Chủ nhật, 24/11/2024 23:54 [(GMT +7)]
Ngành GD Lạng Sơn với "giờ học 180 năm"
Thứ 2, 17/10/2011 | 10:14:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Trong đợt tuyên truyền hướng tới kỷ niệm 180 năm ngày thành lập tỉnh (1831-2011), ngoài việc cử cán bộ giáo viên và học sinh sinh viên (HSSV) luyện tập để tham gia các khối diễu hành theo kế hoạch của tỉnh, ngành GD còn có một hình thức tuyên truyền mang đậm “tính nghề nghiệp” của mình: Tổ chức “giờ học Lịch sử 180 năm tỉnh Lạng Sơn” và tổ chức thi tìm hiểu lịch sử 180 năm thành lập tỉnh.
Học sinh đang luyện tập các màn đồng diễn chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 180 năm ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn |
Theo Kế hoạch của ngành, thì công tác tuyên truyền này được thực hiện trong tất cả các cấp học từ MN đến các trường chuyên nghiệp trên phạm vi toàn tỉnh. Căn cứ tài liệu tuyên truyền “Kỷ niệm 180 năm, ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn” mà Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phát hành, các nhà trường xây dựng nội dung phù hợp để phổ biến trong CBGV, HSSV. Đối với HSSV, không có hình thức tuyên truyền nào có hiệu quả hơn bằng việc tham gia trực tiếp vào các hoạt động và tổ chức giờ học “Lịch sử 180 năm tỉnh Lạng Sơn” ở từng khối lớp do giáo viên giảng dạy môn Lịch sử đảm nhiệm.
Lạng Sơn, với vị trí địa đầu của Tổ quốc, trong mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc luôn vì cả nước, cùng cả nước mà vững vàng thế đi lên. Những chiến công hiển hách trong chống ngoại xâm gắn liền với những địa danh như ải Chi Lăng, Bắc Sơn, Đèo Bông Lau, Đường số Bốn… đã đi vào lịch sử Việt Nam như những cái tên bất diệt. Trong đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, biết bao người con đã anh dũng chiến đấu và hy sinh. Những chiến sĩ cách mạng Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri và hàng ngàn người con ưu tú của Xứ Lạng đã làm rạng danh đất nước. Ngành GD với trách nhiệm to lớn là người “chuyển lửa” từ các thế hệ cha ông đến thế hệ tương lai đã thực hiện tốt công tác giảng dạy môn lịch sử và tổ chức các hoạt động khác, nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ lòng tự hào với lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của các thế hệ con người Xứ Lạng.
Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường tổ chức giảng dạy lồng ghép các vấn đề của địa phương như đất và người Xứ Lạng, danh lam thắng cảnh, văn học, văn hóa dân gian vùng đất địa đầu này vào các bài học như Tự nhiên và xã hội, Tiếng Việt… của học sinh cấp tiểu học. Từ cấp THCS các bộ môn như giáo dục công dân, văn học… đều có nội dung về Lạng Sơn. Học về tác phẩm “Cáo Bình Ngô” của Nguyễn Trãi, chiến tích Chi Lăng như một sức mạnh nổi bật mang tính quyết định cho cả cuộc kháng chiến 10 năm chống quân xâm lược nhà Minh. Nếu ở cấp THCS, từ lớp 6 học sinh đã được học bài “Lạng Sơn từ thời kỳ đầu dựng nước và giữ nước”, thì các lớp 7,8, học sinh được học về lịch sử Lạng Sơn từ thế kỷ X đến đầu thế kỷ XX; chương trình văn hóa xã hội Lạng Sơn và đến lớp 9, học sinh được học lịch sử từ đầu thế kỷ XX đến nay, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Trịnh Thanh Thủy, Hiệu trưởng trường THCS Đông Kinh nói rằng, học sinh rất hào hứng với các tiết học này, tiếc rằng thời lượng hơi ít.
Làm việc với lãnh đạo ngành và qua sự quan sát của chúng tôi tại các sân bãi, nơi có học sinh đang tập luyện theo kịch bản chuẩn bị cho lễ kỷ niệm, có thể thấy rằng, ngoài bài học lịch sử trong nhà trường, gần 1 vạn HSSV với các động tác ngày càng thuần thục thể hiện các màn diễn tái hiện công cuộc kiến tạo, lịch sử văn hóa của mảnh đất Xứ Lạng, nhất là các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm của quân và dân các dân tộc Lạng Sơn, chính là sự tổng hợp của các bài học lịch sử đất và người Xứ Lạng mà các em đã và sẽ lĩnh hội được. Có lẽ không một bài học nào mang lại hiệu quả hơn thế. Ngoài việc tổ chức tốt cho CBGV và học sinh tham gia luyện tập các khối diễu duyệt, giờ học “Lịch sử 180 năm tỉnh Lạng Sơn” đang được các thầy cô giáo bộ môn lịch sử tích cực chuẩn bị, cuộc thi tìm hiểu lịch sử 180 năm thành lập tỉnh do ngành GD&ĐT phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức đang được đông đảo các đoàn viên thanh niên HSSV hưởng ứng nhiệt tình.
Giờ học lịch sử tại Trường THPT Việt Bắc |
Những giờ học lịch sử địa phương, những buổi luyện tập để tham gia đồng diễn, những bài thi tìm hiểu… là các hoạt động thiết thực, cụ thể góp phần nâng cao hiểu biết về lịch sử tỉnh Lạng Sơn – lịch sử vùng đất địa đầu. Đó cũng là hình thức giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào về truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng của quê hương. Từ đó nâng cao trách nhiệm cho toàn thể cán bộ, giáo viên, HSSV và động viên toàn ngành hăng hái thi đua hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành. Đó sẽ là “hành trang” cho mỗi công dân tương lai của Xứ Lạng trên con đường lập thân lập nghiệp.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()