Ngành giáo dục và đào tạo: Sẵn sàng phương án dạy học trong điều kiện ảnh hưởng xấu bởi dịch Covid-19
(LSO) – Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về kế hoạch dạy học trực tuyến khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở GD&ĐT đã hướng dẫn các đơn vị trường học xây dựng phương án ôn tập kiến thức và sẵn sàng tổ chức dạy và học trực tuyến cho học sinh khi cần thiết.
Học kỳ II năm học 2020 – 2021, dịch Covid-19 vẫn đang có diễn biến hết sức phức tạp tại nhiều tỉnh, thành trong nước. Lạng Sơn, đến nay chưa tái xuất hiện ca nhiễm Covid-19 nên ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu, các trường trở lại học tập ổn định. Ông Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Mặc dù địa bàn tỉnh chưa ghi nhận ca nhiễm Covid-19, tình hình học tập đang duy trì ổn định song ngành GD&ĐT tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng phương án dạy học nếu ảnh hưởng bởi dịch. Cụ thể Sở đã yêu cầu các đơn vị, trường học lên kịch bản dạy học khi phải dừng đến trường. Trong đó chú trọng thực hiện phương án dạy học trực tuyến để đảm bảo thực hiện đúng phương châm “nghỉ học nhưng không nghỉ dạy”, “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”. Riêng đối với các trường phổ thông và giáo dục thường xuyên thì sở yêu cầu phải có phương án kỹ lưỡng, tích cực chủ động dạy học trực tuyến để các em cuối cấp có thể đảm bảo chương trình học và ôn thi tốt nghiệp.
Học sinh Trường THCS Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn đảm bảo khoảng cách phòng dịch trong giờ học ngoài trời
Toàn tỉnh hiện có 675 đơn vị trường, trên 203.000 học sinh và hơn 21.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại, đối với các trường khối phổ thông và thường xuyên (gồm 435 trường) đã và đang xây dựng kế hoạch tổ chức dạy, học, ôn tập trực tuyến. Nhiều trường đã chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm trao đổi với phụ huynh học sinh trong việc phối hợp đôn đốc, theo dõi con em, học sinh học tập, ôn bài tại nhà đồng thời yêu cầu phụ huynh thông báo công cụ, thiết bị (máy tính xách tay, máy tính bảng, máy tính để bàn, điện thoại thông minh) và đăng ký cách thức học trực tuyến nếu dịch xảy ra… Cô Phan Mỹ Hạnh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Chu Văn An (thành phố Lạng Sơn) cho biết: Trong trường hợp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhà trường đã chuẩn bị đủ các điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin, nguồn học liệu, sẵn sàng chuyển sang dạy trực tuyến. Hiện nay, giáo viên nhà trường chủ yếu sử dụng dạy học qua ứng dụng Microsoft Teams (MSTeams) không giới hạn thời gian học, không giới hạn người tham gia và đường truyền ổn định, đảm bảo cho dạy học trực tuyến.
Đối với các trường ở địa bàn vùng sâu, vùng xa (hơn 260 trường cấp tiểu học và THCS), ở những nơi khó khăn không đảm bảo đường truyền internet, Sở GD&ĐT đã hướng dẫn các trường vận dụng các hình thức khác để giao nhiệm vụ, bài tập cho học sinh… Cụ thể là khuyến khích học sinh học qua truyền hình hoặc giáo viên sẽ gửi video giảng dạy cho học sinh hoặc nhóm học sinh học tập. Trước đó, trong học kỳ II, năm học 2019 – 2020, Sở GD&ĐT đã xây dựng được 85 video bài giảng phát trên truyền hình trong thời gian chống dịch Covid-19 (12 bài giảng/môn học cấp THCS; 8 bài giảng/môn học đối với cấp THPT). Thầy Đinh Văn Phúc, giáo viên Trường THCS xã Tân Tiến, huyện Tràng Định cho biết: Do trường vùng sâu, vùng xa, khó có thể học trực tuyến, Ban Giám hiệu nhà trường đã yêu cầu mỗi giáo viên xây dựng phương án dạy học khi có dịch buộc phải dừng đến trường. Cụ thể, đối với những học sinh ở gần nhà nhau, giáo viên sẽ gửi phiếu học tập cho một bạn trong nhóm để chuyển lại cho học sinh. Với những học sinh ở xa, giáo viên sẽ đến tận nơi giao bài và thu bài tập của học sinh.
Cùng với chuẩn bị phương án giảng dạy, các trường cũng chú trọng cử giáo viên tham gia tập huấn kỹ năng, phương pháp dạy học trực tuyến do ngành tổ chức; yêu cầu giáo viên xây dựng giáo án, bài giảng dễ hiểu cho học sinh. Đồng thời, chú trọng hướng dẫn phụ huynh, học sinh cách khai thác bài giảng, tài liệu, câu hỏi, bài tập gửi qua Email, Zalo… định hướng cho học sinh vùng khó, ôn tập qua truyền hình để học sinh tiếp thu được nhiều kiến thức nhất.
Mặc dù không mong muốn có dịch xảy ra, buộc các trường phải nghỉ học nhưng với sự chuẩn bị chu đáo, tích cực của ngành GD&ĐT, tin tưởng rằng việc dạy và học sẽ không bị gián đoạn khi dịch Covid-19 xuất hiện hoặc diễn biến xấu tại Lạng Sơn.
Ý kiến ()