Ngành giao thông tăng tốc giải ngân đầu tư công cuối năm
Các dự án giao thông đang tăng tốc thi công trước mùa mưa. Ảnh: VGP/Phan Trang |
Đây là tỉ lệ giải ngân cao hơn so với bình quân chung cả nước (ước tính tỉ lệ giải ngân bình quân chung khối các bộ, ngành Trung ương đến hết tháng 6/2021 theo tính toán của Bộ Tài chính là 22,02%) và cao hơn tỉ lệ giải ngân cùng kỳ năm 2020 (khoảng 6%).
Riêng đối với các dự án thành phần của cao tốc Bắc-Nam, hiện Bộ GTVT đã điều chuyển bổ sung 1.637 tỷ đồng, bảo đảm đủ vốn triển khai 2 dự án mới chuyển sang đầu tư công (QL45-Nghi Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu). Dự kiến, trong tháng 6/2021, giải ngân được khoảng 2.424 tỷ đồng, lũy kế tới hết tháng 6/2021 giải ngân được 6.935/14.981 tỷ đồng, đạt 46,3% kế hoạch, cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Dự án cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ được đánh giá có tiến độ giải ngân tốt, đã được điều chuyển bổ sung 647 tỷ đồng kế hoạch. Dự kiến hết tháng 6/2021, dự án giải ngân được 88 tỷ đồng, lũy kế tới hết tháng 6/2021 giải ngân 900/1.811 tỷ đồng, đạt 49% kế hoạch, cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Để đạt kết quả này, Bộ GTVT đã chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng cơ bản, đặc biệt là giải ngân vốn đầu tư công với nhiều giải pháp: Giao ban tập thể lãnh đạo Bộ GTVT hàng tuần để xử lý các vấn đề trọng tâm trong tuần và triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm tuần kế tiếp; giao ban xây dựng cơ bản hằng tháng; yêu cầu các cơ quan tham mưu thuộc Bộ GTVT chấn chỉnh, chủ động và nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác tham mưu, nhất là vai trò của cấp trưởng.
Ngoài ra, Bộ GTVT quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, người đứng đầu ngay trong các quyết định giao vốn; kịp thời có văn bản đôn đốc, phê bình các chủ đầu tư chậm tiến độ (đặc biệt là với Sở GTVT Kon Tum và Gia Lai); thường xuyên kiểm tra hiện trường, làm việc với các địa phương để tháo gỡ các khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng; kiên quyết điều chuyển vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn.
Đến nay, Bộ GTVT đã thực hiện điều chỉnh kế hoạch 3 đợt cho 11 dự án, với giá trị vốn điều chỉnh 3.130 tỷ đồng.
Tăng tốc vào cuối năm
Tuy nhiên, đối với kết quả giải ngân hiện tại, Vụ KH&ĐT cũng đánh giá, giá trị giải ngân đến nay chủ yếu gồm: Ứng hợp đồng, thanh toán nợ đọng, thu hồi vốn ứng trước cho các doanh nghiệp và địa phương. Phần giải ngân cho khối lượng thi công sẽ tăng tốc vào cuối năm.
Nguyên nhân bởi hầu hết các dự án lớn mới bắt đầu triển khai cuối năm 2020 và đang triển khai các hạng mục phần nền, móng nên giá trị thanh toán, giải ngân không nhiều.
Bên cạnh đó, một số dự án ODA đang hoàn thiện thủ tục phê duyệt thiết kế kỹ thuật, quá trình đấu thầu kéo dài nên chưa triển khai thi công, tiềm ẩn nguy cơ giải ngân không đáp ứng tiến độ đã đề ra, khi mùa mưa bão đang đến gần. Thêm vào đó, biến động giá vật liệu tăng cao, đặc biệt là giá vật liệu thép xây dựng tăng 40-50% khiến các nhà thầu có biểu hiện thi công cầm chừng và ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến quá trình thi công các dự án,…
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ KH&ĐT cho biết, trong 6 tháng cuối năm 2021, Bộ GTVT cần tiếp tục giải ngân 26.090 tỷ đồng, gồm: 3.620 tỷ đồng vốn nước ngoài và 22.065 tỷ đồng vốn trong nước.
Ý kiến ()