Ngành giao thông giải ngân gần 100.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023 của Bộ GTVT ngày 28/12, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, đến tháng 12/2023, ước giải ngân của Bộ đạt khoảng 90% kế hoạch và dự kiến hết niên độ đạt trên 95%.
Khối lượng giải ngân khổng lồ
Năm nay, Bộ GTVT được Chính phủ giao giải ngân hơn 94.160 tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm 2022, gấp 2,2 lần năm 2021, cùng với 19,9 tỷ đồng bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.
“Khối lượng giải ngân lớn là nhiệm vụ thách thức trong bối cảnh nhiều dự án mới khởi công, giải phóng mặt bằng còn chậm. Nguyên vật liệu, nguồn cát đắp thiếu hụt, thời tiết diễn biến bất thường”, ông Thắng nói.
Trong năm 2023, Bộ GTVT đã khởi công 26 dự án, trong đó 18 dự án đường bộ, 2 dự án đường thủy, 3 dự án đường sắt; hoàn thành 20 dự án, trong đó có 9 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam với chiều dài 475 km.
Để thúc đẩy giải ngân cho các dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ đã giao chi tiết kế hoạch và điều chỉnh linh hoạt qua 10 đợt, điều chuyển vốn từ dự án chậm giải ngân, xử lý nghiêm cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho nhà thầu trong quá trình thanh toán…
Các nhà thầu được yêu cầu bố trí đầy đủ nhân lực, máy móc, tài chính, tổ chức thi công 3 ca 4 kíp. Vì vậy, kết quả giải ngân hàng tháng của Bộ GTVT luôn duy trì ở mức cao hơn bình quân chung cả nước.
Năm 2024, Bộ GTVT đặt kế hoạch giải ngân trên 95% số vốn được giao; khởi công 19 dự án và hoàn thành các dự án theo đúng kế hoạch, trong đó đưa vào khai thác cao tốc đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt, Cam Lâm – Vĩnh Hảo, nâng tổng số cao tốc đưa vào khai thác lên 2.021 km.
Ngành giao thông cũng đặt mục tiêu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt quan trọng quốc gia như TPHCM – Cần Thơ, Biên Hòa – Vũng Tàu, Long Thành – Thủ Thiêm, Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.
Nhìn nhận hạn chế rút ra bài học kinh nghiệm
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ GTVT cũng thẳng thắn, cầu thị nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế chính cần được xem xét, giải quyết để có được sự chuyển biến thực chất, mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Cụ thể, tai nạn giao thông vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Mặc dù nhiều công trình dự án đường bộ cao tốc sớm hoàn thành, đưa vào khai thác nhưng các trạm dừng nghỉ chưa được đầu tư đồng bộ dẫn đến sự bất tiện đối với người dân, một vài tuyến đường gom, đường hoàn trả cho dân chưa được thực hiện triệt để; việc thu hút nguồn vốn xã hội trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế, chưa đáp ứng được kỳ vọng.
Bộ trưởng cũng cho biết, qua thực tiễn triển khai nhiệm vụ 2023, Bộ GTVT rút ra một số bài học kinh nghiệm. Đầu tiên, phải bám sát các kết luận, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tổ chức quán triệt, lan tỏa sâu rộng đến từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Bộ GTVT cũng cần nắm chắc tình hình thế giới, diễn biến trong nước, bám sát thực tiễn để đưa ra phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả. Điều hành đồng bộ, xác định rõ ưu tiên, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, không dàn trải.
Trong quá trình chỉ đạo điều hành phải đảm bảo kỷ cương, linh hoạt, sâu sát, quyết liệt, hiệu quả; cá thể hóa trách nhiệm cá nhân tất cả các chủ thể trong từng việc, từng khâu, đặc biệt nêu cao trách nhiệm người đứng đầu. Đồng thời, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi cùng với tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu.
Các cán bộ của ngành giao thông cũng cần tăng cường năng lực phân tích, dự báo; các nhiệm vụ của ngành phải được chủ động triển khai từ những ngày đầu, tháng đầu, với phương châm “từ sớm, từ xa”; đi đôi với việc triển khai thực hiện, cần tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát.
Bài học kinh nghiệm cuối cùng, theo Bộ trưởng, nhiệm vụ đột phá phát triển kết cấu hạ tầng trong đó có kết cấu hạ tầng giao thông là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và các vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ do vậy cần phải phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban ngành trung ương, sự vào cuộc một cách quyết liệt của cả hệ thống chính trị các địa phương, sự ủng hộ của người dân và doanh nghiệp.
Mục tiêu năm 2024
Nói về kế hoạch và mục tiêu năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thông tin: Ngành giao thông tiếp tục đặt mục tiêu phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao.
Đặc biệt, ngành GTVT phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác 2 Dự án thành phần đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt, Cam Lâm – Vĩnh Hảo thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 nâng tổng số đường bộ cao tốc trên cả nước đưa vào khai thác lên 2.021km (gồm 129 km cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt, Cam Lâm – Vĩnh Hảo và 1892 km cao tốc đã đưa vào khai thác trong năm 2023).
“Ngành giao thông tiếp tục đặt mục tiêu phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao” – Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho biết thêm về một số mục tiêu khác như: Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư các Dự án và hoàn thành thủ tục khởi công 19 Dự án trong năm 2024; phấn đấu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam; đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt quan trọng quốc gia như: TPHCM – Cần Thơ, Biên Hòa – Vũng Tàu, Long Thành – Thủ Thiêm, Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng. Đồng thời, phối hợp, hỗ trợ các địa phương hoàn thiện hồ sơ để khởi công 11 dự án đường bộ cao tốc do địa phương được giao là cơ quan chủ quản.
Bộ GTVT rà soát, ưu tiên bố trí vốn các dự án quan trọng quốc gia, các dự án quan trọng, động lực. Triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tiếp tục gắn trách nhiệm người đứng đầu và đưa nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công là một trong những tiêu chí hàng đầu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2024 với người đứng đầu.
Tăng cường kiểm tra hiện trường, làm việc với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng,nguồn cung vật liệu; đồng thời, chỉ đạo quyết liệt các nhà thầu, tư vấn bố trí đầy đủ nhân lực, máy móc, tài chính tập trung thi công theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.
Rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên các tuyến cao tốc đã được phân kỳ đầu tư để đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép triển khai mở rộng khi đủđiều kiện về nguồn lực. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút hiệu quả nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; phương án huy động hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giaothông đường sắt.
Sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến hệ thống thu phí điện tử không dừng; báo cáo cấp có thẩm quyền về giải pháp xử lý khó khăn, bất cập dự án BOT giao thông. Hoàn thiện thủ tục để tiến tới nâng tốc độ khai thác một số tuyến cao tốc từ 80km/h lên 90km/h. Tập trung hoàn thành các hạng mục còn lại, hoàn trả các tuyến đường địa phương, thực hiện quyết toán dự án hoàn thành đối với các tuyến cao tốc đã hoàn thành, đưa vào khai thác làm cơ sở triển khai đầu tư nâng cấp, mở rộng trong giai đoạn tiếp theo.
Chỉ đạo các cơ quan chủ quản, các Chủ đầu tư/Ban Quản lý dự án nghiên cứu đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông thông minh (ITS), hệ thống trạm dừng nghỉ, hệ thống thu phí không dừng… đối với các Dự án đầu tư xây dựng mới và tiếp tục hoàn chỉnh, bổ sung đối với các dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong quá trình vận hành khai thác.
Năm 2024, Bộ GTVT cũng sẽ tập trung xây dựng Đề án nghiên cứu định hướng giải pháp xây dựng đường cao tốc tại đồng bằng sông Cửu Long. Phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống định mức trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()