Ngành giáo dục và đào tạo: Xây dựng môi trường an toàn cho trẻ em
(LSO) – Là một ngành có vai trò quan trọng trong thực thi Luật Trẻ em, việc xây dựng môi trường an toàn là yếu tố quan trọng hàng đầu trong công tác giáo dục và tạo điều kiện cho trẻ phát triển toàn diện.
Tăng cường cơ sở vật chất cho các nhà trường
Năm học 2019 – 2020, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) có trên 172 ngàn trẻ em dưới 16 tuổi đang học tập và rèn luyện tại các cơ sở giáo dục từ cấp học mầm non đến cấp THCS. Phần lớn trong số này đang sinh hoạt và học tập trong hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú và học 2 buổi/ngày. Xác định tầm quan trọng của cơ sở vật chất (CSVC) trong việc chăm sóc toàn diện trẻ em nên ngành đã tập trung cao độ hoàn thiện các công trình, nhất là các công trình thiết yếu như: phòng học, nhà bếp, nhà ăn, y tế trường học, nước sạch, công trình vệ sinh, tường rào… trong việc đảm bảo an ninh, an toàn trường học cũng như tạo ra những tiện ích tối thiểu phục vụ học sinh.
Giờ học xếp hình của các cháu Trường Mầm non tư thục Đông Kinh (thành phố Lạng Sơn)
Theo đó, với tinh thần chủ động, tích cực, Đề án Xây dựng trường mầm non chưa có CSVC riêng đến nay cơ bản hoàn thành với 11/13 công trình đã hoàn thiện bàn giao đưa vào sử dụng; chấm dứt tình trạng có trường mà không có lớp như trước đây. Cùng với đó là đẩy nhanh việc thực hiện Đề án Xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà vệ sinh cho các trường, điểm trường mầm non và phổ thông theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Những tháng đầu năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng đến hết tháng 5/2020, ngành đã hoàn thành xây mới và đưa vào sử dụng 193 công trình vệ sinh. Cùng với đó, đã hoàn thành việc sửa chữa 103 nhà vệ sinh, tạo điều kiện tốt cho việc sinh hoạt của học sinh các nhà trường. Trong học kỳ I, ngoài việc bổ sung thêm thiết bị dạy học tối thiểu dùng cho giáo dục mầm non 4 – 5 tuổi , ngành đã trang bị thêm đồ chơi ngoài trời cho 12 trường mầm non, bổ sung trang thiết bị cho các trường phổ thông có học sinh bán trú thuộc khu vực đặc biệt khó khăn 494 bộ bàn ghế giáo viên, 4.444 bộ bàn ghế học sinh, 996 giường tầng, 414 tủ đựng quần áo, 69 ti vi, 83 tủ đựng bát đĩa, 842 bộ bàn ăn 6 chỗ, 73 tủ lạnh lưu mẫu thức ăn; 109 máy lọc nước,149 giá đựng đồ dùng nhà bếp… Trong điều kiện còn nhiều khó khăn thiếu thốn, ngành coi công tác xã hội hóa là “bà đỡ” của ngành GD&ĐT nói riêng và công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em nói chung, nhờ đó mà nguồn lực cho công tác chăm sóc học sinh được tăng thêm. Theo đó, nhiều giải pháp được thực hiện như: vận động các tổ chức, đoàn thể, Nhân dân đóng góp, giúp đỡ đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học. Điển hình như Viettel Lạng Sơn tặng 1.330 học sinh tiểu học và THCS của 133 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu những công cụ, vật dụng phục vụ cho học sinh trong quá trình học tập, tổng giá trị quà tặng là 1,33 tỷ đồng; Nhân dân hiến đất, góp công, các đoàn thể, tổ chức xã hội quyên góp vật chất, tiền để hoàn thiện và bổ sung CSVC, tăng thêm nguồn lực chăm sóc trẻ em nội trú, bán trú.
Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện
Tiếp tục thực hiện các chủ đề của năm học, ngành G&ĐT đã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc xây dựng trường lớp “sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” đảm bảo nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ; thực hiện tốt chủ đề “Quản trị trường học – Thầy chất lượng – Trò thành công – Mô hình trường sáng tạo” ở cấp tiểu học với mục tiêu, xây dựng nhà trường trở thành một ngôi trường giáo dục có chất lượng cao, có uy tín, thân thiện, là nơi cha mẹ học sinh sẽ tin tưởng lựa chọn để gửi gắm con em học tập và rèn luyện. Ở cấp THCS, song song với việc chỉ đạo xây dựng kế hoạch phát triển chương trình giáo dục nhà trường theo định hướng phát triển năng lực học sinh cho tất cả các môn học từ khối 6 đến khối 9, phù hợp với điều kiện nhà trường, các nhà trường quan tâm lồng ghép các nội dung giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống trong các môn học, hoạt động giáo dục. Xây dựng các tiết học trải nghiệm sáng tạo, chương trình ngoại khóa, các hoạt động giáo dục bộ môn phù hợp với cơ sở vật chất, tình hình thực tế của từng nhà trường, nhiều hoạt động đem lại hiệu quả thiết thực.
Điển hình như ngành GD&ĐT thành phố Lạng Sơn có 18/18 trường tiểu học và THCS có thư viện thân thiện, một số trường mầm non công lập có góc thư viện ngoài trời đẹp, tiện lợi, hấp dẫn trẻ; 100% trường tiểu học, THCS nhận chăm sóc ít nhất một di tích lịch sử trên địa bàn; 100% trường mầm non, tiểu học, THCS tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tế về kỹ năng sống, giá trị sống,…
Thời gian tới, ngành GD&ĐT tiếp tục đẩy mạnh xây dựng “Trường học công viên”, thư viện thân thiện, nâng cao chất lượng các công trình phục vụ cho nhu cầu học tập theo chuyên đề, góc sinh hoạt rèn luyện đạo đức, lối sống; tăng cường giáo dục “kỹ năng mềm”, khả năng tự bảo vệ như: phòng chống đuối nước, phòng chống tai nạn thương tích, tai nạn giao thông; phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em, phòng chống các nguy cơ gây hại cho trẻ em trên Internet, phòng chống ma túy và tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, bạo lực học đường… cũng như các yếu tố tiềm năng xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và tinh thần của trẻ em.
Ý kiến ()