Ngành giáo dục tận dụng thời gian “vàng” để dạy học
– Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh đã xây dựng nhiều phương án dạy học, trong đó yêu cầu các trường tận dụng thời gian “vàng” (thời điểm không có dịch COVID-19 tại địa bàn) để dạy học nhằm đảm bảo tiến độ kế hoạch năm học 2021 – 2022.
Ông Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Ngay sau lễ khai giảng, sở đã chỉ đạo các trường tranh thủ thời gian “vàng” khi chưa có dịch để triển khai việc dạy học, linh hoạt tổ chức phương án dạy học trong mọi tình huống “nghỉ dịch nhưng không nghỉ học”, sẵn sàng tư tưởng dạy học trong trạng thái bình thường mới. Đồng thời, yêu cầu các trường triển khai xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch giáo dục môn học theo hướng chủ động linh hoạt, tinh giản; dạy học những nội dung cốt lõi, phù hợp với điều kiện của từng địa phương trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
Học sinh Trường Tiểu học – THCS Lê Quý Đôn, thành phố Lạng Sơn chấp hành nghiêm việc đeo khẩu trang khi đến trường
Năm học 2021 – 2022, toàn tỉnh có 675 đơn vị trường học với tổng số hơn 200.000 học sinh và hơn 20.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành. Trong đó, cấp mầm non là 231 trường, cấp tiểu học 182 trường, THCS 146 trường, TH&THCS 71 trường, THCS&THPT là 7 trường, cấp THPT là 26 trường; cùng đó có 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên và 2 trung tâm giáo dục thường xuyên.
Thực hiện chỉ đạo của các cấp chính quyền và Sở GD&ĐT, ngay sau lễ khai giảng, tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức dạy học trực tiếp (trừ huyện Văn Lãng có tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp) và giảng dạy trong trạng thái bình thường mới. Các trường đã xây dựng chi tiết kế hoạch năm học, môn học phù hợp với điều kiện có dịch như: tập trung giảng dạy các môn học chính khóa; gắn dạy lý thuyết với ôn tập nhất là đối với học sinh cuối cấp. Đồng thời, tạm dừng các hoạt động ngoại khóa, vừa tranh thủ thời gian an toàn để dạy học trực tiếp các kiến thức cốt lõi, vừa khẩn trương chuẩn bị những điều kiện dạy học trực tuyến ở cấp THCS, THPT nếu dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài.
Cụ thể, ở cấp tiểu học thì khối lớp 1, 2 ưu tiên dạy học môn Tiếng Việt, Toán để học sinh hình thành kỹ năng nghe, đọc, nói, viết, tính toán và các kỹ năng cơ bản cần thiết ban đầu theo quy định. Đối với học sinh lớp 3, lớp 4 và lớp 5, cùng với dạy học theo chương trình năm học của Bộ GD&ĐT quy định, các trường thực hiện xây dựng kho học liệu môn học, sắp xếp môn học thành các chủ đề học tập để dạy trực tiếp các nội dung cốt lõi trong chương trình, cùng đó xác định các nội dung có thể tổ chức dạy học trực tuyến và hướng dẫn cho học sinh tự học.
Cô Nông Minh Thu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hiệu, thị trấn Bình Gia, huyện Bình Gia cho biết: Năm học này, nhà trường có 19 lớp với 537 học sinh. Nếu như trước đây, học sinh học 4 tiết chính khóa buổi sáng và 3 tiết tăng cường, ôn tập vào buổi chiều thì hiện nay, thực hiện sự chỉ đạo của ngành và để tận dụng thời gian “vàng”, nhà trường đã xây dựng lại thời khóa biểu, dành toàn bộ các tiết trong ngày để tập trung học nội dung chính khóa. Còn lại nội dung tăng cường, giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh tự nghiên cứu và tìm hiểu thêm trong sách giáo khoa.
Ở cấp THCS và THPT, trong thời gian học sinh có thể đến trường học tập, các trường đang triển khai yêu cầu của Sở GD&ĐT là tổ chức dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp (khoảng 10% nội dung); ưu tiên dạy học trực tuyến đối với các nội dung lý thuyết, hướng dẫn học sinh khai thác sử dụng hiệu quả sách giáo khoa để học tập. Đối với các trường trung học có đủ điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất, các trường dân tộc nội trú, dân tộc bán trú tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Cô Vương Xuân Thuận, Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh cho biết: Năm học mới, nhà trường có 20 lớp với 604 học sinh. Trong thời gian học tập trung, nhà trường yêu cầu giáo viên tổ chức song song công tác ôn tập, củng cố kiến thức để học sinh nắm chắc các nội dung cốt lõi của bài học. Cùng với đó, việc tổ chức dạy học trực tuyến đối với các môn học tự chọn sẽ được nhà trường triển khai để nếu có dịch bùng phát, việc dạy và học trong nhà trường sẽ không bị gián đoạn.
Được biết, hiện tại các địa phương vùng an toàn của tỉnh đã bố trí cho học sinh đi học ngay sau lễ khai giảng để tranh thủ thời gian “vàng”. Với sự chủ động, linh hoạt thực hiện kế hoạch, chương trình dạy học, tin rằng năm học này ngành giáo dục tỉnh tiếp tục vượt khó thành công, đảm bảo tiến độ, thời gian kết thúc năm học theo quy định của Bộ GD&ĐT.
HOÀNG TÙNG
Ý kiến ()