Ngành GD&ĐT - tình thương từ những hũ gạo nhỏ
LSO – Theo thống kê của ngành GD&ĐT, tỷ lệ học sinh bỏ học của học sinh ở Lạng Sơn trong những năm qua giảm đều. Đến năm học 2012-2013 chỉ còn 1,05%, trong đó tỷ lệ bỏ học ở cấp tiểu học là 0,03%, cấp THCS là 0,86%. Kết quả đó là sự tổng hợp của nhiều cố gắng và nỗ lực, trong đó, phong trào “hũ gạo tình thương” mang lại hiệu quả rõ nét.
Giờ tập viết của học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Dân lập Nguyễn Trãi (Đồng Đăng – Cao Lộc)
Phong trào “hũ gạo tình thương” bắt nguồn từ “hũ gạo phổ cập”- sáng kiến của một số phòng GD&ĐT nhằm giúp đỡ những học sinh theo học các lớp phổ cập THCS trong những năm 2004-2006. Đến năm 2008, khi phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” được triển khai, thì “hũ gạo tình thương” được nhân rộng ra toàn ngành và được coi là hành động cụ thể, thiết thực của đội ngũ giáo viên và học sinh giúp đỡ các em học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn phải trọ học, học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú và học sinh tham gia lớp phổ cập. Trong 5 năm qua (2008-2013), với phương châm “tích tiểu thành đại”, mỗi cán bộ giáo viên đều có sự đóng góp nho nhỏ hằng tháng, và “hũ gạo tình thương” của toàn ngành đã lên tới 51.365 kg, số tiền huy động là 2,026 tỷ đồng, trực tiếp giúp đỡ cho 14.736 học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường. Điều đáng nói là phong trào đã mang tính tự nguyện tự giác rất cao của đội ngũ cán bộ giáo viên, và từ đội ngũ cán bộ giáo viên, sức lan toả đã đến với các em học sinh.
Thầy giáo Lương Đình Hợi, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Bắc cho biết: tuy là trường khu vực thành phố, song vẫn còn nhiều học sinh con hộ nghèo hoặc gia đình gặp khó khăn đột xuất như thiên tai, tai nạn… Số tiền 88,03 triệu đồng và 2,2 tấn gạo thực sự là cứu cánh cho trên 400 lượt học sinh trong 5 năm qua; trung bình mỗi năm có 80 lượt học sinh khó khăn được giúp đỡ.
Lộc Bình là một huyện rộng, đông dân cư, trong đó có nhiều học sinh là con hộ nghèo, phong trào “Hũ gạo tình thương” mà ngành GD&ĐT huyện duy trì đã mang lại hiệu quả lớn trong việc động viên học sinh đi học. Trong 5 năm qua, với mức đóng góp mỗi cán bộ giáo viên 3 bơ gạo (hoặc 10 ngàn đồng)/ quý, học sinh 1 bơ gạo (hoặc 3000 đồng)/ học kỳ và sự tham gia của các nhà hảo tâm, ngành GD&ĐT Lộc Bình đã có 684 triệu đồng và gần 3,5 tấn gạo. Số tiền đó là nguồn hỗ trợ rất kịp thời cho các cấp học góp phần khắc phục các cơn bão, lốc; giúp một số trường mầm non xây dựng bếp ăn bán trú, mua sắm dụng cụ nhà bếp cho các trường phổ thông dân tộc bán trú mới thành lập. Với “hũ gạo tình thương”, Trường THPT huyện Bình Gia không chỉ trợ giúp gạo kịp thời cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn phải trọ học, mà còn mua xe đạp tặng các em ở xa trường, động viên các em không bỏ học.
Có thể thấy rằng, việc duy trì tính bền vững của “hũ gạo tình thương” không chỉ mang lại hiệu quả tức thời cho những hoàn cảnh khó khăn, mà còn là việc làm cụ thể của toàn ngành trong việc triển khai và thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong những năm qua. Phong trào “hũ gạo tình thương” đã có sức lan tỏa từ trong ngành ra ngoài xã hội, có tác dụng huy động sự quan tâm của các cơ quan, đoàn thể, tổ chức và cá nhân trong việc chăm lo cho học sinh tới trường. Trong 5 năm qua, Hội Phụ nữ tỉnh đã vận động các cơ quan đoàn thể, tổ chức xã hội ủng hộ trên 5,2 tỷ đồng, trên 31 ngàn bộ quần áo, gần 11 ngàn bộ sách giáo khoa, trên 4,2 tấn gạo, 130 xe đạp giúp đỡ học sinh nghèo. Hội phụ nữ các cấp đã trao 4.442 xuất học bổng với tổng trị giá gần 1,5 tỷ đồng cho học sinh nghèo các cấp. Quỹ “tiếp bước cho em tới trường” của tỉnh với trên 1 tỷ đồng để tặng 1964 suất học bổng cho học sinh nghèo. Các cơ quan, đơn vị như các ngân hàng, lực lượng vũ trang, đoàn thanh niên… đóng góp xây dựng nhà bán trú, mua sắm phản nằm, chăn đệm giúp đỡ các trường phổ thông dân tộc bán trú.
Phong trào “hũ gạo tình thương” có đặc điểm là mức đóng góp không lớn, dễ huy động, quản lý đơn giản, hỗ trợ nhanh và kịp thời, nó rất phù hợp với quy mô cấp trường và cấp phòng GD&ĐT. Ngành GD&ĐT khẳng định, với lợi thế đó, phong trào “hũ gạo tình thương” sẽ được ngành và công đoàn ngành chỉ đạo duy trì bền vững để mang lại hiệu quả thiết thực.
Ý kiến ()