Ngành giáo dục vượt khó thực hiện tốt nhiệm vụ
– Năm 2022 là năm ngành giáo dục và đào tạo cả nước nói chung, tỉnh Lạng Sơn nói riêng phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Với sự nỗ lực, cố gắng của toàn ngành, lĩnh vực GD&ĐT của tỉnh đã đạt được nhiều thành tích nổi bật, đảm bảo chất lượng dạy và học ở các cấp.
Năm 2022, những thách thức mà ngành GD&ĐT phải đối mặt đó là dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong những tháng đầu năm; toàn ngành phải hoàn thành chương trình năm học 2021 – 2022 theo tiến độ, kế hoạch của Bộ GD&ĐT đồng thời cùng lúc phải chuẩn bị các điều kiện cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cả 3 cấp học (lớp 3, lớp 7, lớp 10 của năm học 2022 – 2023). Dự báo trước tình hình dịch bệnh, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch giáo dục linh hoạt, phù hợp với diễn biến của dịch bệnh, tận dụng tối đa thời gian dạy học trực tiếp, nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến, tăng cường kỹ năng tự học cho học sinh, xây dựng kho học liệu điện tử mở… Đồng thời, vận dụng linh hoạt các hình thức học tập để nâng cao chất lượng giáo dục.
Giáo viên Trường Tiểu học Long Đống, huyện Bắc Sơn hướng dẫn học sinh học bài
Ông Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Trong bối cảnh dịch bệnh, với phương châm “không đến trường nhưng không dừng việc học”, nhiều đơn vị, trường học đã thực hiện hiệu quả phương pháp giáo dục mới với hình thức trực tuyến và tận dụng, ứng dụng tất cả các nền tảng Internet để phát huy tối đa khả năng của người dạy, người học. Bên cạnh đó, ngành cũng đẩy mạnh công tác tập huấn chương trình, kiến thức, công nghệ dạy trực tuyến cho đội ngũ giáo viên ở các cấp học nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu dạy và học trong tình hình mới.
Với sự chủ động, nỗ lực của toàn ngành, năm học 2021 – 2022, chất lượng giáo dục đại trà tiếp tục được duy trì, đảm bảo. Nổi bật là công tác giáo dục mũi nhọn, ôn thi học sinh giỏi. Năm học 2021 – 2022, số học sinh giỏi các cấp được nâng lên cả về số lượng và chất lượng giải. Toàn tỉnh có hơn 1.500 em học sinh lớp 9, 11, 12 khối phổ thông và thường xuyên đạt học sinh giỏi cấp tỉnh (tăng 30 học sinh đạt giải so với năm 2020 – 2021). Trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT, đã có 12 thí sinh đạt giải.
Cùng với đó, việc chuẩn bị các điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đối với khối lớp 3, lớp 7 và lớp 10 trong năm học này cũng được ngành GD&ĐT quan tâm, tích cực triển khai. Đặc biệt, năm học 2022 – 2023 là năm đầu tiên triển khai chương trình mới ở cấp THPT với lớp 10, theo định hướng giáo dục nghề nghiệp, học sinh không phải học 17 môn bắt buộc như hiện nay, thay vào đó, các em sẽ học 8 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc.
Với sự thay đổi này, đòi hỏi các trường phải có sự bổ sung cả về số lượng đội ngũ giáo viên, bảo đảm chất lượng chuyên môn lẫn tăng cường cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu. Do đó, ngay sau khi kết thúc năm học 2021 – 2022, Sở GD&ĐT đã rà soát đội ngũ để bổ sung, chuẩn bị cho năm học 2022 – 2023. Trên cơ sở đó, Sở GD&ĐT đã tham mưu với UBND tỉnh tuyển dụng 257 biên chế; cho phép tuyển dụng giáo viên hợp đồng thời hạn 1 năm, qua đó tuyển thêm được 1.039 chỉ tiêu hợp đồng để bổ sung giáo viên. Cùng đó, Sở GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị, trường học bố trí giáo viên dạy các môn đặc thù (Tin học, Ngoại ngữ) cấp THCS tại các trường liên cấp có ít học sinh thì dạy kiêm nhiệm ở các trường tiểu học thiếu giáo viên ở bộ môn này. Biện pháp này vừa khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên, vừa bảo đảm số tiết dạy/tuần theo quy định đối với các giáo viên ít tiết dạy mỗi tuần.
Về cơ sở vật chất cho năm học 2022 – 2023, qua báo cáo rà soát của các phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT đã bổ sung, trang bị tập trung cho các khối lớp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó đã trang bị thêm 31 phòng tin học cho cấp tiểu học, 31 phòng tin học cho cấp THCS; tham mưu UBND tỉnh phê duyệt mua sắm trang thiết bị bổ sung thêm 64 phòng tin học. Cùng đó, trang bị, bổ sung 128 thiết bị, học liệu dạy học ngoại ngữ cho 94 trường; bổ sung trang thiết bị cho phòng bộ môn khoa học tự nhiên và bộ môn công nghệ tại 90 trường. Đến cuối năm 2022, sự chuẩn bị của ngành GD&ĐT và các địa phương đã khắc phục cơ bản khó khăn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, đảm bảo đáp ứng điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt là khối lớp 3 và lớp 10.
Nhờ những nỗ lực và việc tận dụng tốt những điều kiện sẵn có, toàn ngành GD&ĐT đã vượt qua những khó khăn, thách thức, tiếp tục thực hiện tốt công tác GD&ĐT, hướng tới mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Năm học 2022 – 2023 này, mạng lưới cơ sở giáo dục của tỉnh đã khá đa dạng, có đủ các loại hình trường, lớp (với 670 trường học) cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập theo các lứa tuổi. Bên cạnh những kết quả đạt được, để duy trì, nâng cao chất lượng dạy học, ngành GD&ĐT đang tiếp tục triển khai đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy và học tập, thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo… nhằm hướng tới một năm học đạt kết quả cao.
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()