Ngành giáo dục vẫn loay hoay tìm lời giải cho những bài toán cũ
Kết thúc năm học 2018-2019, ngành giáo dục vẫn thừa nhận chưa giải quyết được các bất cập đã tồn tại nhiều năm như thừa-thiếu giáo viên, hạn chế giáo dục đạo đức lối sống, bất cập phân luồng…
Chưa giải quyết được triệt để bài toán thừa-thiếu giáo viên , tình trạng bạo lực học đường; bất cập trong công tác sắp xếp mạng lưới, phân luồng học sinh; chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu… là hàng loạt các hạn chế được Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận tại Hội nghị Tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020.
Hội nghị diễn ra sáng nay, ngày 6/8, theo hình thức trực tuyến tại 63 điểm cầu ở các tỉnh, thành trên cả nước.
Chú trọng giải quyết các nút thắt
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2018-2019, ngành đã chú trọng hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những “nút thắt” trong hoạt động đổi mới giáo dục. Từ đó, ngành đã đạt được một số chuyển biến.
Ở bậc mầm non, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ được quan tâm. Ở bậc phổ thông, chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn được nâng cao; việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới được tích cực thực hiện. Với giáo dục đại học, một số trường đã triển khai đào tạo hiệu quả nguồn nhân lực theo các chương trình tiên tiến được chuyển giao từ các nước phát triển; đẩy mạnh việc triển khai thực hiện hỗ trợ khởi nghiệp đối với sinh viên.
Việc đổi mới phương thức kiểm tra đánh giá được triển khai ở các cấp học theo hướng ứng dụng thực tiễn, đánh giá năng lực học sinh.
Đặc biệt với môn ngoại ngữ là môn học có chất lượng đào tạo còn thấp, Bộ đã đưa ra một số giải pháp như ban hành khung năng lực giáo viên ngoại ngữ, bộ tiêu chí đánh giá các đơn vị tổ chức bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ. Các hệ thống trực tuyến bồi dưỡng giáo viên về năng lực ngoại ngữ và năng lực sư phạm đã được hoàn thành. Số lượng giáo viên đạt yêu cầu về năng lực ngoại ngữ của các cấp học được nâng lên.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và trong dạy học ngày càng được đẩy mạnh. Bộ đã xây dựng được cơ sở dữ liệu của các cấp học. Đặc biệt, lần đầu tiên ngành giáo dục xây dựng được dữ liệu về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được đưa vào sử dụng làm cơ sở cho cơ quan quản lý ra các quyết định về chính sách hiệu quả, khắc phục tối đa những bất cập hiện nay như thừa, thiếu giáo viên, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, chính sách cho nhà giáo. Việc cắt giảm các thủ tục hành chính được triển khai quyết liệt.
Còn nhiều bất cập
Tuy đã có nhiều nỗ lực, ngành giáo dục vẫn còn rất nhiều tồn tại, trong đó có nhiều vấn đề đã được đặt ra từ nhiều năm nhưng chưa được giải quyết triệt để.
Trước tiên là công tác sắp xếp mạng lưới trường, lớp học ở một số địa phương vẫn còn bất cập. Ở nhiều nơi, việc sắp xếp trường lớp còn mang tính cơ học, chưa tạo thuận lợi cho học sinh, phụ huynh. Theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên nhân do một số địa phương chưa hoàn thiện quy hoạch tổng thể về phát triển trường, lớp mầm non; chưa dành quỹ đất để xây dựng trường mầm non, đặc biệt là khu vực có các khu công nghiệp, khu chế xuất; công tác sáp nhập trường, lớp chưa thực hiện tốt trách nhiệm phát triển trường, lớp đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ.
Tình trạng thừa-thiếu giáo viên vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để, đặc biệt là việc thiếu giáo viên mầm non. Lý giải vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, từ năm 2015 đến nay, số lượng trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non tăng nhanh, tăng trên 1,2 triệu trẻ; tương ứng tăng thêm trên 41.000 nhóm/lớp. Điều này kéo theo nhu cầu cần thêm khoảng trên 80.000 giáo viên. Tuy nhiên, số lượng giáo viên được tuyển dụng hằng năm chưa tương xứng với số lượng trẻ tăng thêm. Trong khi đó, mỗi năm toàn ngành có khoảng 3.000 giáo viên nghỉ hưu. Công tác tuyển dụng tại một số địa phương còn chậm, chưa kịp thời đáp ứng được quy mô trường, lớp tăng hằng năm.
Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên chưa đáp ứng được yêu cầu. Tình trạng bạo lực học đường vẫn diễn ra gây bức xúc dư luận, trong đó có cả bạo hành giữa học sinh với học sinh, giáo viên với học sinh. Mặc dù ngành giáo dục đã có rất nhiều văn bản liên quan nhưng không đạt hiệu quả mong đợi.
Công tác phân luồng, giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông chưa hiệu quả. Trong khi nhận thức của học sinh, gia đình và xã hội với giáo dục nghề nghiệp vẫn còn hạn chế thì công tác hướng nghiệp trong các nhà trường chậm đổi mới.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học còn thiếu, lạc hậu, tỷ lệ phòng học kiên cố thấp.
Ở bậc giáo dục đại học, chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế. Kỹ năng và năng lực ngoại ngữ của sinh viên Việt Nam còn thấp.
Đặc biệt, năm 2018, ngành giáo dục gây chấn động cả nước khi để xảy ra sai phạm nghiêm trọng trong khâu chấm thi năm 2018 ở các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La. Phần mềm chấm thi trắc nghiệm tuy cơ bản đáp ứng yêu cầu chấm thi nhưng vẫn còn có những kẽ hở trong bảo mật có thể dẫn đến bị lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi, nhất là khi người dùng thực hiện gian lận có tổ chức và có chủ đích từ trước.
Trước những tồn tại trên, trong năm học 2019-2020, ngành giáo dục đặc mục tiêu khắc phục và tạo sự chuyển biến căn bản các vấn đề về giáo dục đào tạo mà xã hội quan tâm, dư luận bức xúc.
Cụ thể, ngành xác định tập trung thực hiện tốt 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, gồm: rà soát, sắp xếp, quy hoạch mạng lưới các cơ sở trường lớp; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý giáo dục; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên…/.
Ý kiến ()