Ngành GD&ĐT thành phố Lạng Sơn: Chống “lạm thu” đầu năm học mới
LSO-Vừa đếm những đồng tiền thu được từ những bó củi bán được, vừa lau những giọt mồ hôi rơi lã chã, chị Hoàng Thị H. ở thôn Quảng Hồng, xã Quảng Lạc nở nụ cười khá tươi: “Thế là đủ tiền đóng học cho con rồi”. Kéo cái xe cải tiến cà tàng ra khỏi nơi xếp củi, chị cho chúng tôi biết, suốt từ đầu tháng 8 âm lịch đến nay, gia đình tôi phải chắt bóp trong chi tiêu để dồn tiền mua giấy bút, cặp sách, mua quần áo mới và đóng học cho con.
Bằng công tác xã hội hoá, Trường Mầm non 19/5 mua sắm tủ sấy bát đĩa phục vụ học sinh |
Làm việc với trường Tiểu học xã Quảng Lạc, chúng tôi được biết, năm học này nhà trường có 334 học sinh, trong đó có 10 trẻ khuyết tật và tỷ lệ học sinh con hộ nghèo là 10%. Căn cứ Biên bản phiên họp tại Phòng GD&ĐT ngày 20/8/2013 về dự kiến thu các khoản ngoài ngân sách, trường Tiểu học Quảng Lạc có 7 khoản thu với tổng số 496 ngàn đồng, trong đó “nặng” nhất là tiền dịch vụ điện, nước, giấy vệ sinh 200 ngàn đồng/năm, tiền quỹ cha mẹ học sinh 220 ngàn đồng/năm. Cô giáo Liễu Thị Thưởng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, là trường khu vực nông thôn, dân tộc, được nhà nước lo cho bảo hiểm y tế (BHYT) và không thực hiện bán trú, nên các khoản nộp đỡ đi rất nhiều. Tuy vậy cũng đã xảy ra tình trạng thất thu như năm học 2012-2013, có tới 55 học sinh không thể nộp các khoản phí theo yêu cầu chung.
Xem giấy ghi các khoản thu sau kỳ họp phụ huynh học sinh đầu năm của một chị có con gái đang học lớp 5 trường Tiểu học phường Chi Lăng, chúng tôi đếm có 12 khoản thu với tổng số tiền 1,25 triệu đồng, trong đó nhiều nhất là tiền điện nước, lao công 219 ngàn đồng/năm, tiền dạy 2 buổi/ ngày 126 ngàn đồng/năm, tiền quỹ hội cha mẹ học sinh 220 ngàn đồng/ năm, tiền BHYT 289 ngàn đồng/ năm. Nếu so sánh với trường Tiểu học Quảng Lạc, mức thu cao hơn 754 ngàn đồng/năm. Sự chênh lệch này ở các khoản quỹ trông trẻ trưa, đồ dùng bán trú, vệ sinh chăn gối, BHYT, tiền góp trung thu, tiền xã hội hóa…
Đối với trường THCS Tam Thanh, ngoài tiền học phí theo quy định, nhà trường thu các khoản như tiền học 2 buổi/ngày đối với các khối 6,7,8 là 288 ngàn đồng/năm, tiền gửi xe đạp (đối với học sinh mang xe đạp đến trường) là 180 ngàn đồng/năm. Tiền đồng phục (theo kênh tự nguyện) là 569 ngàn đồng đối với học sinh lớp 6 gồm 4 áo (1 mùa đông, 3 mùa hè), mua đồng phục áo phông cho học sinh các khối khác là 130 ngàn đồng.
Phân tích các khoản đóng góp, chúng tôi thấy các nhà trường luôn bám sát văn bản của phòng GD&ĐT trong hội nghị ngày 20/8/2013 với sự có mặt của đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố Lạng Sơn về thống nhất các khoản thu ngoài ngân sách. Tuy có trường vận dụng tối đa khung cho phép như thu quỹ hội phụ huynh học sinh, tiền dạy 2 buổi/ngày như trường Tiểu học Chi Lăng; nhưng cũng có trường chỉ áp dụng ở mức sàn như trường Tiểu học xã Quảng Lạc. Riêng Quỹ hội phụ huynh thì 3 trường nêu trên có mức thu như nhau và đều có trích tỷ lệ từ 40-45% nộp lên Ban đại diện phụ huynh học sinh của trường. Số tiền đó để chi cho hoạt động của Hội, khen thưởng học sinh sơ kết, tổng kết và chi các ngày tết thiếu nhi như Trung thu, tết Thiếu nhi 1/6… Tuy nhiên, trường Tiểu học Chi Lăng lại thu thêm tiền tết Trung thu mỗi học sinh 50 ngàn đồng, gây không ít thắc mắc cho người dân.
Theo các bậc phụ huynh, các khoản đóng góp năm nay nhẹ hơn năm học trước và có sự thống nhất ngay từ đầu, nên cho đến nay chưa phát hiện có sự lạm thu. Ông Ngô Hiền, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố cho biết, có sự thống nhất mức thu ở tất cả các nhà trường từ cấp học mầm non đến THCS, từ khu vực nông thôn đến khu nội thành nên đã tránh được tình trạng thu tùy tiện. Có quy định, các trường cũng không thể dùng hội phụ huynh học sinh làm tấm “bình phong” cho việc “lạm thu”. Tuy vậy, sắp tới Phòng GD&ĐT sẽ đi kiểm tra cụ thể từng trường, nhất là khối các trường mầm non, tiểu học khu vực nội thành. Kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp của việc chi tiêu, tránh tình trạng tùy tiện như đề ra quy định may đồng phục, lạm dụng xã hội hóa để mua sắm trang thiết bị nhằm thu vén cá nhân. Riêng loại đóng góp “xã hội hóa”, phòng GD&ĐT sẽ chấn chỉnh theo hướng hoàn toàn tự nguyện, chứ không thể ghi thành một khoản thu mang tính bắt buộc như một số trường đã làm.
Ý kiến ()