Ngành giáo dục cần nhìn thẳng vào những bất cập để điều chỉnh vì học sinh
Nhìn thẳng vào bất cập
Ngày 12-8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2014-2015 và triển khai nhiệm vụ năm học 2015-2016 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Hội nghị đã diễn ra tại 6 điểm cầu: Hà Nội, Thái Nguyên, Nghệ An, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đến dự và phát biểu.
Năm học 2014-2015 là năm thức hai ngành giáo dục thực hiện Nghị quyết số 29 – NQ/TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nhưng là năm đầu triển khai những nhiệm vụ căn bản, cụ thể. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Trong hệ thống giáo dục, các nhà khoa học, các bộ ngành đã tham gia bàn thảo để định hình được sơ đồ hệ thống giáo dục của Việt Nam tới đây và hiện nay các nhà khoa học đang tiếp tục góp ý sao cho đúng là một nền giáo dục hội nhập, tiên tiến. Một loạt các công việc khác mà ngành giáo dục đang thực hiện như xây dựng chương trình và sách giáo khoa theo hướng chuẩn mực quốc tế, liên quan đến công việc thi cử là đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30, kỳ thi THPT quốc gia…
Phó Thủ tướng nhận xét về các đổi mới ngành giáo dục triển khai trong thời gian qua: “Còn điểm này điểm khác chúng ta chưa hài lòng nhưng đó là vấn đề tự nhiên trong quá trình đổi mới và phải nói một cách công tâm rằng ngành giáo dục năm học vừa qua từ trên xuống dưới từ các Sở lên đến Bộ, các cấp ủy Đảng, đội ngũ giáo viên, kể cả gia đình học sinh đã chung tay và có các kết quả rất đáng mừng”.
“Điều quan trọng chúng ta thấy rằng việc đổi mới không chỉ là cần thiết mà các phương hướng vạch ra đã được xác định là đúng hướng” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh những kết quả nổi bật, báo cáo của Bộ GD-ĐT tại hội nghị tổng kết cũng chỉ ra những điểm còn tồn tại, hạn chế như chất lượng giáo dục còn nhiều hạn chế về giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng sống cho học sinh; tình trạng thiếu thốn lạc hậu cơ sở vật chất thiết bị trường học; hiện tượng dạy thêm học thêm tràn lan, thu chi không đúng quy định, sổ sách của giáo viên quá nhiều, thiếu quan tâm giáo dục ý thức tự quản, lao động vệ sinh, tự phục vụ trong nhà trường vẫn chưa được khắc phục triệt để. Theo đó, trở ngại lớn nhất trong triển khai đổi mới giáo dục được chỉ ra là thói quen cũ trong cách nghĩ, cách làm của giáo viên, của cán bộ quản lý giáo dục, của học sinh, của cha mẹ học sinh và của xã hội.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tập trung nói về những điểm hạn chế này. Về tình trạng cơ sở vật chất thiếu thốn, ông cho rằng nếu hoàn thành hết kiên cố hóa trường học và nhà công vụ cho giáo viên, nhất là vùng sâu vùng xa thì còn rất khó vì theo đề án của Bộ GD-ĐT từ 2 năm trước thì cần đến trên 50.000 tỷ nữa. Đây là mong muốn của ngành giáo dục nhưng cũng cần tính đến khả năng đáp ứng, nhu cầu vốn của cả xã hội. Về phía Bộ GD-ĐT căn cứ vào tình hình tiếp tục làm việc sát hơn với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư tìm một phương án khả thi và tinh thần là chỗ khó nhất ưu tiên làm trước.
Phó Thủ tướng cho biết đối với đổi mới chương trình và SGK, phương pháp giảng dạy thì chúng ta thường cho rằng phải đi kèm cơ sở vật chất nhưng cần nói rõ là nếu không có đổi mới chương trình và SGK thì chúng ta vẫn phải làm kiên cố hóa trường học và cũng có những nơi không phải cứ làm kiên cố hóa trường học thì chúng ta mới đổi mới được chương trình và SGK. Chương trình tốt, SGK tốt, thì nhà tranh mà sạch sẽ vẫn dạy tốt.
Về thực hiện Thông tư 30 đánh giá học sinh tiểu học là theo đúng xu thế của giáo dục hiện đại và đây là một biện pháp tiến tới để các cháu hay từng người cố gắng phấn đấu để vượt lên chính mình chứ không phải để so sánh, để ganh tỵ với những người khác. Phó Thủ tướng chỉ đạo cần phải rút kinh nghiệm ở chỗ một chủ trương mới như vậy dù là đúng nhưng chúng ta phải có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng và đặc biệt là cách tuyên truyền, giải thích, vận động và kiên định thực hiện.
Về dạy thêm, học thêm, tự quản, vệ sinh ở một số trường chưa tốt, Phó Thủ tướng cho biết:“Tôi rất mừng khi đây là một trong bốn điểm hạn chế nổi bật mà Bộ rút ra. Nhưng chúng ta không nên bình luận nhiều nữa, đã nhận ra rồi thì mình phải làm”.
Những vấn đề gây bức xúc trong xã hội như nạn bạo lực học đường, hay chuyện nhỏ như không tôn trọng luật giao thông, vệ sinh công cộng bừa bãi, chen lấn không xếp hàng nơi công cộng… đến vấn đề tội phạm vị thành niên…có trách nhiệm của toàn xã hội nhưng rõ ràng trách nhiệm của ngành giáo dục có phần rất quan trọng. Giáo dục đạo đức cần rất nhiều nhưng có một điều chắc chắn rằng nếu thầy giáo mà không gương mẫu thì cho dù có tuyên truyền như thế nào đi chăng nữa thì ảnh hướng đến các cháu cũng sẽ bớt tác dụng. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lấy ví dụ, dạy các cháu phải gọn gàng sạch sẽ nhưng bản thân trường không sạch sẽ, dây điện loằng ngoằng, chỉ sạch những chỗ nhìn thấy còn những chỗ khuất lại có rác, mạng nhiện thì làm sao các cháu nghe. Hay câu chuyện dạy thêm, học thêm, nhà trường dạy các cháu là nhà nước pháp quyền phải tôn trọng pháp luật nhưng quy định của Bộ đã cấm mà giáo viên cứ làm thì làm sao giáo dục các cháu được. Chưa nói đến tư cách người thầy mà với tư cách là một người công chức, viên chức nếu ngành giáo dục không thi đua, phát động phong trào làm theo lời Bác dạy, thì không thể nói đến giáo dục đạo đức trẻ em được.
Khơi dậy tinh thần vì học sinh từ những việc làm cụ thể
Trong những tồn tại ngành giáo dục đưa ra có vấn đề giáo dục đạo đức, kỹ năng sống còn thiếu, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành giáo dục khắc phục bằng được, thực hiện từ những việc cụ thể. “Giáo dục đạo đức học sinh gồm rất nhiều thứ, kể cả đổi mới chương trình và SGK, tăng ngoại khóa phổ thông như thế nào, phối hợp với xã hội kể cả phổi hợp với truyền hình, phát thanh, báo đài hay những giờ sinh hoạt để dạy những thứ rất cơ bản, rất con người, rất cụ thể từ những câu chuyện kể những sự việc nhỏ trong cuộc sống”.
Phải giáo dục các em từ mẫu giáo, từ những điều cơ bản phù hợp với lứa tuổi để làm người tốt như truyền thống cha ông, năm điều Bác Hồ dậy… và nâng dần lên. Các triết lý giáo dục của mỗi quốc gia cách thể hiện khác nhau nhưng suy cho cùng giáo dục là phải dạy kỹ năng, đều phải dạy để làm người tốt với đầy đủ những đức tính của người tốt và có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và bây giờ cần thêm là thành công dân toàn cầu.
Phó Thủ tướng đưa ra ví dụ về giáo dục thể chất, lo lắng trước tình trạng học sinh đa phần bị cận thị, sinh viên những trường điểm cao như trường Y thì còi cọc và nhận thấy những năm gần đây việc tập luyện thể dục thể thao trong trường phổ thông không còn thống nhất, những bài tạo thể dục đầu giờ, thể dục giữa giờ, lúc đầu làm nghiêm sau này cũng lỏng dần.
“Những bài tập thể dục đầu giờ, giữa giờ, đưa vào không chỉ để dạy các cháu tập thể lực mà là ý thức rèn luyện sức khỏe. Hay ví dụ nói về lòng yêu nước, lý tưởng không cần những bài nói đến người lớn còn chưa hiểu mà cụ thể như trước đây khi tập thể dục vẫn hô:“Rèn luyện thân thể bảo vệ tốt quốc, rèn luyện thân thể thống nhất đất nước” đã thấm sâu vào mỗi người tinh thần đó.
Phó Thủ tướng đề nghị nên đưa lại những sinh hoạt tập thể vào nhà trường với tinh thần là đừng nói lý tưởng mà dạy kỹ năng sống, bồi đắp cho các cháu những truyền thống tốt đẹp từ những việc làm cụ thể.
Trong giáo viên, Bác Hồ đã dạy dù khó khăn đến đâu cũng phải dạy tốt, học tốt, bây giờ các đồng chí muốn nói phong trào gì, khẩu hiệu gì suy cho cùng phải khơi dậy tinh thần chủ đạo trong hệ thống giáo dục của chúng ta là phải thực sự vì học sinh.
Phó Thủ tướng cho rằng chúng ta nói cái này được nhưng lúc làm nhiều lúc chưa thực sự và lấy ví dụ cụ thể việc khai giảng, là ngày hội của các cháu đến trường nhưng từ nhiều năm nay, ngày giờ khai giảng phải phụ thuộc lãnh đạo đến khi nào, thời tiết dù nắng hay mưa các cháu phải xếp hàng đợi rất vất vả. Ông cho biết: “Năm nay tôi đã bàn với Bộ Giáo dục và Đào tạo kiên định chọn một ngày khai giảng đồng loạt trong cả nước vào mùng 4 hoặc 5-9. Trong lễ khai giảng thì thực hiện nghi lễ cần thiết là chào cờ, nếu có thể thì cả nước cùng làm trong một thời khắc, cùng hát quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước, Hiệu trưởng phát biểu ngắn gọn rồi hết để đến phần sau là hội cho các cháu cùng các thầy cô giáo”.
Phó Thủ tướng cho rằng nói đến những điểm hạn chế không có nghĩa ngành giáo dục không có điểm được và đã biểu dương, cám ơn các cấp, các ngành, nhất là ở các vùng còn rất khó khăn đã tích cực ủng hộ để năm vừa qua chủ trương đổi mới giáo dục có được những kết quả tích cực. “Tôi mong rằng chúng ta trên tinh thần cầu thị nhìn thẳng vào những còn bất cập để điều chỉnh với phương châm tất cả vì học sinh, dù có khó cho giáo viên, phụ huynh, khó cho Bộ GD-ĐT, khó cho chính quyền cũng cố gắng miễn là tốt cho học sinh”.
Ý kiến ()