Ngành giáo dục và đào tạo: Tăng cường quản lý bếp ăn tập thể
Năm học 2016-2017, toàn tỉnh có 99 trường phổ thông DTBT và 170 trường mầm non ở vùng cao, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Xa thị trấn, xa chợ nên việc cung ứng thực phẩm gặp nhiều trở ngại. Ở đây, sự quan tâm và linh hoạt của người đứng đầu có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì chất lượng bữa ăn của học sinh. Cô giáo Nông Thị Khặm, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Thiện Thuật, huyện Bình Gia cho biết: Chợ Thiện Thuật chỉ họp theo phiên nên không thể cung cấp đủ thực phẩm hằng ngày cho nhà trường. Vì thế, nhà trường ký hợp đồng cung ứng với nhà cung cấp ở ngoài thị trấn Bình Gia. Mặc dù cách xa mấy chục cây số nhưng đảm bảo thực phẩm tươi ngon hằng ngày.
![]() |
Nhân viên nấu ăn Trường Tiểu học Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn phân chia thức ăn cho các lớp
Được sự đầu tư của nhà nước, địa phương và công tác xã hội hóa, trong năm học này, tỷ lệ bếp ăn một chiều đã đạt trên 30%. Điển hình như bếp ăn tập thể của Trường Tiểu học Vĩnh Trại (thành phố Lạng Sơn) được bố trí khoa học, hợp lý từ đầu vào là thực phẩm tươi sống, qua gian chế biến, nấu nướng đến gian thành phẩm. Do làm tốt công tác xã hội hóa nên bếp ăn của nhà trường có đủ trang thiết bị từ tủ cơm nấu bằng ga, đến tủ lưu mẫu thức ăn, đèn chiếu tia cực tím để diệt khuẩn. Cô giáo Nguyễn Lệ Thùy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Với gần 1.400 suất ăn bán trú, nếu không tăng cường các trang thiết bị kỹ thuật và năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cô nuôi, việc mất ATVSTP rất dễ xảy ra, hậu quả xã hội sẽ rất khó lường. Vì vậy, đảm bảo dinh dưỡng và an toàn là 2 khâu được nhà trường thực hiện một cách nghiêm ngặt.
Cùng với đó, công tác quản lý bữa ăn của học sinh được đổi mới. Theo đó, các trường mầm non đã áp dụng phần mềm Ntrikids để tính khẩu phần ăn; sắp tới, sẽ có thêm 133 trường tiểu học với hơn 10 ngàn học sinh được thụ hưởng phần mềm “Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng” thuộc dự án “Bữa ăn học đường” do Công ty Ajinomoto chuyển giao. Và như vậy, chất lượng bữa ăn của học sinh sẽ được quản lý theo hướng chuyên sâu và khoa học, phù hợp với nhu cầu tăng trưởng của trẻ ở các lứa tuổi. Bên cạnh đó, các nhà trường đã chỉ đạo đội ngũ nhân viên y tế tăng cường kiểm tra ATVSTP trong không gian bếp và không gian ăn uống của học sinh. Tất cả các trường đã có hợp đồng mua bán thực phẩm ổn định, không còn tình trạng mua bán thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; do được trang bị tủ lạnh nên các nhà trường đã lưu mẫu thức ăn theo quy định.
Cùng với thức ăn đảm bảo ATVSTP, ngành GD&ĐT và các địa phương quan tâm đầu tư nguồn nước hợp vệ sinh, thường xuyên phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, trung tâm y tế các huyện kiểm tra, giám sát, đánh giá nguồn nước, thông báo và tư vấn kịp thời cho các nhà trường. Để đảm bảo nguồn nước ăn uống hợp vệ sinh, nhiều trường đã huy động xã hội hóa mua sắm bình lọc nước phục vụ học sinh và giáo viên.
Với những nỗ lực đó, trong những năm gần đây, chất lượng nuôi đưỡng được nâng lên; tỷ lệ suy dinh dưỡng ở cấp học mầm non đã giảm nhanh, chỉ còn ở mức 8,5% thể nhẹ cân và 10,5% thể thấp còi. Toàn ngành GD&ĐT không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào do nguyên nhân từ bếp ăn tập thể. Số bếp ăn tập thể được cấp giấy chứng nhận ATVSTP đã đạt trên 35%, trong đó tất cả 29/29 bếp ăn tập thể trên địa bàn thành phố Lạng Sơn đã được cấp chứng nhận đảm bảo ATVSTP.

Ý kiến ()