Ngành Giáo dục ứng dụng CNTT tạo đột phá đổi mới
Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động giáo dục và đào tạo, ngành GD-ĐT đã đạt nhiều kết quả đáng chú ý. Tới nay, 63 sở Giáo dục và Đào tạo đã được kết nối quản lý hành chính điện tử e-office; xây dựng được kho cơ sở dữ liệu lưu trữ thông tin chi tiết của gần 52.000 trường mầm non và phổ thông; hơn 5.000 bài giảng chương trình giáo dục phổ thông đã được số hóa dưới dạng thức e-learning và cung cấp trực tuyến, góp phần tham gia vào xây dựng Hệ tri thức Việt số hóa của Chính phủ….
Tại hội thảo ứng dụng công nghệ thông tin và tập huấn xây dựng cơ sở dữ liệu trong ngành giáo dục đào tạo ngày 22-11
Phát biểu tại hội thảo gần đây của Bộ GD-ĐT về “Ứng dụng công nghệ thông tin và tập huấn xây dựng cơ sở dữ liệu trong ngành giáo dục đào tạo”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết: Trước xu thế phát triển ngày càng nhanh của công nghệ và yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngành Giáo dục xác định tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin sẽ tạo nên những đột phá quan trọng trong triển khai đổi mới căn bản toàn diện và xem ứng dụng công nghệ thông tin là một trong những nhiệm trọng tâm của ngành.
Theo Thứ trưởng, trong những năm qua, Bộ GD-ĐT bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Đề án 117 về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy – học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025.
Một số kết quả tích cực có thể kể đến như: Năm 2018, chỉ số hiện đại hóa hành chính của Bộ GD-ĐT vượt lên xếp thứ 2/18 bộ, ngành. Bộ đã triển khai thành công hệ thống quản lý hành chính điện tử e-office và kết nối quản lý tới 63 Sở Giáo dục và Đào tạo và hơn 300 cơ sở đào tạo; cổng dịch vụ công trực tuyến được đưa vào sử dụng với 20 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; đồng thời cũng là đơn vị dẫn đầu trong triển khai chữ ký số đến tất cả công chức trong cơ quan Bộ.
Thời gian qua toàn ngành đã xây dựng được cơ sở dữ liệu lưu trữ thông tin chi tiết của gần 52.000 trường mầm non và phổ thông (với hơn 1,5 triệu giáo viên, 24 triệu học sinh), đây là kho dữ liệu lớn rất tin cậy phục vụ công tác quy hoạch và quản lý ngành; 80% trường học đã áp dụng phần mềm quản lý nhà trường trực tuyến.
Ngành Giáo dục cũng đang tích cực tham gia xây dựng Hệ tri thức Việt số hóa của Chính phủ, qua đó hơn 5.000 bài giảng trong chương trình giáo dục phổ thông đã được số hóa dưới dạng thức e-learning và cung cấp trực tuyến, ngân hàng trắc nghiệm trực tuyến được xây dựng với trên 31.000 câu hỏi…
Theo Nhandan
Ý kiến ()