Ngành giáo dục và đào tạo thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”
(LSO) – Dưới ánh sáng Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, …”, các chính sách của Đảng và Nhà nước, sự nghiệp giáo dục, đào tạo (GDĐT) của tỉnh được toàn xã hội quan tâm, ủng hộ. Thực hiện đổi mới trong công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức dạy và học, kiểm tra đánh giá; sự tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng sự giúp đỡ của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh đã tạo ra những động lực mới cho sự phát triển của GDĐT tỉnh nhà.
Phát huy truyền thống thi đua “Dạy tốt, học tốt”, trong 5 năm qua, công tác GDĐT của tỉnh giữ vững thành tích đã đạt được; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đoàn kết, nhất trí, năng động, sáng tạo, không ngừng vượt mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Quy mô, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục đào tạo, cơ sở vật chất kỹ thuật và đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý trong tỉnh đảm bảo ổn định, vững chắc và không ngừng nâng cao, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của xã hội.
Trong những năm qua, công tác thi đua, khen thưởng trong ngành giáo dục được chú trọng, đổi mới theo hướng thiết thực và hiệu quả; có sức lôi cuốn sâu rộng tới cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn ngành chăm lo và nâng cao chất lượng GDĐT. Sở GDĐT đã quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng” đến toàn thể cán bộ quản lý giáo viên, nhân viên trong ngành.
Giờ thực hành tin học ứng dụng của cô và trò Trường THPT Cao Lộc, huyện Cao Lộc. Ảnh: HOÀNG TÙNG
Sở GDĐT thường xuyên quan tâm quán triệt đầy đủ các văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh về công tác thi đua, khen thưởng góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, nhân viên. Đặc biệt, ngành đã chú trọng chỉ đạo điểm, sơ kết, tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến. Gắn công tác thi đua, khen thưởng với giáo dục nghề nghiệp, lương tâm, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên trong ngành. Chú trọng công tác giáo dục tư tưởng chính trị, khơi dậy tinh thần lao động, sáng tạo trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, đưa sự nghiệp GDĐT phát triển và giành được những thành tích mới.
Toàn ngành GDĐT đã tích cực triển khai có hiệu quả, đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, phong trào “Giáo viên giúp đỡ đồng nghiệp phát triển, giáo viên giúp đỡ học sinh tiến bộ”, phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”. Các cơ sở giáo dục đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo như thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thi kể chuyện Bác Hồ cho học sinh. Kết quả quan trọng nhất mà cuộc vận động, phong trào đem lại đó là cán bộ lãnh đạo quản lý, giáo viên, học sinh đã nhận thức sâu sắc về những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tự giác, tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đẩy mạnh phong trào thi đua “Hai tốt”, kết hợp chặt chẽ “dạy chữ” đi đôi với “dạy người” và “dạy nghề” phù hợp với cấp học; gắn nhiệm vụ, mục tiêu giáo dục của nhà trường với mục tiêu phấn đấu của tuổi trẻ “Học tập vì ngày mai lập nghiệp”. Đổi mới phương pháp dạy, học và giáo dục là công việc rất quan trọng, là giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường, được các cấp quản lý chỉ đạo tích cực và được đông đảo giáo viên hăng hái thực hiện. Các nhà trường đã tích cực thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, bồi dưỡng giáo viên, thông qua hội thảo chuyên môn, dự giờ thăm lớp, ứng dụng công nghệ thông tin; khai thác có hiệu quả các thiết bị dạy học. Tăng cường đổi mới phương pháp giáo dục đạo đức; tư vấn tâm lý học sinh; ứng xử, giải quyết tình huống giáo dục; bồi dưỡng giá trị sống, kỹ năng sống; tổ chức có hiệu quả các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp.
Trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, đã xuất hiện nhiều tấm gương nhà giáo tận tuỵ, tâm huyết với nghề, luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, say mê chuyên môn, giúp đỡ dìu dắt học sinh tiến bộ. Nhiều tấm gương thầy cô giáo đã và đang âm thầm hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp dạy học ở vùng khó khăn, bền bỉ bám trường, bám lớp, thương yêu, giúp đỡ học sinh góp phần quan trọng cho việc nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn của giáo dục phổ thông đảm bảo ổn định vững chắc. Nhiều học sinh thực sự là tấm gương sáng trong học tập và rèn luyện; liên tục nhiều năm khẳng định thành tích xuất sắc qua các kì thi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Nhiều học sinh đã đạt giải cao trong các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật đã thể hiện sự gắn kết giữa học và hành, giữa kiến thức đã học được trong nhà trường với các vấn đề thực tiễn mà cuộc sống đòi hỏi.
Phong trào thi đua xây dựng “Trường học – Công viên” do Sở GDĐT phát động, được toàn ngành tích cực hưởng ứng, coi đó là giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Qua thực hiện phong trào, cảnh quan, khuôn viên, phòng học, sân chơi các nhà trường xanh, sạch, đẹp hơn; đặc biệt là giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống, gìn giữ và phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc. Cùng với đó hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao đã tác động tích cực góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Giáo dục mầm non: thực hiện nghiêm túc, sáng tạo chương trình giáo dục mầm non mới. Chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ được nâng cao; tăng cường các hoạt động giáo dục trẻ.
Giáo dục tiểu học: thực hiện dạy đúng, đủ, chất lượng các môn học và tổ chức tốt các hoạt động theo chương trình giáo dục cấp tiểu học. Chất lượng dạy học các môn văn hoá được bảo đảm theo chuẩn kiến thức và kỹ năng.
Giáo dục trung học: chỉ đạo tốt xây dựng kế hoạch dạy học của tổ, nhóm chuyên môn, giáo viên phù hợp với các chủ đề và theo hình thức, phương pháp kỹ thuật dạy học tích cực; chú trọng giáo dục đạo đức và giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết xã hội, thực hành pháp luật; tăng cường các hoạt động nhằm giúp học sinh vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Giáo dục thường xuyên: tập trung nâng cao chất lượng giáo dục; quan tâm đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá học viên theo đúng quy định. Tiếp tục mở các lớp xóa mù chữ, góp phần củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục. Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên thực hiện chức năng một trung tâm thực hiện nhiều chức năng; tổ chức các lớp dạy văn hóa, dạy nghề cho học viên.
Giáo dục chuyên nghiệp: thực hiện đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo, phương pháp đánh giá kết quả học tập của người học. Nội dung đào tạo được xây dựng theo hướng tích hợp, hình thành năng lực nghề nghiệp của người học. Đổi mới phương pháp đào tạo nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng người học vào thực hành nghề nghiệp.
Ngoài các đợt thi đua theo chủ đề, chủ điểm, ngành giáo dục duy trì việc phát động thi đua liên tục trong năm học. Trên cơ sở đó, các cơ sở giáo dục cụ thể hoá chủ điểm năm học và chủ đề hằng tháng với nội dung, hình thức phù hợp với đối tượng và nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị. Công tác thi đua được tập trung chỉ đạo chặt chẽ, được đổi mới trong đánh giá xếp loại đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan. Từ các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương say mê nghiên cứu, sáng tạo, tâm huyết với nghề, tích cực cải tiến, đổi mới phương pháp. Nhiều nhà giáo không ngừng tu dưỡng, tìm tòi sáng tạo để có được kiến thức và phương pháp dạy học hiệu quả. Đối với các nhà trường, đổi mới phương pháp dạy và học đã trở thành một tiêu chuẩn quan trọng đánh giá chuyên môn giáo viên. Các nhà trường, các tổ chuyên môn, các khối lớp, đã thường xuyên tổ chức các đợt hội giảng. Ngoài việc giáo viên tích cực đổi mới phương pháp dạy học, hoạt động viết sáng kiến kinh nghiệm là một trong các tiêu chí đánh giá, xếp loại đánh giá, xếp loại năng lực của giáo viên, danh hiệu thi đua các cấp.
Các nhà trường đã tập trung mọi nguồn lực để xây dựng, tu bổ, sửa chữa trường, lớp, mua sắm thêm bàn ghế, tài liệu, thiết bị dạy học, đảm bảo các điều kiện cho dạy và học. Cơ sở vật chất trường lớp ngày càng phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ, số trường học đạt chuẩn quốc gia và tỷ lệ phòng học kiên cố, phòng bộ môn, thư viện đạt chuẩn tăng; trang thiết bị giáo dục ngày càng đáp ứng tốt hơn hoạt động dạy và học. Ngành giáo dục đã tích cực phối hợp với các địa phương chỉ đạo xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới.
Với sự nỗ lực của toàn ngành, trong 5 năm qua, chất lượng GDĐT của tỉnh đạt được những kết quả tích cực, ổn định và từng bước nâng cao. Từ các phong trào thi đua thường xuyên, liên tục, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước. Trong thời gian tới, công tác thi đua, khen thưởng của ngành tập trung vào nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của các cấp học, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu về GDĐT theo Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Toàn ngành tiếp tục tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, hành động trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường, triển khai thực hiện hiệu quả việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, thi cử theo hướng thực chất, đánh giá đúng năng lực của người dạy, người học. Tích cực, chủ động trong việc chuẩn bị cơ sở vật chất, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Tiếp tục phát triển sự nghiệp GDĐT của tỉnh theo hướng toàn diện và vững chắc; tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả GDĐT; thực hiện tốt mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016-2020 đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, trong đó có 2 tập thể được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất; 4 tập thể được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì; 4 tập thể và 2 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; 9 tập thể và 6 cá nhân được tặng thưởng bằng khen Thủ tướng Chính phủ; 18 tập thể được tặng cờ thi đua của Chính phủ; 124 tập thể được tặng thưởng cờ thi đua của UBND tỉnh; 8 tập thể được tặng thưởng cờ thi đua của Bộ GDĐT; 606 tập thể đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc; 320 tập thể và 516 cá nhân được UBND tỉnh tặng bằng khen; 61 tập thể và 130 cá nhân được Bộ GDĐT tặng bằng khen; có 1 cá nhân được tặng thưởng danh hiệu chiến sỹ thi đua toàn quốc; 75 cá nhân được tặng thưởng danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp tỉnh và 7.690 cá nhân được tặng thưởng danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở. Có trên 200 lượt tập thể và trên 3.000 lượt cá nhân được Giám đốc Sở GDĐT tặng giấy khen; 2.027 cá nhân được nhận kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”.
Ý kiến ()