao. Gỗ có đường kính lớn và chất lượng tốt cần phải có thời gian và lộ trình thực hiện trong những năm tới.
Đến nay, đối với gỗ rừng trồng, ở Việt Nam mới chỉ có khoảng 200.000 ha đã được cấp chứng chỉ FSC, chiếm 8% diện tích rừng trồng sản xuất của cả nước. Yêu cầu trong các năm tới phải có 100% gỗ có chứng chỉ FSC và gỗ hợp pháp là một thách thức lớn đối với doanh nghiệp (DN) gỗ Việt Nam.
DN trong nước gặp nhiều sức ép
Chia sẻ những thách thức mà các DN trong nước đang đối mặt, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định cho biết, theo phản ánh của các DN sản xuất và chế biến gỗ, trong thời gian qua, tình trạng các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và thương nhân hình thành những hệ thống nhà máy và cơ sở thu mua nguyên liệu gỗ ở hầu khắp các vùng nguyên liệu gỗ cao su và gỗ keo tràm từ miền Nam ra đến khu vực miền Trung-Tây Nguyên để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Vấn đề cạnh tranh khống chế thị trường cung cấp gỗ nguyên liệu này đang tạo ra sức ép rất lớn, thậm chí là nguy cơ khủng hoảng gỗ nguyên liệu tại các DN trong nước ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, và Bình Định.
Các DN sản xuất gỗ trong nước cho rằng, thời gian qua, Chính phủ đã thể hiện sự quan tâm bảo vệ ngành chế biến gỗ trong nước bằng các giải pháp, trong đó có chính sách thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng gỗ nguyên liệu và sản phẩm gỗ của Việt Nam hiện hành theo Thông tư 182/2015/TT-BTC ngày 16/11/2015.
Tuy nhiên, với mức thuế suất thuế xuất khẩu hiện tại là chưa đủ sức hạn chế hoạt động xuất khẩu gỗ nguyên liệu sang Trung Quốc một cách ồ ạt như thời gian qua, cùng với việc nhiều thương nhân khai báo không đúng quy cách sản phẩm xuất khẩu để được hưởng ưu đãi về thuế như mặt hàng gỗ xẻ.
Để bảo vệ ngành chế biến gỗ xuất khẩu trong nước và bảo đảm nguồn gỗ nguyên liệu rừng trồng được cung cấp đầy đủ và bền vững trong những năm tới, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định đề nghị Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị Chính phủ ban hành các giải pháp hạn chế xuất khẩu gỗ nguyên liệu một cách hiệu quả.
Đồng thời, đề nghị tăng mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng gỗ tròn và gỗ xẻ (không phân biệt quy cách “Loại chiều dày từ 30 mm trở xuống, chiều rộng từ 95 mm trở xuống, chiều dài từ 1.050 mm trở xuống”) lên cùng mức 20% trong khung quy định Nghị quyết số 830/2009/UBTVQH12 ngày 17/10/2009 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Các DN ngành gỗ cũng kiến nghị Nhà nước chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra giám sát để hạn chế việc thương nhân nước ngoài thu gom, khống chế thị trường gỗ nguyên liệu rừng trồng trong nước và lẩn tránh thuế xuất khẩu bằng cách giảm giá bán, kê khai không đúng quy cách gỗ nguyên liệu xuất khẩu.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()