Ngành giáo dục thi đua dạy tốt, học tốt
– Trong bức thư Bác Hồ gửi ngành giáo dục (ngày 15/10/1968), Bác căn dặn “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”. Khắc sâu lời dạy của Bác, những năm qua, ngành giáo dục tỉnh Lạng Sơn đã không ngừng nỗ lực, vượt khó thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ giáo dục và đào tạo (GD&Đ). Đặc biệt, trong những năm đối mặt với dịch COVID-19, thời điểm này ngành cũng bắt đầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong vô vàn gian khó, tinh thần học tập, làm theo lời Bác dạy càng được toàn ngành đẩy mạnh.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo khen thưởng cho các tập thể, cá nhân ngành giáo dục có thành tích tiêu biểu
Ba năm vừa qua có thể nói là thời điểm khó khăn đối với các cấp, ngành trong triển khai các hoạt động của ngành, đơn vị mình, trong đó có ngành GD&ĐT. Cụ thể, năm học 2020 – 2021 là năm học đầu tiên ngành giáo dục tỉnh chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 và cũng là năm đầu triển khai sách giáo khoa mới ở khối lớp 1. Với tinh thần vượt khó, toàn ngành đã triển khai chương trình, sách giáo khoa mới đảm bảo tiến độ, chất lượng; nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ dạy và học như dạy – học trực tuyến cho tất cả các cấp học (trừ cấp học mầm non). Trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, học sinh chưa thể đến trường thì việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT) vào dạy, học là giải pháp rất hiệu quả để học sinh “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”… Đến năm học 2021 – 2022, trong bối cảnh bình thường mới, ngành GD&ĐT tiếp tục nỗ lực vừa chống dịch vừa dạy học, cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ dạy và học bằng cách bám sát kế hoạch học tập của cả năm học, từng môn học; triển khai nhiều biện pháp linh hoạt trong giảng dạy và học tập… qua đó, chất lượng giáo dục được nâng lên.
Cụ thể, năm học 2020 – 2021, tính riêng tỷ lệ học sinh lớp 1 chương trình giáo dục phổ thông mới, tỉ lệ hoàn thành tốt môn tiếng Việt đạt 64,97% (tăng 14,57% so với năm học 2019 – 2020); tỷ lệ học sinh hoàn thành tốt môn Toán là 69,6% (tăng 9,6% so với năm học 2019 – 2020); đối với các cấp học khác, chất lượng giáo dục được duy trì, đảm bảo, trong đó ở cấp THPT tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp đạt 97,8% (tăng 0,71% so với năm trước).
Đến năm học 2021 – 2022, qua đánh giá chung cuối năm học ở cấp tiểu học, có 54,8% học sinh được đánh giá hoàn thành tốt môn tiếng Việt (tăng 5% so với năm trước) và 60,7% học sinh được đánh giá hoàn thành tốt môn Toán (tăng 5,5% so với năm học trước); cấp THCS chất lượng giáo dục đại trà được đảm bảo; cấp THPT tỉ lệ học sinh đạt học lực khá và giỏi đạt 72,1% (tăng 4,4% so với năm học trước). Nổi bật ở năm học này là tỉ lệ học sinh giỏi các cấp được nâng lên cả về số lượng và chất lượng giải, cụ thể tại kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9, 11, 12, toàn tỉnh có hơn 1.500 em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh (tăng 30 em so với năm 2020 – 2021)…
Vượt qua 2 năm đại dịch, bước vào năm học 2022 – 2023, khi dịch bệnh được kiểm soát, công tác dạy và học được đảm bảo và thuận lợi hơn thì việc thi đua dạy tốt, học tốt theo lời Bác dạy đã được ngành GD&ĐT tỉnh cụ thể hóa, gắn với các hoạt động của phong trào “Đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy và học tập”. Bà Phan Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Từ đầu năm học 2022 – 2023, sở đã phối hợp với Công đoàn ngành tổ chức quán triệt các đơn vị xây dựng nội dung thi đua, gắn với phong trào “Đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy và học tập”; chỉ đạo 100% trường học tổ chức ký kết giao ước thi đua trong toàn thể cán bộ, giáo viên. Đồng thời, khuyến khích các nhà trường đổi mới phương pháp dạy học gắn với việc sử dụng công nghệ thông tin; đẩy mạnh hoạt động dạy học lấy học sinh làm trung tâm; áp dụng sáng kiến kinh nghiệm, nâng cao chất lượng bài giảng… linh hoạt theo từng cấp học. Qua đó, các trường đã hưởng ứng tích cực và đạt kết quả nhất định.
Giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn hướng dẫn học sinh ôn tập
Cụ thể, năm học 2022 – 2023, toàn tỉnh có 232 trường mầm non và 438 trường phổ thông, thường xuyên, chuyên nghiệp, với trên 20.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Đây cũng là năm thứ 3 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới và năm đầu tiên triển khai ở cấp THPT. Để thực hiện phong trào, các trường ở cấp học mầm non đã chú trọng thực hiện các chuyên đề đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ phù hợp với thực tế của địa phương. Các trường phổ thông, khối thường xuyên, chuyên nghiệp tích cực đổi mới, chuyển từ phương pháp dạy học truyền thụ của giáo viên sang tổ chức hoạt động tự học cho học sinh, tạo môi trường giáo dục dân chủ, hợp tác, giúp học sinh chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong học tập và rèn luyện, đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới… Nhờ đó đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, chất lượng các mặt giáo dục được duy trì, đảm bảo. Trong đó, ở khối lớp 1, 2, 3 (chương trình giáo dục phổ thông mới) đối với môn Toán có 99,5% học sinh xếp loại hoàn thành trở lên (tăng 0,3% so với năm học trước); môn tiếng Việt có 99,3% học sinh xếp loại hoàn thành trở lên (tăng 0,5% so với năm học trước). Cấp THCS, khối lớp 6, 7 chương trình mới, có 61% học sinh xếp loại học tập từ khá trở lên; lớp 10 THPT có trên 58% học sinh xếp loại học tập từ khá trở lên. Cùng đó, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp đạt 98,19% (năm 2022 là 97,95%)…
Có được kết quả đó, ngoài thực hiện các chuyên đề, đổi mới phương pháp tổ chức dạy học chung, các nhà trường còn chú trọng khuyến khích giáo viên nghiên cứu, đưa ra sáng kiến kinh nghiệm riêng cho từng bộ môn, thông qua đó nâng cao hiệu quả giảng dạy. Ghi nhận tại Trường THPT Chi Lăng, huyện Chi Lăng về công tác này, thầy Hoàng Hoài Nam, giáo viên môn Toán, Chủ tịch Công đoàn trường cho biết: Năm học 2022 – 2023, Ban giám hiệu, Công đoàn trường đã phối hợp phát động các phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, đặc biệt là phong trào “Đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy và học tập”. Qua đó, 100% giáo viên hưởng ứng tham gia. Các giáo viên đã đầu tư công sức nghiên cứu, soạn giáo án; tích cực xây dựng sáng kiến kinh nghiệm mới trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục. Cụ thể, trong năm học 2022 – 2023 có 28 sáng kiến của giáo viên về đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy được công nhận cấp ngành. Các sáng kiến này đã góp phần không nhỏ vào đảm bảo chất lượng giáo dục nhà trường, theo đó trong năm học ở khối lớp 10 có hơn 98% học sinh được xếp loại từ mức đạt trở lên; khối lớp 11 và 12 có 83,6% học sinh xếp học lực khá trở lên.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, ngành giáo dục tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện tốt lời Bác Hồ căn dặn, trong hoàn cảnh nào cũng nỗ lực vươn lên thực hiện tốt công tác dạy và học. Giải pháp cụ thể trong thời gian tới là toàn ngành sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào thi đua dạy tốt, học tốt; phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến; nâng cao vai trò lãnh đạo, quản lý đối với công tác thi đua, khen thưởng; thực hiện tốt các nhiệm vụ giáo dục…
THẢO NGUYÊN
Ý kiến ()