Ngành giáo dục: Linh hoạt thích ứng trong tình hình mới
– Với quan điểm chống dịch nhưng vẫn đảo bảo việc học, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện linh hoạt công tác dạy học, nhằm đảm bảo thời gian, tiến độ chương trình giáo dục thích ứng với tình hình mới.
Năm học 2021 – 2022 toàn tỉnh có 674 đơn vị trường học với trên 204.000 học sinh các cấp. Từ đầu năm học đến nay, dịch COVID-19 tiếp tục gây nhiều ảnh hưởng đến công tác giáo dục trên địa bàn tỉnh, nhất là trong những ngày gần đây, trên địa bàn ghi nhận nhiều ca mắc trong cộng đồng. Để ứng phó với dịch bệnh, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ năm học, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh bám sát nội dung Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”.
Học sinh Trường THPT Tràng Định đến trường học tập trong điều kiện bình thường mới
Ông Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Để thích ứng với tình hình mới, sở đã chỉ đạo các đơn vị tranh thủ thời điểm đang kiểm soát được dịch bệnh, tập trung nguồn lực, tăng thời lượng dạy học để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình giáo dục: tăng tiết, tăng buổi (có thể kết hợp hình thức dạy online, qua truyền hình, giao bài tập qua email…); tập trung dạy học những nội dung cốt lõi, các nội dung khác tổ chức dạy bù khi có điều kiện. Đối với những địa phương đang bị ảnh hưởng bởi dịch, tùy theo cấp độ để linh hoạt chuyển đổi trạng thái từ dạy trực tiếp sang trực tuyến một phần hoặc toàn bộ.
Thực hiện yêu cầu của Sở GD&ĐT và chính quyền các huyện, thành phố, hơn 1 tháng nay, phòng GD&ĐT các huyện, thành phố đã yêu cầu các đơn vị trường chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch trên cơ sở đảm bảo thực hiện đúng các quy định, nội dung của Nghị quyết 128. Đơn cử như tại huyện Tràng Định, toàn huyện hiện có 56 trường học với trên 12.200 học sinh; vừa qua, các trường học trên địa bàn huyện đã dần thích ứng trước tác động của dịch COVID-19, sẵn sàng các phương án trong việc “vừa dạy học vừa chống dịch”. Hơn 1 tháng qua, 12 trường tiểu học, 10 trường THCS, 2 trường THCS&THPT; 14 trường TH&THCS đã tổ chức dạy học 2 ca/ngày (sáng và chiều), mỗi ca bố trí 50% học sinh đến trường. Cùng đó, từ ngày 22/11 vừa qua, khi ghi nhận có các học sinh là F1, F2 tại một số trường, Phòng GD&ĐT huyện đã phối hợp với cơ quan y tế rà soát, đánh giá ảnh hưởng và thực hiện cho nghỉ học hoặc học trực tuyến đối với các học sinh và các lớp học, chứ không bố trí nghỉ học toàn trường.
Ở một số trường có học sinh liên quan đến ca nhiễm COVID-19 thì cũng đã linh hoạt bố trí việc học và yêu cầu nghỉ học với từng lớp phù hợp với thực tế. Thầy Đặng Tuấn Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cho biết: Năm học này, trường có 29 lớp với hơn 1.280 học sinh. Ngày 19/11, sau khi nhận được thông tin có trường hợp học sinh là F1, trường đã họp đánh giá tình hình và tạm thời cho toàn lớp học này với 41 học sinh nghỉ học và học trực tuyến; các lớp học còn lại vẫn duy trì việc học trực tiếp và tuân thủ nghiêm quy định 5K.
Cùng với đó, để thực hiện phương châm “dừng đến trường nhưng không dừng việc học”, Sở GD&ĐT đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị các điều kiện phục vụ việc ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu học trực tuyến khi cần thiết. Cụ thể, Sở GD&ĐT đã phối hợp với VNPT Lạng Sơn, Viettel Lạng Sơn thực hiện chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục. Theo đó, hiện cả tỉnh có hơn 400 trường sử dụng phần mềm quản lý nhà trường của VNPT Lạng Sơn và Viettel Lạng Sơn. Sở cũng đã phối hợp với Viettel Lạng Sơn xây dựng cổng thông tin điện tử ngành để cung cấp và chia sẻ tài nguyên số về giáo dục; rà soát, đánh giá thực trạng hạ tầng, thiết bị dạy và học trực tuyến…
Bằng những giải pháp cụ thể, thiết thực tin tưởng rằng ngành GD&ĐT tỉnh sẽ dạy và học thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong nhà trường, từ đó thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục.
Ý kiến ()