Ngành GD&ĐT: Siết chặt quản lý thu – chi
Học sinh Trường THPT Nội trú trong phòng thí nghiệm. Ảnh: BT
Quy định chi tiết thu, chi
Theo đó, trước khi bước vào năm học mới, Sở GD&ĐT đã có Công văn số 1842, ngày 31/8/2015 quy định 6 khoản như: thu chi học phí, thu tiền gửi xe đạp, các khoản thu hộ-chi hộ, kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, nguồn huy động đóng góp và tiền điện, nước, lao công, vệ sinh.
Trong 6 khoản này, có những khoản mang tính “nhạy cảm” cao đã được ngành quy định cụ thể, chi tiết. Cụ thể như khoản “thu hộ- chi hộ” bao gồm may đồng phục, phù hiệu, phô tô đề kiểm tra… được quy định rõ: đồng phục của học sinh mới, đồng phục đã cũ, rách… nhà trường phổ biến quy cách để học sinh may ngoài thị trường; nếu tập trung may phải phù hợp giá thị trường; tiền phù hiệu, phô tô đề kiểm tra không được cao hơn giá thị trường tại thời điểm. Khoản “huy động tiền đóng góp”, các cơ sở giáo dục phải lập kế hoạch, dự toán chi tiết, thông qua hội đồng nhà trường, đại diện phụ huynh, xác định mức đóng góp, niêm yết công khai 1 tuần, xin ý kiến cơ quan cấp trên. Khi thực hiện xong phải quyết toán và thông báo thu – chi rõ ràng…
Trường THCS Tam Thanh – thành phố Lạng Sơn – mô hình “Trường học công viên” của ngành GD&ĐT thành phố
Triển khai ở cơ sở
Làm việc với chúng tôi, ông Ngô Hiền, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố đưa ra một biên bản họp thống nhất các khoản thu – chi ngoài ngân sách của năm học 2015-2016 giữa lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo Phòng giáo dục, Công đoàn ngành. Biên bản này dựa trên phương án của từng trường, sự bàn bạc thống nhất giữa các bên để thực hiện trong tất cả các trường công lập trên địa bàn. Theo đó, khối mầm non gồm 6 khoản (học phí, điện- nước- lao công, đồ dùng vệ sinh- chủ điểm, quỹ hội phụ huynh, quỹ lao động- vệ sinh và khoản hỗ trợ cô nuôi). Trường thu cao nhất là 1,209 triệu đồng/năm học (Trường MN 1-6) và thấp nhất là 847 ngàn đồng (Trường MN Quảng Lạc). Khối tiểu học có số thu bình quân thấp hơn khối mầm non, song cộng thêm mức thu BHYT và bảo hiểm toàn diện học sinh, nên trung bình mỗi học sinh phải nộp 1,034 triệu đồng/năm học (Trường Tiểu học Quảng Lạc) hoặc 1,239 triệu đồng (Trường Tiểu học Mai Pha). Khối THCS tuy chưa đưa khoản thu BHYT và bảo hiểm toàn diện vào chi tiết, nhưng học sinh đã phải nộp 761 ngàn đồng (Trường THCS Quảng Lạc) hoặc 894 ngàn đồng (Trường THCS Chi Lăng).
Ý kiến người trong cuộc
Trao đổi với chúng tôi, sau khi phân tích các khoản thu, thầy giáo Vũ Hữu Sự, Hiệu trưởng Trường THCS Tam Thanh nói rằng: có những khoản “thực sự minh bạch” như tiền gửi xe đạp: thu theo quy định, chi cũng theo quy định như khấu hao tiền nhà xe, bồi dưỡng cho lực lượng bảo vệ… Tuy nhiên cũng có khoản “rất khó” như: tiền điện, nước, lao công. Hiện nay nhà trường đã có 2 công tơ tách rời giữa khu hành chính và khu học tập, song do các khối nhà liền nhau và các phòng có sự xen kẽ nên nhiều khi điện của một số phòng hành chính lại “kết nối” với vài ba phòng học. Vì vậy, nhiều khi phải dùng tiền chi thường xuyên “hỗ trợ” tiền điện khối học tập hay ngược lại. Cho chúng tôi xem tập đơn xin học thêm của khối lớp 9 và đơn xin học “tăng thời lượng” của khối lớp 6 và lớp 8, thầy Sự nói: “Đây là tự nguyện thực sự. Năm học trước toàn trường có đến 32 học sinh không tham gia, năm nay chắc còn đông hơn. Thực sự thì các thầy cô rất ngại dạy theo kiểu này, vì thấy dù có học thêm ở trường buổi chiều, nhiều em vẫn phải vội vàng ăn bát mỳ tôm để đi học thêm ở ngoài vào buổi tối”.
Ông Hoàng Văn H – phụ huynh học sinh Trường THCS Chi Lăng nói rằng: cho dù có quy định “cứng” đến đâu, thì “người ta” vẫn có chỗ “lách” để “lạm thu, chi ẩu”. Vấn đề là cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp đó. Đây chính là trách nhiệm của ngành GD&ĐT. Để khẳng định quyết tâm của ngành, Giám đốc Sở GD&ĐT nói rằng sẽ đẩy mạnh thanh, kiểm tra và xử lý triệt để. Năm học này, ngành GD&ĐT Lạng Sơn sẽ không để xảy ra tình trạng “lạm thu” như Trường THPT Đồng Đăng năm học trước.
Ý kiến ()