Ngành giáo dục và đào tạo làm theo lời Bác: “Ai cũng được học hành”
(LSO) – Trả lời các nhà báo nước ngoài đầu năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành…”. Hơn 70 năm của nền giáo dục cách mạng, giáo dục Lạng Sơn đã từng bước vươn lên để thỏa lòng mong ước của Người.
Một nền giáo dục cho mọi người
Cách mạng Tháng Tám thành công, giáo dục Lạng Sơn chỉ có vài trường tập trung ở các huyện lỵ và tỉnh lỵ; đội ngũ giáo viên chỉ có hơn 40 người trình độ sơ học và tiểu học. Cùng với việc củng cố chính quyền, phát động nhân dân tăng gia sản xuất, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến toàn diện và trường kỳ, công tác giáo dục đã được tỉnh quan tâm. Khi thực dân Pháp quay trở lại chiếm đóng nước ta một lần nữa, với khẩu hiệu “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, những tháng đầu năm 1947, nhiều trường học mới đã mọc lên dưới sự chở che của những cánh rừng già và được mở rộng ra trong suốt cuộc kháng chiến. Khắc phục khó khăn, kiên trì và sáng tạo trong cách làm giáo dục phù hợp với tình hình kháng chiến, đến năm 1954, không những công tác xóa mù chữ phát triển mạnh, mà Lạng sơn đã có gần 15.400 học sinh phổ thông, gấp 10 lần thời kỳ 1945 – 1946, trong đó có hơn 1.100 học sinh cấp 2 và 3.
Giáo viên Trường Tiểu học xã Hữu Liên (Hữu Lũng) dạy chữ cho người Dao Lân Châu.
Hòa bình lập lại, công tác xóa mù chữ, bình dân học vụ, bổ túc văn hóa được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Đến cuối năm 1961, Lạng Sơn đã căn bản thanh toán nạn mù chữ ở vùng thấp. Tỷ lệ người biết chữ đã lên tới 90,33% dân số trong độ tuổi đi học.
Vượt qua khó khăn của giai đoạn chiến tranh chống Mỹ cứu nước và bảo vệ Tổ quốc, giáo dục Lạng Sơn bước vào thời kỳ đổi mới với những chuyển biến nhanh. Song song với việc hoàn chỉnh hệ thống giáo dục từ mầm non đến THPT, từ giáo dục thường xuyên đến hướng nghiệp dạy nghề, công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục các cấp học được tăng cường. Bằng những nỗ lực đó, đến năm 1997, toàn tỉnh đã hoàn thành công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học; năm 2004, hoàn thành phổ cập giáo dục THCS và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; năm 2016 hoàn thành và duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Đến cuối năm học 2018 – 2019, tất cả 226/226 xã, phường, thị trấn; 11/11 huyện, thành phố duy trì vững chắc kết quả đạt chuẩn biết chữ. Với mạng lưới giáo dục chính quy và không chính quy rộng khắp trong toàn tỉnh, Lạng Sơn đã trở thành một trong những tỉnh có trình độ dân trí khá cao ở khu vực miền núi phía Bắc. Trung bình cứ 3 người dân có 1 người đi học, tỷ lệ dân số từ 10 đến 35 tuổi biết chữ đạt 99,98%; tỷ lệ dân số từ 36 đến 60 tuổi biết chữ đạt 92%…
Học đi đôi với hành
Học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với xã hội, lời dạy của Bác đã trở thành nguyên lý, mục tiêu, phương châm, phương pháp của nền giáo dục cách mạng. Thực hiện lời dạy của Bác, triển khai các nghị quyết của Đảng về giáo dục và đào tạo, gần 75 năm của nền giáo dục cách mạng, giáo dục Lạng Sơn luôn có ý thức gắn liền lý thuyết với thực hành, học tập và lao động sản xuất, đào tạo ra những lớp người vừa có đạo đức tốt, vừa có tài năng phục vụ công cuộc kháng chiến và kiến thiết đất nước.
Ngày nay, trước cơ hội và thách thức mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xây dựng những lớp “công dân toàn cầu”, Nghị quyết Trung ương 8 (Khóa XI) về đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT đã khẳng định: “Xây dựng một nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt… Phấn đấu đến năm 2030, giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiến tiến trong khu vực”.
Quán triệt nghị quyết của Đảng, các cơ sở giáo dục Lạng Sơn đẩy mạnh việc gắn các lớp học với thực tế lao động, ngành nghề truyền thống các địa phương, gắn nhà trường với xã hội. Từ mô hình trường học mới VNEN, cách dạy mới “Bàn tay nặn bột”… các hình thức dạy học đã được đa dạng hóa và phát triển từ thấp đến cao; hầu hết các nhà trường đã thực hiện các hoạt động trải nghiệm sáng tạo và quan tâm đến hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh; thực hiện có hiệu quả việc sử dụng di sản văn hóa trong dạy học; triển khai thực hiện hình thức dạy học trải nghiệm sáng tạo gắn liền với sản xuất, kinh doanh của địa phương.
Năm học 2018 – 2019, các trường THPT đã tổ chức được 150 buổi trải nghiệm – hướng nghiệp với 70.876 lượt học sinh tham gia; cấp THCS đã tiến hành được 732 buổi trải nghiệm mô hình sản xuất kinh doanh tại địa phương với sự tham gia của 86.632 lượt học sinh. Từ đó, các nhà trường triển khai công tác nghiên cứu khoa học, tổ chức cuộc thi cấp cơ sở để đánh giá kết quả công tác nghiên cứu khoa học của đơn vị và lựa chọn dự án khoa học kỹ thuật có chất lượng tham dự cuộc thi cấp tỉnh với tổng số 621 dự án (dự án cá nhân 219; tập thể 402), trong đó cấp THCS có 323 (tăng 41 dự án), cấp THPT có 298 (tăng 26 dự án). Thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp quốc gia của học sinh đạt kết quả tốt (4 giải khoa học kỹ thuật cấp quốc gia trong đó có 2 giải ba, 2 giải tư).
Thấm sâu lời dạy của Bác, quán triệt quan điểm giáo dục của Đảng trong một nền giáo dục toàn dân và vì dân; có các giải pháp hợp lý, phù hợp với đặc điểm của vùng miền, giáo dục Lạng Sơn đã có những bước tiến vững chắc để vừa mở rộng diện người dân được tiếp cận giáo dục, thực hiện công bằng trong giáo dục, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài. Với những thành tựu đó, giáo dục Lạng Sơn tự hào đã cùng toàn ngành từng bước đưa dân tộc Việt Nam bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu như mong ước của Bác Hồ muôn vàn kính yêu.
Ý kiến ()