Ngành giáo dục loay hoay 'trăm kế' giải bài toán thiếu giáo viên
Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trong khi năm học mới đã bắt đầu, các địa phương, nhà trường đã phải tính toán kết hợp linh hoạt nhiều giải pháp.
Thiếu giáo viên, nhưng năm học mới vẫn phải bắt đầu. Các địa phương, nhà trường đã loay hoay tìm nhiều giải pháp để lấp những khoảng trống về nhân sự.
Linh hoạt các giải pháp tình thế
Theo ông Vi Xuân Chiểu, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bảo Lạc (Cao Bằng), để có giáo viên dạy Tin học cho học sinh lớp 3, huyện đã phải huy động các cán bộ, giáo viên, nhân viên các nhà trường đi học bồi dưỡng ngắn hạn.
Tuy nhiên, giải pháp này lại không thể áp dụng với môn Tiếng Anh khi đây là môn có yêu cầu cao hơn về nghiệp vụ, trình độ chuyên môn. Vì thế, với môn học này, huyện đã phải huy động các giáo viên bậc trung học cơ sở xuống tăng cường cho tiểu học. Bảo Lạc cũng nỗ lực đưa các học sinh lớp 3 từ các điểm lẻ tập trung về điểm chính để việc dạy học theo chương trình mới được thuận lợi hơn. Với những nơi không thể dồn học sinh lớp 3 về điểm trường chính thì giáo viên sẽ phải kiêm nhiệm nhiều điểm lẻ.
Tại Yên Bái, để có giáo viên Tiếng Anh về dạy tại hai huyện Trạm Tấu và Mù Căng Chải, tỉnh đã buộc phải huy động tinh thần xung phong tình nguyện của giáo viên ở vùng thuận lợi đến tăng cường.
Tại Hà Nội, nhiều trường đã phải ký hợp đồng ngắn hạn, cố gắng giữ các giáo viên đã đến tuổi về hưu ở lại trường hoặc mời giáo viên đã về hưu ra đứng lớp bổ sung cho đội ngũ.
Với môn Nghệ thuật ở bậc trung học phổ thông, nhiều địa phương phải huy động giáo viên ở bậc trung học cơ sở lên, mời giảng viên các trường đại học xuống hỗ trợ hoặc phối hợp giáo viên dạy liên trường.
Tại Tây Ninh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Hải cho hay tỉnh đã đưa ra các giải pháp “chữa cháy” cho tình trạng thiếu giáo viên hiện nay như cho ký hợp đồng thỉnh giảng đối với những giáo viên ở các ngành khác nhưng có ngành đào tạo gần với ngành sư phạm và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Những giáo viên này được tham gia giảng dạy tại các trường công lập trên địa bàn tỉnh.
Ký hợp đồng với giáo viên, nhân viên chuyên môn để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên cũng là giải pháp đang được tỉnh Bình Dương triển khai song song với quá trình tuyển dụng.
Chưa đảm bảo chất lượng giáo dục
Dù đã nỗ lực phối hợp nhiều giải pháp để học sinh có thể được học chương trình giáo dục phổ thông mới theo quy định, tuy nhiên, lãnh đạo các địa phương cho rằng đây mới chỉ là những giải pháp tình thế và khó có thể đảm bảo chất lượng.
Ông Vi Xuân Chiểu cho biết việc kiêm nhiệm quá nhiều lớp khiến số tiết dạy học của giáo viên tăng vượt so với quy định của Luật Lao động, quá khả năng chi trả tiền thêm giờ của địa phương. Việc di chuyển liên tục giữa nhiều điểm trường trong khi địa hình miền núi đi lại xa xôi và phức tạp là áp lực lớn cho giáo viên. Bên cạnh đó, việc dồn học sinh ra điểm trường chính cũng đặt ra thách thức trong việc phải đủ điều kiện cơ sở vật chất để tổ chức ăn bán trú, thậm chí ở nội trú cho các em.
“Đây chỉ là những giải pháp tình thế. Để đảm bảo chất lượng giáo dục và duy trì ổn định công tác dạy và học thì cần bổ sung số lượng giáo viên đáp ứng nhu cầu thực tế của các nhà trường,” ông Chiểu nói.
Trong khi đó, với bậc trung học phổ thông, trong năm học này, chương trình giáo dục phổ thông mới môn Nghệ thuật ở nhiều nơi vẫn đang chỉ nằm trên giấy khi trường không có giáo viên để dạy. Bà Trần Thu Nga, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang cho hay năm học 2022-2023 này, với môn Nghệ thuật ở lớp 10, cũng như một số tỉnh khác, Tuyên Quang chưa bố trí giáo viên dạy môn học này.
“Trong những năm học tiếp theo, sở cũng mong muốn khi thực hiện chương trình ổn định sẽ căn cứ vào hướng dẫn của bộ, số lượng học sinh đăng ký của từng đơn vị, thực tế đội ngũ của từng địa phương sẽ dần dần bố trí đội ngũ giáo viên,” bà Nga nói.
Cần giải pháp lâu dài
Trước thực trạng này, các địa phương đồng loạt đề nghị Chính phủ cấp bù biên chế để đảm bảo đội ngũ giáo viên, nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đồng thời không thực hiện tinh giản biên chế với ngành giáo dục.
“Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ ngành trung ương xem xét báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ không thực hiện tinh giản biên chế giáo viên ở những tỉnh còn thiếu giáo viên như tỉnh Tuyên Quang; bổ sung đủ số người làm việc còn thiếu, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập của tỉnh do tăng số lớp, tăng số học sinh, hoặc cấp kinh phí hỗ trợ theo định mức biên chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo để các cơ sở giáo dục đào tạo công lập hợp đồng thêm người làm việc, hoặc chi tiền dạy thêm giờ cho giáo viên theo quy định, đặc biệt là dạy hai buổi/ngày với tiểu học và dạy Tin học, Tiếng Anh theo chương trình giáo dục phổ thông 2018,” ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang nói.
Bên cạnh việc xin bổ sung biên chế, các địa phương cũng tính toán các giải pháp để có thể thu hút nguồn tuyển. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh Phạm Ngọc Hải cho hay hiện sở đang xây dựng đề án, chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo để tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh trình Hội đồng Nhân dân tỉnh trong kỳ họp sắp tới.
Cụ thể, các bậc học được hưởng chính sách thu hút dự kiến gồm: Giáo viên mầm non thuộc các địa phương thiếu giáo viên; giáo viên các bậc phổ thông thuộc các môn đang thiếu như tin học, ngoại ngữ, môn tích hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, giáo dục địa phương, công nghệ…
Sở cũng sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương, các ngành, các cơ sở đào tạo giáo viên xây dựng kế hoạch đặt hàng đào tạo giáo viên. Theo đó, những sinh viên sư phạm tham gia lớp đào tạo này (có cam kết ra trường về phục vụ lại địa phương) sẽ được tỉnh hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.
Trong khi đó, ở phía các cơ sở đào tạo cũng đang tăng cường công tác đào tạo để đáp ứng nhu cầu của các đại phương. Phó giáo sư, tiến sỹ Đào Đăng Phượng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cho hay trong những năm gần đây, trường đã liên tục tăng chỉ tiêu tuyển sinh các ngành Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật.
Theo ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước thiếu khoảng 5.000 giáo viên môn Nghệ thuật.
“Đây là môn đặc thù nên việc tuyển chọn để đào tạo giáo viên cũng rất khó khăn vì không thể giống các môn khác. Hiện bộ cũng đang triển khai Nghị định 116 đào tạo theo đơn đặt hàng đối với các đơn vị. Đối với nhu cầu đào tạo môn Nghệ thuật sẽ dựa trên thống kê của các địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ làm việc các trường để tuyển chọn được những người có năng khiếu với môn này để đào tạo, đáp ứng yêu cầu lâu dài,” ông Đức nói./.
Ý kiến ()