Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh: Tích cực chuẩn bị chương trình giáo dục phổ thông mới
(LSO) – Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới sẽ được thực hiện ở bậc tiểu học đối lớp 1 từ năm học 2020 – 2021, bởi vậy ngành giáo dục và đào tạo tỉnh đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cho việc triển khai chương trình này.
Kiện toàn bộ máy nhân sự và cơ sở vật chất
Trao đổi về công tác chuẩn bị các điều kiện cho chương trình GDPT mới, ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết: Việc triển khai chương trình GDPT mới phải được thực hiện đồng bộ, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Để sẵn sàng cho việc triển khai chương trình GDPT mới, Sở GD&ĐT đã tham mưu với UBND tỉnh đầu tư cơ sở vật chất cho các nhà trường, đặc biệt ưu tiên khối lớp 1; đồng thời, chọn cử giáo viên tham gia tập huấn về triển khai chương trình GDPT mới và tổ chức cho các trường đăng ký sách giáo khoa và tài liệu phục vụ cho dạy học theo chương trình mới.
Xác định đội ngũ giáo viên là nhân tố quyết định sự thành công của chương trình GDPT mới, Sở GD&ĐT chủ động bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hiện có; đồng thời, tuyển dụng đủ số lượng, chất lượng đội ngũ, nhất là giáo viên các môn học mới. Hiện nay toàn ngành có 20.220 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, tỷ lệ đạt chuẩn trên 99%. Qua đánh giá, xếp loại theo chuẩn cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, năm học 2018 – 2019 có 96,75% cán bộ quản lý xếp loại khá trở lên, trong đó có 14,87% xếp loại xuất sắc; đối với giáo viên: 24,84% giáo viên xếp loại tốt, 68,09% giáo viên xếp loại khá, 6,70% giáo viên xếp loại đạt. Theo Sở GD&ĐT, đội ngũ này cơ bản đảm bảo về chất lượng, đáp ứng được yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục trong giai đoạn hiện nay.
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học – THCS xã Công Sơn, huyện Cao Lộc trong ngày khai giảng năm học mới 2019 – 2020
Cùng với việc nâng cao chất lượng đội ngũ, năm 2019 ngành GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án đã được phê duyệt; tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, kiên cố hóa trường lớp và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Trong năm 2019 có 449 phòng học, 213 phòng chức năng được đưa vào sử dụng. Ngoài ra, ngành GD&ĐT còn đẩy mạnh công tác tổ chức, sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học (năm 2019 có 18 cặp trường được sáp nhập), nhờ đó đến nay mạng lưới cơ sở giáo dục tương đối ổn định, cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học. Toàn tỉnh hiện có 694 đơn vị, trường học trong đó có 235 trường mầm non; 194 trường tiểu học; 68 trường tiểu học và trung học cơ sở; 155 trường trung học cơ sở; 27 trường trung học phổ thông… Trong đó có 207 trường đạt trường chuẩn quốc gia.
Tích cực chuẩn bị các điều kiện cho chương trình mới cấp tiểu học
Là cấp học đầu tiên triển khai chương GDPT mới, cấp tiểu học đang từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất, nhất là với lớp 1. Hiện toàn tỉnh có tổng số 261 trường có lớp tiểu học với 646 điểm trường. Trong đó, số trường tiểu học vùng I là 46 trường, vùng II là 72 trường và vùng III là 143 trường. Có 75 trường đạt trường chuẩn quốc gia, trong đó, có 4 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Số phòng học kiên cố là hơn 2.100 phòng. Đến nay, 100% số huyện đều được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3.
Căn cứ vào lộ trình của Bộ GD&ÐT, chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GD&ÐT với chức năng là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT tỉnh đã chủ động, tích cực trong công tác tham mưu cho UBND tỉnh về triển khai, thực hiện chương trình GDPT mới đảm bảo bám sát thực tiễn. Theo đó trong năm học 2019 – 2020 Sở GD&ĐT tỉnh chỉ đạo 100% trường tiểu học thực hiện dạy học trên 5 buổi/tuần, tăng số trường học 2 buổi/ngày. Hiện có 259 trường/261 trường tiểu học với 3.098/3.278 lớp và 64.898/67.952 học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày, tỷ lệ học sinh được học hai buổi/ngày đạt 95,5%.
Ở các huyện, thành phố, phòng GD&ĐT cũng tích cực chuẩn bị các điều kiện cho việc triển khai chương trình GDPT mới. Bà Lành Thị Huệ, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan cho biết: Để chuẩn bị tốt cho việc triển khai chương trình GDPT mới, phòng đã cử giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT mới do Sở GD&ĐT tổ chức. Ðến nay, 100% cán bộ quản lý, giáo viên cấp tiểu học đều được bồi dưỡng về đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Ngoài ra, tất cả các yếu tố về cơ sở vật chất, công tác cán bộ… đều được phòng thực hiện theo đúng lộ trình đổi mới GDPT.
Đối với các nhà trường, nhất là các trường tiểu học cũng chủ động triển khai các điều kiện thực hiện chương trình GDPT mới. Cô Ngô Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Là trường học ở địa bàn thành phố, cơ sở vật chất nhà trường được đầu tư xây dựng có đầy đủ các phòng chức năng và trang thiết bị, nên thời gian này nhà trường chú trọng hơn đến việc rà soát đội ngũ giáo viên, cử giáo viên tham gia tập huấn về thay sách giáo khoa và bổ sung các trang thiết bị cần thiết cho chương trình GDPT mới.
Nhân tố quyết định thành công của chương trình là đội ngũ giáo viên. Toàn tỉnh có tổng số gần 5.000 giáo viên cấp tiểu học, số giáo viên đạt chuẩn đào tạo và trên chuẩn đạt 100% (trong đó đại học là 47,1%). Để đội ngũ này đáp ứng yêu cầu công tác GDPT mới, Sở GD&ĐT đã tổ chức tập huấn theo hình thức tập trung đối với cán bộ quản lý, giáo viên về đổi mới chương trình, sách giáo khoa cụ thể: tập huấn kỹ năng xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch giáo dục môn học cho 100% các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh (745 học viên); tập huấn dạy học tiếng Anh theo tài liệu mới cấp tiểu học (312 học viên); tập huấn tin học cấp tiểu học (88 học viên); tập huấn, bồi dưỡng quản trị trường học cho hiệu trưởng trường tiểu học (296 học viên); tập huấn dạy học âm nhạc và hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp (110 học viên)…
Lộ trình thực hiện Chương trình GDPT mới được Bộ GD&ĐT xây dựng gồm 2 giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 – 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 – 12). Trong giai đoạn giáo dục cơ bản, chương trình thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan của một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp, thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lý số môn học; đồng thời, thiết kế một số môn học theo các chủ đề, tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn những chủ đề phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân. Trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, bên cạnh một số môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh được lựa chọn những môn học và chuyên đề học tập phù hợp với sở thích, năng lực và định hướng nghề nghiệp của mình. So với chương trình giáo dục hiện hành, Chương trình GDPT mới có kế thừa, giảm tải và có nhiều đổi mới, giúp học sinh hình thành, phát triển những phẩm chất, năng lực mà xã hội kỳ vọng. Chương trình GDPT mới áp dụng theo lộ trình: năm học 2020 – 2021 áp dụng cho lớp 1; năm học 2021 – 2022 áp dụng cho lớp 2, 6; năm học 2022-2023 áp dụng cho lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023 – 2024 áp dụng cho lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024-2025 áp dụng cho lớp 5, lớp 9 và lớp 12. |
Ý kiến ()