Ngành giáo dục và đào tạo: Từ hiệu quả mô hình VNEN đến chương trình giảng dạy STEM
(LSO) – Trong 10 năm qua, với sự quyết tâm của toàn ngành và sự kiên trì của mỗi giáo viên trong việc tiếp nhận và thực hiện cái mới, giáo dục Lạng Sơn đã có những biến đổi sâu sắc.
Từ mô hình trường học mới VNEN
Giờ đây, khi chúng ta đang ở ngưỡng cửa của thập niên thứ 3 của thế kỷ XXI, việc đổi mới phương pháp theo hướng lấy học sinh làm trung tâm không còn xa lạ, song trên thực tế đây là vấn đề mới mà mô hình trường học mới VNEN mang lại và được áp dụng tại các nhà trường tiểu học ở Lạng Sơn từ năm học 2012 – 2013. Mô hình VNEN mới và lạ ngay từ cách sắp xếp, bố trí học sinh trong lớp học; theo đó không phải là kê bàn hướng lên bục giảng theo kiểu truyền thống mà là kê bàn học sinh đối diện nhau theo nhóm. Ngay kiểu bố trí này đã làm thay đổi phương pháp là lấy học sinh làm trung tâm, vai trò giáo viên thay đổi căn bản: từ truyền thụ kiến thức sang hướng dẫn học sinh; lớp học do học sinh tự quản, thúc đẩy tính tập thể, tăng cường thảo luận, làm việc nhóm.
Mô hình phòng học VNEN của Trường Tiểu học Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng
Từ đổi mới cách bố trí học sinh trong lớp đến đổi mới cấu trúc bài học. Theo đó, các môn học được tích hợp và giúp hỗ trợ nhau trong giáo dục học sinh. Các môn học được chuyển thành hoạt động giáo dục, nó có tác dụng làm giảm bớt gánh nặng trong học bài. Bài học VNEN được cấu trúc theo một đơn vị kiến thức hoàn chỉnh, nhằm giải quyết trọn vẹn, liên tục một vấn đề là hình thành, củng cố, vận dụng, ứng dụng kiến thức vào thực tế. Học tập theo mô hình VNEN giúp học sinh phát huy tính tích cực, tự học, sáng tạo, tự giác, tự quản, tự tin, hứng thú hơn trong học tập; các kỹ năng cần thiết của công dân thế hệ 4.0 như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng hợp tác, kỹ năng tự đánh giá, nhận xét, phản biện và nhất là kỹ năng hoạt động tập thể được hình thành và phát triển. Phải nói rằng trong những năm qua, mô hình trường học mới VNEN đã có tác động toàn diện đến các trường tiểu học và nó có tác động sâu sắc đến tư duy mới trong giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), từ quan điểm dạy học đến cách thức quản lý học sinh, từ đổi mới cách dạy, cách học đến kiểm tra đánh giá.
Tuy dự án đã kết thúc từ năm học 2015 – 2016 với 152 trường tiểu học, gần 30 ngàn học sinh được nhân rộng toàn phần, song những yếu tố tích cực của mô hình VNEN không những được vận dụng tại tất cả các trường tiểu học trong toàn tỉnh, mà còn được thực hiện từng phần tại cấp THCS và THPT. Việc vận dụng phương pháp VNEN vào chương trình hiện hành không chỉ là các hoạt động học tập được tổ chức, được định hướng bởi giáo viên, mà quan trọng hơn là các yếu tố tích cực như học sinh không thụ động chờ đợi mà tự lực, tích cực tham gia vào quá trình tìm kiếm, khám phá, phát hiện, chiếm lĩnh kiến thức. Vận dụng kiến thức trong thực tiễn, qua đó học sinh học tập sáng tạo, phát triển phẩm chất, năng lực bản thân.
Đến các mô hình học tập mới
Nếu phương pháp “Bàn tay nặn bột” là phương pháp dạy học tích cực dựa trên thí nghiệm tìm tòi, nghiên cứu, áp dụng giáo dục cho các môn khoa học tự nhiên, thì STEM là một chương trình giảng dạy dựa trên ý tưởng trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học… theo cách tiếp cận liên môn để giải quyết những vấn đề đặt ra trong cuộc sống.
Sau 8 năm áp dụng mô hình VNEN và đưa phương pháp “Bàn tay nặn bột” vào thực tiễn giảng dạy từ cấp tiểu học, ngành GD&ĐT đã tạo ra được một lứa học sinh có thể áp dụng STEM, tham gia mô hình trải nghiệm sáng tạo, mô hình trường học gắn với thực tế dạy học và cuộc sống, thực hiện nghiên cứu khoa học, hình thành định hướng nghề nghiệp tốt hơn. Tiếp tục tinh thần đổi mới của mô hình VNEN, thực hiện nội dung thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, trong những năm học vừa qua, ngành GD&ĐT đã coi dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh, đổi mới đánh giá; dạy học trải nghiệm sáng tạo, phát triển mô hình trường học gắn với thực tế dạy học và cuộc sống. Năm học 2018 – 2019, đã có 261 trường có lớp tiểu học (tỷ lệ 100%) xây dựng mô hình trường gắn với hoạt động giáo dục thực tiễn. Cũng năm học này có mô hình dạy học trải nghiệm sáng tạo gắn liền với sản xuất kinh doanh tại địa phương của cấp THCS với 732 buổi, thu hút trên 86 ngàn lượt học sinh tham gia và 150 buổi cấp THPT với gần 71 ngàn lượt học sinh tham gia.
Mô hình học tập STEM là mô hình mới được thực hiện ở bước cao hơn phương pháp “Bàn tay nặn bột”. Về bản chất, cả phương pháp “Bàn tay nặn bột” và STEM đều hướng đến việc hình thành kiến thức cho học sinh bằng các thí nghiệm tìm tòi, nghiên cứu để chính các em tìm ra câu trả lời cho các vấn đề được đặt ra trong cuộc sống thông qua thí nghiệm, quan sát, nghiên cứu tài liệu hay điều tra… Nói cách khác, chính hai phương pháp học tập này giúp các em hình thành những phẩm chất của những người nghiên cứu khoa học. Những thành quả của công tác nghiên cứu khoa học trong học sinh sinh, viên những năm vừa qua bắt nguồn từ việc thực hiện tốt phương pháp quản lý mới, cách thức giảng dạy mới và mô hình học tập mới.
Những kết quả đó là minh chứng của thành tựu đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT và là cơ sở để ngành vững tâm bước vào sự nghiệp đổi mới giáo dục phổ thông.
Ý kiến ()