Ngành giáo dục sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29
(LSO) – Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, công tác giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Quá trình triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW đã làm thay đổi nhận thức về mục tiêu giáo dục và đào tạo, nội dung, phương pháp quản lý giáo dục, trách nhiệm của gia đình, xã hội trong việc đầu tư các nguồn lực cho giáo dục. Quy mô mạng lưới cơ sở vật chất trường lớp phát triển nhanh theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của các lứa tuổi và các tầng lớp nhân dân với tinh thần xây dựng xã hội học tập.
Tính đến tháng 10/2018, toàn tỉnh có 706 đơn vị trường học; trong đó 184 trường học đạt trường chuẩn quốc gia, trên 90% các đơn vị trường học trong tỉnh sử dụng Internet, có hộp thư điện tử… từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo. Trong 5 năm, chất lượng giáo dục đại trà có nhiều chuyển biến, các chỉ tiêu về phổ cập giáo dục đạt chuẩn theo hướng bền vững. Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được nâng cao.
Giờ học ngữ văn của lớp 10 chuyên văn, Trường THPT chuyên Chu Văn An
Đối với cấp mầm non đã thực hiện nghiêm túc chế độ hỗ trợ ăn trưa và tổ chức bán trú cho trẻ tại trường, góp phần giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng hằng năm còn dưới 5%. Năm học 2013 – 2014 có 85,9% trẻ mẫu giáo được ăn bán trú tại trường; đến năm học 2017- 2018, 95,5% trẻ mẫu giáo được tổ chức ăn bán trú tại trường.
Các trường ở cấp tiểu học đã tập trung chỉ đạo dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng chương trình; điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp với yêu cầu đổi mới kiểm tra, đánh giá, phù hợp với đặc điểm tâm lý học sinh tiểu học. Nhờ đó, tỉ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 từ năm 2013 đến năm 2018 luôn đạt trên 99,8% và 99,44% học sinh trong độ tuổi tiểu học đi học. Tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày đến nay đạt 93,9%; số học sinh hoàn thành chương trình lớp học đạt 99,3%; trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đúng độ tuổi đạt tỷ lệ 98,24%.
Đối với cấp trung học đã khắc phục lối truyền thụ áp đặt kiến thức, đọc chép; tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức. Đồng thời thí điểm xây dựng mô hình trường THCS trọng điểm ở 11/11 huyện, thành phố. Qua đó, chất lượng giáo dục trung học có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét. Nổi bật: năm học 2017 – 2018 có 17,2% học sinh THCS đạt học lực giỏi, 45,1% học lực khá; 10,6% học sinh THPT đạt học lực giỏi, 50,9% đạt học lực khá. Hạnh kiểm khá, tốt của học sinh cấp THPT đạt 95,4%, cấp THCS đạt 98,2%.
Điều khẳng định, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29 trên địa bàn tỉnh, quy mô và mạng lưới trường, lớp các ngành học, cấp học phát triển đều khắp trong toàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội học tập cho mọi người. Chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn được duy trì, củng cố và ngày càng được nâng lên theo tinh thần đổi mới. Khoảng cách chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa nông thôn và thành thị dần được thu hẹp. Đội ngũ cán bộ, giáo viên các ngành học, cấp học được củng cố, kiện toàn cơ bản đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ đào tạo. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tiếp tục được đầu tư, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, phương pháp dạy học.
Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho biết: Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, song quá trình triển khai Nghị quyết 29 cũng bộc lộ một số hạn chế như: hệ thống cơ sở vật chất trường lớp phát triển nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện, căn bản sự nghiệp giáo dục; một bộ phận nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học và quản lý giáo dục… Với những kết quả đạt được và nhằm khắc phục hạn chế, trong thời gian tới ngành giáo dục và đào tạo tỉnh sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan, ban, ngành của tỉnh trong nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phẩm chất, đạo đức lối sống cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên; đẩy mạnh rà soát, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, đào tạo; tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục, đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo.
Ý kiến ()