Thứ 7, 23/11/2024 08:36 [(GMT +7)]
Ngành Giáo dục và Đào tạo Lạng Sơn vinh quang và trách nhiệm
Thứ 6, 16/11/2012 | 09:11:00 [(GMT +7)] A A
Nhân kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng ta cùng nhìn lại đội ngũ với những điều tốt đẹp, những thử thách ở phía trước. Dù vẫn còn nỗi băn khoăn, lo lắng, nhưng chúng tôi tin tưởng rằng đội ngũ cán bộ quản lý và các nhà giáo của tỉnh nhà sẽ phát huy truyền thống, khẳng định vị thế xã hội quan trọng của mình, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành, góp phần vào công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà.
LSO-Lịch sử đã khẳng định “tôn sư trọng đạo“ là một truyền thống văn hóa cao quý của dân tộc Việt Nam. Các nhà giáo Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Tất Thành, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… và các thế hệ nhà giáo sau này đã góp phần làm nên những phẩm chất truyền thống tiêu biểu cho nghề dạy học, cho giáo giới Việt Nam: trách nhiệm nghề nghiệp gắn liền với trách nhiệm xã hội; tài năng, đức độ, tâm hồn trong sáng, cốt cách thanh cao, uy vũ không thể khuất phục, tiền tài, danh vọng không thể cám dỗ. Vì vậy, ba mươi năm qua, ở Việt Nam, ngày 20/11 hằng năm đã trở thành ngày toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người làm nghề dạy học.
Tiến sĩ Phạm Ngọc Thưởng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT |
Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao vai trò của sự nghiệp giáo dục và vị thế của người thầy. Người nói: “Nhiệm vụ giáo dục rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói đến kinh tế, văn hoá”. Từ khi có nền giáo dục cách mạng, hàng chục vạn giáo viên ở mọi cấp học đã vượt qua bao gian khổ, thiếu thốn, vượt qua mọi thử thách của chiến tranh ác liệt, không ít người đã ngã xuống cho sự nghiệp trồng người. Hàng vạn nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ở vùng cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo đã tình nguyện hiến trọn cuộc đời ở những vùng gian khổ, biết bao người cả cuộc đời trọn vẹn gắn với núi rừng, gieo từng con chữ xây dựng nên những thế hệ người Việt Nam có phẩm chất đạo đức, tình yêu quê hương đất nước, quyết tâm xây dựng làng bản, quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hội nhập với khu vực và thế giới. Trong xu thế hội nhập, bùng nổ thông tin và phát triển kinh tế tri thức ngày nay, nhiệm vụ của giáo dục và đào tạo, của các thầy cô giáo càng nặng nề hơn, đòi hỏi mỗi nhà giáo không ngừng tự học, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, đổi mới phương pháp giảng dạy – chuyển từ truyền thụ kiến thức sang dạy năng lực, dạy cách tự học, dạy giá trị sống, kỹ năng sống nhằm đào tạo những con người có bản lĩnh, có khả năng đề xuất và giải quyết vấn đề một cách linh hoạt, chủ động; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với mục tiêu “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình”.
Các nhà giáo luôn tự hào về sự nghiệp cao quý của mình, đồng thời thấy rõ trách nhiệm vinh quang và nặng nề mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Phát huy truyền thống Nhà giáo Việt Nam, trong những năm qua, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp, giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể, sự ủng hộ của nhân dân các dân tộc, đặc biệt là tinh thần tận tụy, tâm huyết của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, tinh thần hiếu học, vượt khó của các em học sinh nên ngành giáo dục và đào tạo đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp.
Các cuộc vận động, các phong trào thi đua được triển khai sâu rộng, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của ngành, tạo sự chuyển biến đáng kể về nhận thức và hành động của cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên. Cảnh quan sư phạm các trường học được cải thiện; môi trường sư phạm thân thiện, phát huy vai trò tích cực của học sinh trong học tập, rèn luyện. Chú trọng đổi mới phương pháp dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, học tập phát huy tính tự giác, chủ động, sáng tạo của giáo viên và học sinh, sinh viên.
Cán bộ giáo viên Trường CĐSP trong phòng khảo thí kiểm định,
đánh giá chất lượng giáo dục của nhà trường
Mạng lưới trường lớp được phát triển rộng khắp trong toàn tỉnh, đa dạng hóa loại hình trường học, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Hiệu quả đào tạo giáo dục phổ thông ngày càng được khẳng định, số học sinh giỏi, học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi các cấp tăng cả về số lượng, chất lượng. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT, thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học ngày càng tăng (năm học 2011-2012 đạt trên 25%).
Công tác giáo dục vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc tiếp tục được quan tâm. Mở rộng các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú để đảm bảo tốt việc nuôi, dạy, chăm sóc và giáo dục toàn diện học sinh. Duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học – chống mù chữ (100% xã, phường, thị trấn); tỷ lệ đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi là 99,1%; 100% xã, phường, thị trấn duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục THCS; triển khai thực hiện phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, đến nay đã có 60 xã đạt chuẩn; 99 trường học đạt chuẩn quốc gia.
Công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm. Hiện nay, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành trên 18 nghìn người, cơ bản đủ về số lượng và đồng bộ về cơ cấu, tỷ lệ chuẩn hóa cao. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn các cấp học chiếm 53,7%, trên chuẩn là 43,6 %.
Công tác xã hội hóa giáo dục đã được các cấp uỷ, chính quyền quan tâm chỉ đạo. 100% xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng. Nhận thức của nhân dân về vai trò của giáo dục và xã hội hoá giáo dục đã có những chuyển biến tích cực, huy động được các nguồn lực của xã hội, để xây dựng cơ sở vật chất trường lớp. Nhân dân đã tích cực động viên chăm lo, quan tâm đến việc học tập của con em, huy động tối đa trẻ trong độ tuổi đến trường, phục vụ tốt cho công tác phổ cập giáo dục.
Nhân kỷ niệm 30 năm ngày nhà giáo Việt Nam, nhiều tập thể và cá nhân của ngành vinh dự được Nhà nước tặng thưởng những danh hiệu cao quý: Trường THPT Việt Bắc được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì, Trường THPT chuyên Chu Văn An được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Trường THPT Chi Lăng, THPT Cao Lộc được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 3 nhà giáo được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú (nâng tổng số nhà giáo ưu tú của tỉnh lên 34 nhà giáo), 1 nhà giáo được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, 4 nhà giáo được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 419 cá nhân trong và ngoài ngành được nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục“ của Bộ GDĐT. Đây là sự động viên, khích lệ và là vinh dự lớn đối với ngành GDĐT tỉnh nhà.
Vinh dự và tự hào với những thành tích, kết quả đạt được, nhưng nhiệm vụ và trách nhiệm đặt ra trong giai đoạn tiếp theo cũng rất nặng nề. Toàn thể đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Lạng Sơn quyết tâm thực hiện tốt, hiệu quả các nội dung trọng tâm:
Mỗi nhà giáo không ngừng trau dồi về phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nắm chắc nội dung chương trình dạy học, tinh thông nghiệp vụ sư phạm; thực hiện tốt phong trào “Thầy cô mẫu mực, học sinh tích cực“. Nêu cao lương tâm, trách nhiệm nghề nghiệp, tình nguyện thực hiện “Mỗi thầy cô giáo giúp đỡ ít nhất một học sinh tiến bộ”, “Mỗi một giáo viên khá, giỏi giúp đỡ ít nhất một đồng nghiệp tiến bộ’’. Đẩy mạnh thực hiện đi vào chiều sâu các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành. Tăng cường công tác giáo dục quốc pḥòng – an ninh trong trường học; giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống; giáo dục pháp luật… Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ theo chuẩn nghề nghiệp. Chú trọng tập huấn về “Phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực”, bồi dưỡng giá trị sống, kỹ năng sống, nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức, lương tâm nghề nghiệp. Đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục; giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục dân tộc, khơi dậy cho học sinh niềm hứng thú, say mê học tập, ý chí và khát vọng vươn lên, ý thức trách nhiệm công dân, có hoài bão, có tri thức và đạo đức để xây dựng quê hương, đất nước. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của tỉnh về giáo dục và đào tạo giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn tiếp theo. Củng cố và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, phát triển mạng lưới trường, lớp học, phòng học bộ môn, nhà công vụ cho giáo viên. Nâng cao năng lực của hệ thống quản lý giáo dục, tăng cường phân cấp quản lý giáo dục và thực hiện công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
Trao đổi trong tổ chuyên môn – Ảnh: Sở GD-ĐT
Nhân kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng ta cùng nhìn lại đội ngũ với những điều tốt đẹp, những thử thách ở phía trước. Dù vẫn còn nỗi băn khoăn, lo lắng, nhưng chúng tôi tin tưởng rằng đội ngũ cán bộ quản lý và các nhà giáo của tỉnh nhà sẽ phát huy truyền thống, khẳng định vị thế xã hội quan trọng của mình, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành, góp phần vào công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà.
P.N.T
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()