Thứ 2, 23/12/2024 13:02 [(GMT +7)]
Ngành Giáo dục với di sản văn hóa
Thứ 3, 23/11/2010 | 08:39:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Trong đợt tuyên truyền kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ (1909-2009), chúng tôi có tìm hiểu về công tác giáo dục truyền thống tại trường THCS xã Hoàng Văn Thụ (huyện Văn Lãng) và được nghe nhiều ý kiến của các em học sinh nơi đây về sự “lệch” giữa SGK lịch sử địa phương và cuốn lịch sử Đảng bộ Lạng Sơn về ngày hy sinh của đồng chí Hoàng Văn Thụ. Ở đây chưa bàn tới sự đúng, sai giữa hai tài liệu khi đề cập đến một sự kiện, song chúng tôi ghi nhận ý thức tìm hiểu lịch sử của các em học sinh nhà trường…
Khai thác “thế mạnh” di sản để giáo dục học sinh
Đồng chí Hiệu trưởng Trường THCS xã Hoàng Văn Thụ cho chúng tôi biết, là những công dân trên quê hương anh Hoàng Văn Thụ, địa điểm của trường chỉ cách khu lưu niệm chưa đầy 700m, nên nhà trường có nhiều thuận lợi để giáo dục truyền thống cho học sinh. Những giờ học chính khóa cũng như các hoạt động ngoại khóa, nhà trường luôn có ý thức cho học sinh có những tiết học “trực quan” bằng cách liên hệ với khu di tích để các em vào tham quan. Thiết nghĩ, không có tiết nào mang lại hiệu quả cao được như vậy. Lạng Sơn là nơi có nhiều di sản văn hóa. Có người nói rằng đối với Lạng Sơn thì “ra ngõ gặp di tích, nằm ngủ nghe tiếng sli, lượn”. Thật vậy, đối với một vùng đất địa đầu gắn liền với những thăng trầm của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, nên Xứ Lạng không chỉ thu hút khách tham quan du lịch với nhiều loại hình khác nhau, mà còn là một trong những địa phương có “thế mạnh” trong việc khai thác di sản phục vụ cho công tác giáo dục thế hệ trẻ. Vì vậy, cũng như trường THCS xã Hoàng Văn Thụ, từ lâu, các nhà trường ở các huyện Văn Lãng, Tràng Định, Bình Gia, Bắc Sơn, Chi Lăng, Thành phố Lạng Sơn… đã có sự đổi mới trong giáo dục di sản nói chung và giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa nói riêng bằng cách cho học sinh tiếp cận với di sản văn hóa kết hợp với chương trình học chính khóa trong nhà trường. Từ khi ngành GD phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và cùng các ngành như Văn hóa- Thông tin- Du lịch, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội phụ nữ, Hội Khuyến học có kế hoạch phối hợp thực hiện phong trào này, thì công tác giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, các lễ hội, di tích, di sản không chỉ được lồng ghép vào nội dung chương trình học theo chủ điểm, mà còn là “điểm đến” của các đối tượng giáo dục.
Học sinh trường THCS thị trấn Thất Khê tham quan khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thị trấn |
Cần có phương pháp “tiếp cận” khoa học hơn
Hai năm gần đây, tiết mục văn nghệ tại lễ khai giảng đã có nhiều hơn những bài dân ca Xứ Lạng; trong giờ hoạt động ngoài trời của học sinh đã xuất hiện một số trò chơi dân gian. Theo thống kê của các bảo tàng như Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn, Bảo tàng Tổng hợp Lạng Sơn, số lượng HSSV đã đông hơn. Các thư viện, từ thư viện trường học đến thư viện công, đã đón tiếp nhiều hơn bạn đọc nhỏ tuổi. Các chuyến “về nguồn” đối với HSSV được tổ chức nhiều hơn, thiết thực hơn. Ngay việc tổ chức hội cho trẻ em cũng đã có nội dung phong phú hơn với các tên gọi “truyền thống” hơn như “Đêm hội trăng rằm”… Theo báo cáo của ngành GD, đã có 100% công trình, di tích lịch sử, văn hóa, nghĩa trang liệt sĩ; các gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng… được các nhà trường nhận chăm sóc và đã phát huy giá trị giáo dục. Tuy vậy, các hoạt động vẫn còn đơn điệu về nội dung và nhỏ lẻ về quy mô. Việc tham quan nghiên cứu di sản phục vụ cho các bài học chính khóa vẫn còn mang tính “tùy hứng”, mà chưa trở thành hoạt động bắt buộc. Do địa hình miền núi, các cụm di sản ở cách xa nhau; mặt khác, kinh phí rất eo hẹp, nên các trường, nhất là các trường xa ít có điều kiện tổ chức cho học sinh đi “thực tế”. Vì vậy, vẫn còn không ít thanh niên không biết bài dân ca dân tộc mình, thậm chí “quên” tiếng mẹ đẻ; người Bình Gia không biết di chỉ Thẩm Khuyên, Thẩm Hai; là người Chi Lăng mà chưa đến cụm di tích lịch sử Chi Lăng; thanh niên Tràng Định chưa hiểu nhiều về chiến dịch Biên giới- đường số 4 lẫy lừng… Đó là hậu quả của việc dạy học theo kiểu “đọc- chép”, bồi dưỡng kiến thức theo lối hàn lâm.
Sự cần thiết phải có phương thức mới để từng nhà trường, toàn ngành GD khai thác có hiệu quả nhất các di sản phục vụ cho công tác GD. Trước hết cần phát huy những giá trị của bảo tàng, di tích, nhất là di tích lịch sử cách mạng, các điểm văn hóa; tăng cường tư liệu và đổi mới phong cách phục vụ, giới thiệu thuyết minh phù hợp với đặc điểm nhận thức của đối tượng học sinh. Củng cố, xây dựng thư viện trường học, thư viện công, nhằm giáo dục học sinh qua các tư liệu, hiện vật và nhân chứng. Trước mắt cần tổ chức tốt Ngày di sản văn hóa – ngày về nguồn (23/11/2010), để phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa trong giáo dục thế hệ trẻ.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()