Ngành giáo dục chú trọng thực hiện tốt công tác Giáo dục quốc phòng - an ninh cho học sinh THPT
- Thời gian qua, công tác giảng dạy môn học Giáo dục quốc phòng - an ninh (GDQP&AN) được các trường THPT trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện tốt, qua đó làm chuyển biến nhận thức của học sinh, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), GDQP&AN là môn học đặc thù, chính khóa bắt buộc trong trường THPT, tổng thời lượng môn học là 105 tiết, chia đều 35 tiết cho từng khối lớp 10, 11 và 12, bao gồm cả lý thuyết và thực hành. Năm học 2023 - 2024, Lạng Sơn có 37 trường có cấp THPT, trong đó có 57 giáo viên đang thực hiện công tác giảng dạy bộ môn GDQP&AN. Ngay từ đầu năm học, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường THPT đổi mới tổ chức dạy học môn học GDQP&AN phù hợp với điều kiện của nhà trường. Đơn cử như tại Trường THPT Cao Lộc, huyện Cao Lộc, nhà trường hiện có hơn 1.400 học sinh với 3 giáo viên giảng dạy bộ môn GDQP&AN. Những năm qua các giáo viên nhà trường đã chú trọng đổi mới phương pháp giáo dục, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy bộ môn này.
Thầy giáo Nguyễn Duy Hoan, giáo viên bộ môn GDQP&AN, Trường THPT Cao Lộc cho biết: Trong các giờ giảng, chúng tôi đều xây dựng bài giảng trên máy tính, kết hợp giảng lý thuyết với các hình ảnh, clip để học sinh quan sát; đồng thời khai thác, sử dụng các dụng cụ trực quan và phương tiện dạy học được trang bị, qua đó, giúp các em hiểu sâu thêm về bộ môn cũng như củng cố được kiến thức tốt hơn trong những bài giảng. Do vậy, 3 năm trở lại đây, hằng năm tỷ lệ học sinh đạt khá, tốt môn học này ở các khối lớp luôn chiếm trên 95%.
Tương tự, tại Trường THPT Hoà Bình, huyện Chi Lăng, trường có 18 lớp với hơn 600 học sinh theo học. Những năm qua, để dạy môn GDQP&AN đạt hiệu quả, ngay từ đầu các năm học, Ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo các giáo viên trong nhóm bộ môn xây dựng kế hoạch giảng dạy cho từng khối lớp phù hợp theo phân môn chương trình. Cô giáo Bế Thị Đoan Trang, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Không chỉ chú trọng giảng dạy chương trình môn học, để tăng chất lượng dạy học bộ môn, nhà trường còn thường xuyên rà soát, kiểm tra thiết bị, mua sắm, bổ sung các loại học cụ bộ môn và trang phục cho giáo viên theo quy định.
Đối với bộ môn GDQP&AN, mạch nội dung môn học được cấu trúc theo 5 chủ đề gồm: một số hiểu biết chung về QP&AN; điều lệnh đội ngũ; kỹ thuật chiến đấu bộ binh; chiến thuật bộ binh; một số hiểu biết về phòng thủ dân sự; kiến thức phổ thông về phòng không nhân dân. Trong đó, chủ đề hiểu biết chung về QP&AN, học sinh sẽ được học về lịch sử, truyền thống của lực lượng vũ trang nhân dân; nội dung cơ bản của một số luật về QP&AN; an ninh mạng; bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; luật nghĩa vụ quân sự và trách nhiệm của học sinh; chiến lược “diễn biến hòa bình”... Các tiết học thực hành được giáo viên hướng dẫn tỉ mỉ để học sinh thực hiện thuần thục cách tháo lắp súng, các động tác về đội ngũ và nắm các kỹ năng băng bó cứu thương... Từ đó, các em nắm vững kiến thức theo yêu cầu, đồng thời, giáo dục tính kỷ luật, tác phong quân sự, đẩy mạnh phong trào thi đua học tập, rèn luyện trong học sinh góp phần bồi đắp thêm truyền thống, tình yêu quê hương, đất nước cho học sinh.
Em Hoàng Sơn Hà, lớp 12A3, Trường THPT Việt Bắc, thành phố Lạng Sơn cho biết: Được học tập bộ môn giáo dục GDQP&AN không chỉ giúp cho em có thêm kiến thức về quốc phòng, quân sự địa phương mà còn rèn luyện tác phong nghiêm túc, tinh thần đoàn kết, ý thức tổ chức kỷ luật. Đồng thời giúp em nâng cao được nhận thức, thấy rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Bởi vậy, em và các bạn luôn cố gắng, tích cực học tập nghiêm túc để đạt thành tích tốt trong môn học này.
Ông Đặng Hồng Cường, Trưởng Phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT cho biết: Để nâng cao chất lượng môn học, hằng năm phòng đã tham mưu cho lãnh đạo sở tổ chức tập huấn xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch dạy học bộ môn cho 100% giáo viên cốt cán; chỉ đạo giáo viên tích cực sử dụng các phương pháp thuyết trình, thảo luận, tạo cho học sinh hứng thú trong quá trình học tập; chỉ đạo các trường học chú trọng tổ chức Hội thao quốc phòng an ninh cấp trường, tổ chức thi đấu với 8 nội dung bám sát nội dung chương trình GDQP&AN hiện hành. Từ đó giúp học sinh ngày càng trưởng thành, tự tin, có kiến thức QP&AN, có kỹ năng quân sự cần thiết, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Nhờ đó, hằng năm tỷ lệ học sinh THPT đạt khá, giỏi môn học luôn chiếm trên 80%.
Để nâng cao chất lượng môn học, thời gian tới, Sở GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo các nhà trường tích cực đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, gắn lý thuyết với thực hành. Đặc biệt là tăng cường các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, giúp các em có kiến thức QP&AN, có kỹ năng quân sự cần thiết. Thông qua đó, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tuổi trẻ đối với công cuộc bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Ý kiến ()