Ngành giáo dục Thành phố Lạng Sơn: Chú trọng trang bị kỹ năng phòng chống xâm hại, tai nạn thương tích cho học sinh
(LSO) – Nhằm giảm thiểu nguy cơ xâm hại, tai nạn thương tích (TNTT) cho học sinh, thời gian qua, ngành giáo dục thành phố Lạng Sơn đã triển khai nhiều hoạt động nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng cho học sinh trong các nhà trường để chủ động phòng tránh.
Những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở thành phố Lạng Sơn luôn được các cấp, ngành và gia đình đặc biệt quan tâm. Thực tế, trong kế hoạch triển khai Chương trình phòng, chống TNTT trẻ em hằng năm, ngành giáo dục và các trường học trên địa bàn thành phố luôn chú trọng truyền thông nâng cao nhận thức về hiểm họa và những kiến thức cơ bản về phòng, chống TNTT, phòng chống xâm hại, đuối nước cho học sinh. Nổi bật là việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa; xây dựng mô hình “Trường học an toàn”, tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh, bổ ích và an toàn cho trẻ.
Học sinh Trường THCS Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn thuyết trình về nâng cao ý thức tham gia giao thông an toàn
Thầy Nông Ngọc Hồi, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học -THCS Lê Quý Đôn, thành phố Lạng Sơn cho biết: Cùng với triển khai các tiết học về an toàn giao thông, nhà trường còn tổ chức hoạt động ngoại khóa về kỹ năng phòng, chống xâm hại, TNTT cho trẻ. Tại các buổi học này, nhiều tình huống giả định được đưa ra để các em biết cách ứng xử, đối phó như: không ở nhà một mình khi có người lạ vào nhà, không đi một mình vào buổi tối, không nhận quà của người lạ… Các em được cung cấp những kiến thức cơ bản về giới tính. Ngoài ra, các em còn được cung cấp kiến thức, kỹ năng về phòng tránh TNTT, đặc biệt là kỹ năng phòng chống đuối nước, từ đó hình thành kỹ năng tự bảo vệ bản thân.
Hay như Trường THCS Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn, nhiều năm nay đã đưa môn bơi vào hoạt động dạy học, trang bị kỹ năng sống cho học sinh. Cùng với đó, phối hợp với Câu lạc bộ Giáo dục kỹ năng sống của nhà trường để giáo dục tuyên truyền về giới tính, các biện pháp phòng, chống xâm hại trẻ em cho học sinh nhà trường… Từ đó, góp phần xây dựng trường học an toàn và thân thiện cho trẻ, để trẻ phát triển tốt các năng lực và có kết quả học tập tiến bộ.
Để thu hút hơn nữa sự quan tâm của toàn xã hội đối với trẻ em, giảm thiểu số lượng trẻ em bị xâm hại, bạo lực về thể chất và tinh thần, đảm bảo cho mọi trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và phát triển toàn diện, ngành giáo dục thành phố đã phối hợp với các ngành chức năng phát hành nhiều tài liệu về công tác phòng, chống TNTT cho trẻ em; tờ rơi về phòng, chống bạo lực trẻ em để tuyên truyền trong cộng đồng dân cư, trường học. Theo đó, từ năm học 2019 – 2020 đến nay, các trường học trên địa bàn thành phố đã trang bị 385 tài liệu phòng, chống bạo lực học đường, 292 tài liệu hướng dẫn phòng, chống xâm hại trẻ em, 309 bộ tài liệu phòng tránh đuối nước cho học sinh các cấp.
Cùng đó, các trường còn tổ chức các diễn đàn: trẻ em với chủ đề phòng tránh tệ nạn xã hội, các nguy cơ xâm hại, bạo lực, phòng tránh TNTT, tham gia giao thông an toàn… thu hút động đảo học sinh tham gia. Đáng chú ý, đầu năm 2020, Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh – Xã hội thành phố tổ chức diễn đàn “Trẻ em với các vấn đề trẻ em, trẻ em với vấn đề giáo dục đạo lức lối sống, kỹ năng sống”, thu hút hơn 400 học sinh đến từ 18 trường tiểu học – THCS trên địa bàn tham dự. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống TNTT, xâm hại ở trẻ em, học sinh.
Bà Nguyễn Lệ Thùy, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Lạng Sơn cho hay: Cùng với các hoạt động trên, phòng còn phối hợp với các đơn vị liên quan, các tổ chức đoàn thể triển khai các hoạt động cải tạo môi trường học tập, vui chơi nhằm giảm thiểu nguy cơ gây TNTT trong trường học. Phòng cũng thường xuyên phổ biến, quán triệt các nội dung quy chế, quy ước của mô hình trường học an toàn; triển khai ký kết các bản đăng ký xây dựng trường học an toàn về ANTT theo quy định; có biện pháp quản lý, giáo dục học sinh hợp lý, không để các em có hành vi vi phạm pháp luật. Trong năm học 2019 – 2020 trên địa bàn không có học sinh nào bị tử vong do đuối nước. Cách làm và kết quả trên đây đã góp phần xây dựng môi trường học tập an toàn, lành mạnh để trẻ em được phát triển toàn diện.
Ý kiến ()