Chủ nhật, 24/11/2024 10:00 [(GMT +7)]
Ngành GD thành phố với công tác giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật
Thứ 5, 02/12/2010 | 08:39:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Tiếp nhận 1 cháu bị bệnh “Xương thủy tinh” từ Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh chuyển vào học lớp 1, chị Hoàng Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Đồng và cô giáo Hà Thị Lạng, chủ nhiệm lớp 1A3 không khỏi băn khoăn: Học sinh tiểu học vốn hiếu động, nếu không “quán triệt” tốt, trong khi chơi đùa, cháu rất dễ bị thương…
Không chỉ riêng trường hợp này, trong 50 trẻ khuyết tật (KT) mà ngành GD thành phố nhận vào học hòa nhập, thì Trường tiểu học Hoàng Đồng có tới 20 cháu. Trừ 1 cháu bị “xương thủy tinh”, còn lại hầu hết là bị thiểu năng trí tuệ. Với trách nhiệm cao cả của mình, vào đầu năm học mới, cô Hiệu trưởng tổ chức họp toàn thể CBGV để học tập Pháp lệnh người khuyết tật (nay là Luật người khuyết tật), xác định tinh thần cũng như tổ chức tập huấn cho đội ngũ về cách thức tiếp cận, phương pháp giáo dục hòa nhập trẻ KT. Ngay trong buổi tập trung đầu năm, nhà trường cũng quán triệt cho học sinh về sự tương thân tương ái, giúp đỡ bạn khuyết tật trong học tập và sinh hoạt. Với 19 lớp và 390 học sinh, nhà trường “phân phối” trẻ KT khá đều trong từng khối lớp, không “dồn” vào một lớp, để một mặt “giảm tải” cho giáo viên chủ nhiệm, mặt khác để có thể phân công học sinh giúp đỡ bạn nhanh chóng hòa nhập với bạn bè cùng trang lứa. Lãnh đạo và đội ngũ GV cũng bỏ công sức đi tìm hiểu thực tế hoàn cảnh gia đình các cháu. Qua tìm hiểu, có thể thấy hầu hết các cháu là con em nông dân nghèo, ít có điều kiện và phương pháp chăm sóc, dạy dỗ. Thông cảm với hoàn cảnh của các cháu, nhà trường dành cho các cháu sự quan tâm đặc biệt, từ việc sắp xếp chỗ ngồi ở bàn đầu, ngay dưới bục giảng giáo viên để vừa “dễ quản lý” vừa tạo điều kiện cho các cháu tiếp thu bài tốt hơn; vào đầu năm học mới hay bước vào học kỳ II, các cháu đều được nhà trường giúp đỡ về sách vở, đồ dùng học tập; miễn giảm tiền đóng góp học 2 buổi/ngày và các khoản đóng góp khác…
Cô giáo Hà Thị Lạng, chủ nhiệm lớp 1A3 với học sinh bị bệnh “Xương thủy tinh” |
Là trường đạt chuẩn QG từ năm 2003, Trường tiểu học Hoàng Đồng vốn có nền nếp học tập tốt; nay thực hiện phong trào “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, nhà trường lại càng có điều kiện nâng cao chất lượng GD nói chung và chăm sóc và giáo dục hòa nhập trẻ KT nói riêng. Các phong trào như “đôi bạn cùng tiến”…đã giúp học sinh nhà trường dẹp bỏ mọi thái độ phân biệt đối xử với trẻ KT; hơn nữa, học sinh KT lại được các liên đội, chi đội “ưu ái” hơn bằng cách cử các em cùng khu dân cư, học khá, có tinh thần trách nhiệm tốt để giúp đỡ học sinh KT. Dạy bậc tiểu học đã “bận”, trong lớp có học sinh KT càng bận hơn. Mỗi lần “gọi” cô học sinh bị bệnh “xương thủy tinh” lên viết bảng, cô Lạng lại phải bế em từ bàn lên bục; khi viết xong lại bế học sinh từ bục đặt khẽ xuống ghế ngồi. Đối với học sinh thiểu năng trí tuệ lại vất vả theo kiểu khác, vừa dạy vừa “dỗ” và phải thật khéo léo để học sinh không phật ý mà bỏ lớp, bỏ trường. Có một tình trạng chung là trẻ KT vào lớp hòa nhập bậc tiểu học lại không được học qua cấp học Mầm non, nên khả năng tiếp thu bài rất chậm. Thậm chí đã có gia đình đã cho con vào tiểu học, song không thể theo kịp, đành đưa cháu về “học lại” cấp MN và nhờ cô giáo MN kèm cặp thêm. Nói như vậy để biết rằng dù sao trẻ KT, nhất là trẻ thiểu năng trí tuệ không thể tiếp thu kiến thức như trẻ bình thường. Trao đổi với chúng tôi, chuyên viên phòng GD thành phố khẳng định rằng, không chỉ riêng Trường tiểu học Hoàng Đồng, mà trong tất cả các nhà trường của thành phố, trẻ KT bao giờ cũng được quan tâm một cách đặc biệt. Tâm lý học đã chỉ ra rằng, nếu quan tâm theo kiểu “thương hại” ban ơn, thì lại càng “đẩy” các em ra xa cộng đồng nhà trường. Vì đối tượng KT rất hay bị tự kỷ, “tủi thân” về những khiếm khuyết và xa hơn là thân phận của bản thân mình. Quan tâm, tạo môi trường cho các em học tập hòa nhập, sự tôn trọng của giáo viên và mọi thành viên của nhà trường, nhất là học sinh đã cho kết quả là phần lớn các em đã đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu của bậc học.
Tuy vậy, việc giáo dục hòa nhập của ngành GD Lạng Sơn nói chung và thành phố nói riêng cũng còn nhiều khó khăn; trong xây dựng, hầu hết các trường đều không tính đến yếu tố sử dụng cho học sinh KT, nên học sinh KT đã khó khăn lại khó khăn hơn trong hoạt động. Đội ngũ giáo viên rất vất vả trong khi chưa có một chế độ phụ cấp nào cho họ. Việc tập huấn cũng chỉ ở mức tối thiểu, chưa hình thành những kỹ năng cho giáo dục trẻ KT, nên kết quả cũng còn hạn chế.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()