Phát huy vai trò của trung tâm học tập cộng đồng
- Trong những năm gần đây, hệ thống các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) trên địa bàn tỉnh đã ngày càng được phát huy và hoạt động hiệu quả, qua đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân.
Trước năm 2022, các TTHTCĐ tại Lạng Sơn gặp nhiều khó khăn trong việc hoạt động do thiếu cơ sở vật chất và hạ tầng thông tin. Các TTHTCĐ chỉ hoạt động cầm chừng, chủ yếu tập trung vào các hoạt động giáo dục cơ bản, không có sự đa dạng và thu hút cộng đồng tham gia.
Từ năm 2022, tình hình đã có sự chuyển biến rõ rệt khi các trung tâm được hỗ trợ xây dựng trang thông tin điện tử và trở thành đầu mối chính trong việc tổ chức các lớp xóa mù chữ. Việc cấp kinh phí hoạt động ổn định và ứng dụng công nghệ số đã giúp các trung tâm đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường kết nối với người dân, đồng thời mở rộng phạm vi và chất lượng các khóa học.
Trang thông tin điện tử không chỉ giúp người dân dễ dàng tiếp cận tài liệu học tập mà còn đóng vai trò như một kênh tương tác hiệu quả, nâng cao nhận thức về học tập suốt đời, góp phần tích cực vào việc nâng cao dân trí, xóa mù chữ và tạo ra một nền tảng học tập linh hoạt, bền vững cho cộng đồng.
Ông Hồ Công Liêm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết: Sau khi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ năm 2022, Sở GD&ĐT đã xây dựng 200 trang thông tin điện tử cho 200 TTHTCĐ tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Cùng đó, ban hành quy chế hoạt động của trang thông tin điện tử lưu trữ cơ sở dữ liệu, dạy học xóa mù chữ; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng viết tin bài cho cán bộ quản lý, giáo viên bán chuyên trách của các TTHTCĐ; hướng dẫn các TTHTCĐ vận hành, khai thác hiệu quả trang thông tin điện tử, cập nhập đầy đủ số liệu, hồ sơ, sổ sách, hình ảnh, video clip các hoạt động xóa mù chữ và hoạt động của TTHTCĐ đúng tiến độ.
Được biết, Lạng Sơn là tỉnh đầu tiên đến nay đã thực hiện xây dựng trang thông tin điện tử cho 100% TTHTCĐ, đồng thời giao việc tổ chức các lớp học xóa mù chữ cho TTHTCĐ phụ trách và là đầu mối tuyên truyền, vận động người dân chưa biết chữ đến học.
Nhờ hệ thống TTHTCĐ rộng khắp ở cơ sở đã hỗ trợ tích cực cho ngành giáo dục trong tổ chức các khóa học xóa mù chữ. Trước đây việc mở lớp xóa mù chữ được giao cho các trường tiểu học trên địa bàn, công tác vận động người dân đến học chưa được hiệu quả, từ năm 2022, khi các TTHTCĐ được giao vai trò đầu mối, việc dạy học xóa mù chữ đã có bước tiến đáng kể. Nếu như từ năm 2020 đến năm 2022 mỗi năm chỉ mở được 2 - 3 lớp xoá mù chữ và huy động được khoảng 100 học viên tham gia, thì từ năm 2022 đến nay, các trung tâm đã huy động và tổ chức dạy học được hơn 60 lớp cho hơn 2.000 học viên tham gia học xóa mù chữ. Nhờ đó, tỷ lệ người biết chữ trên địa bàn tỉnh đã tăng lên, đến nay đạt trên 99,12%, tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Chị Hoàng Thị Lẻn, xã Đề Thám, huyện Tràng Định, là học viên học lớp xóa mù chữ giai đoạn 2 năm 2023 – 2024 tại TTHTCĐ xã chia sẻ: Trước đây tôi không được đi học, không biết đọc, không biết viết. Khi được cán bộ và giáo viên TTHTCĐ xã tuyên truyền về lợi ích của việc biết chữ và trung tâm sẽ mở lớp ngay tại xã, tôi đã đăng ký tham gia học. Đến nay, tôi đã hoàn thành giai đoạn 2 của lớp xóa mù chữ. Sau khóa học, tôi không chỉ biết đọc và biết viết, tính toán mà còn hiểu biết thêm các kiến thức mới, biết tra cứu thông tin trên mạng internet để phục vụ việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và nuôi dạy con cái.
Một vai trò quan trọng khác của TTHTCĐ cũng được phát huy đó là việc tổ chức các lớp học phổ cập kiến thức, dạy nghề, hướng dẫn kỹ năng kinh doanh, sản xuất hoặc kỹ thuật mới trong nông nghiệp, giúp người dân nâng cao năng suất lao động và phát triển kinh tế gia đình.
Ông Vi Văn Tô, Giám đốc TTHTCĐ xã Minh Hiệp, huyện Lộc Bình cho biết: Qua khảo sát nhu cầu của người dân, từ năm 2023 đến nay, TTHTCĐ đã phối hợp mở được 3 lớp đào tạo nghề cho 65 lao động nông thôn về chăn nuôi và trồng trọt. Kết thúc các khóa học, 100% học viên đều đạt và được cấp chứng chỉ nghề. Trung tâm còn phối hợp với các hội, đoàn thể, trạm y tế của xã phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, kỹ thuật canh tác; tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, văn nghệ cho người dân trên địa bàn...
Theo khảo sát của Sở GD&ĐT, từ năm 2022 đến nay, trung bình mỗi năm các TTHTCĐ đã tổ chức thành công hơn 5.000 hoạt động với hơn 600.000 lượt người tham gia, học tập. Trong thời gian tới, với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, TTHTCĐ sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mình, đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh và xây dựng một xã hội học tập toàn diện.
Lạng Sơn là tỉnh đầu tiên đến nay đã thực hiện xây dựng trang thông tin điện tử cho 100% TTHTCĐ, đồng thời giao việc tổ chức các lớp học xóa mù chữ cho TTHTCĐ phụ trách và là đầu mối tuyên truyền, vận động người dân chưa biết chữ đến học.
|
Ý kiến ()