Ngành Giáo dục và Đào tạo quán triệt Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI
Chiều 28/12, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Vũ Luận đã quán triệt Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” tới lãnh đạo các trường Đại học, Cao đẳng và Sở GD&ĐT.
Chiều 28/12, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Vũ Luận đã quán triệt Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” tới lãnh đạo các trường Đại học, Cao đẳng và Sở GD&ĐT.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh: Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là một công việc hết sức trọng đại, phải được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của các cấp ủy đảng và sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Đây là vinh dự và cũng là trách nhiệm của toàn ngành Giáo dục và Đào tạo trong giai đoạn hiện nay, cần có sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận quán triệt Nghị quyết. Ảnh: VA |
Để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, cần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đó là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ tư duy, quan điểm đến mục tiêu, hệ thống, chương trình giáo dục, các chính sách, cơ chế và các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục. Đổi mới ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo, ở cả Trung ương và địa phương, ở cả mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Đổi mới để tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhu cầu học tập của toàn dân.
Bộ trưởng cho hay, một trong những quan điểm chỉ đạo đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là tập trung chuyển từ chủ yếu quan tâm trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của người học, kết hợp hài hòa dạy chữ, dạy người và dạy nghề; chuyển từ chủ yếu quan tâm phát triển quy mô sang bảo đảm phát triển cả quy mô, chất lượng và hiệu quả giáo dục; xây dựng một nền giáo dục thực học, thực hành, thực nghiệp, trong đó mọi người dân đều có cơ hội học tập suốt đời trong một xã hội học tập.
Đối với giáo dục Đại học và giáo dục nghề nghiệp, chuyển từ đào tạo theo khả năng của các nhà trường sang đào tạo theo nhu cầu xã hội, thị trường lao động; thực hiện cơ chế đặt hàng trên cơ sở hệ thống định mức kinh tế – kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng của một số loại hình dịch vụ đào tạo.
Phân tầng, phân loại cơ sở giáo dục đại học theo hướng nghiên cứu định hướng ứng dụng, định hướng thực hành trên cơ sở năng lực, kết quả kiểm định chất lượng giáo dục các nhà trường.
Ưu tiên đầu tư nghiên cứu các khoa học mũi nhọn, phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng thí nghiệm chuyên ngành, trung tâm công nghệ cao, cơ sở sản xuất thử nghiệm hiện đại trong một số cơ sở giáo dục đại học; đặt hàng và giao kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ cho các cơ sở giáo dục đại học. Có chính sách khuyến khích sinh viên nghiên cứu khoa học.
Đổi mới hoạt động kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục Đại học và giáo dục nghề theo hướng chú trọng đánh giá năng lực phân tích, sáng tạo, giải quyết vấn đề và thái độ nghề nghiệp, năng lực phân tích, sáng tạo, giải quyết vấn đề và thái độ nghề nghiệp, năng lực nghiên cứu và ứng dụng khoa học – công nghệ, năng lực thực hành tương xứng với trình độ đào tạo, năng lực thích nghi môi trường làm việc của người học.
Các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: VA |
Về đổi mới giáo dục phổ thông, có sự thay đổi lớn về chương trình giáo dục, nội dung SGK và tổ chức quá trình giáo dục trong nhà trường, với nguyên tắc tích hợp cao ở lớp và cấp học dưới; tự chọn và phân hóa cao ở lớp và cấp học trên. Với chương trình tích hợp này, đến hết bậc học THCS học sinh đã có đủ kiến thức, phẩm chất và kỹ năng cần thiết để học nghề (phân luồng), sau đó lập nghiệp. Ở cấp THPT, chương trình học và SGK sẽ được thiết kế theo hướng phân hóa cao; học sinh sẽ căn cứ vào năng lực của mình, lựa chọn các môn học khác nhau thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn hoặc khoa học tự nhiên… Cách thiết kế như vậy sẽ giúp cho việc định hướng nghề nghiệp của học sinh, đồng thời không tạo sức ép dồn kiến thức các lĩnh vực khoa học vào nhà trường, tạo khả năng thực tế để khắc phục hiện tượng quá tải và dạy thêm, học thêm tràn lan hiện nay.
Bộ trưởng cho biết, rút kinh nghiệm từ các lần đổi mới chương trình, SGK trước đây, việc thay SGK tới đây sẽ triển khai đồng thời từ các lớp đầu cấp của tiểu học, THCS và THPT. Với cách làm mới này, sẽ giảm thời gian thay sách một số năm, nhưng vẫn phải thay lần lượt từng năm một, từ làm dưới lên lớp trên trong một cấp học.
Về phương pháp học, trong thiết kế chương trình mới, người thầy không chỉ đơn thuần là người cung cấp, truyền thụ kiến thức cho học sinh, mà còn là người cố vấn, người tổ chức, người hướng dẫn cho học sinh tìm tòi, khám phá những kiến thức cần thiết một cách chủ động. Thông qua sự đổi mới này, chúng ta sẽ chuyển từ giảng nhiều, tự học ít như hiện nay sang hướng dẫn nhóm nhỏ, từng nhóm học sinh cùng thảo luận nhóm để hoàn thành nhiệm vụ của bài học.
Về đánh giá, kiểm tra và thi cử, trong thời gian tới, hai việc này sẽ tách bạch, độc lập với nhau. Điều đó sẽ giúp cho các nhà trường không bị sức ép của thành tích; đồng thời, Nhà nước có thông số tin cậy để nghiên cứu, đề ra chính sách phát triển giáo dục một cách phù hợp và hiệu quả. Cùng với việc đổi mới cách dạy và học, chúng ta sẽ chuyển cách thi, kiểm tra hiện nay sang thi, kiểm tra năng lực và phẩm chất được hình thành của học sinh.
Bộ trưởng đề nghị, để triển khai thành công công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ngành Giáo dục cần vượt qua nhận thức, tâm lý và thói quen cũ đã tồn tại dai dẳng trong nhiều năm. Phải thay đổi từ tư duy, nhận thức về mục tiêu giáo dục, nội dung chương trình, phương pháp dạy học, kiểm tra – đánh giá, thi cử cho đến đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo. Thay đổi và tổ chức lại từ bộ máy, chương tình đến phương pháp dạy học trong các trường sư phạm, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa trường sư phạm với trường phổ thông… Đồng thời xóa bỏ thói quen bao cấp trong giáo dục và đào tạo, tác phong quan liêu trong hành xử, ứng xử với giáo dục của nhiều cấp, nhiều ngành, của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục…
Theo CPV
Ý kiến ()