Ngành GD&ĐT: Giáo dục đạo đức qua phong trào “Uống nước nhớ nguồn”
LSO-Là một nội dung quan trọng của phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, trong 5 năm qua, việc chăm sóc bảo vệ di tích lịch sử văn hóa, nghĩa trang liệt sĩ, chăm sóc gia đình thương binh liệt sĩ… đã trở thành việc làm thường xuyên của các nhà trường trên địa bàn tỉnh.
Cô và Trò trường THCS Hoàng Văn Thụ, (Văn Lãng) tham quan hiện vật trưng bày tại nhà lưu niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ |
Là một trường trên quê hương anh Hoàng Văn Thụ- người chiến sĩ cộng sản kiên trung đã hiến trọn cuộc đời mình cho đất nước, thầy và trò trường THCS Hoàng Văn Thụ- xã Hoàng Văn Thụ (Văn Lãng) nhận phần việc quét dọn, chăm sóc khu lưu niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ. Cô giáo Hoàng Thị Chính, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, không chỉ là quét dọn, chăm sóc, mà các sự kiện, các hoạt động tập thể của nhà trường như tổ chức hội thi “Rung chuông vàng”, kết nạp đội viên, đoàn viên… nhà trường đều được tổ chức tại khu lưu niệm. Qua các hoạt động cụ thể của học sinh, các em được tìm hiểu một cách trực tiếp về thân thế, sự nghiệp của cha ông, qua đó nhằm bồi dưỡng lòng tự hào về quê hương đất nước.
Nhiều năm qua, việc quét dọn chăm sóc khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành nền nếp của học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh. Thầy Phương Ngọc Thuyên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, mỗi tuần vào chiều thứ bảy, lớp trực tuần bầu chọn những học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện để đến khu lưu niệm Bác Hồ dâng hương, làm vệ sinh trong khu vực khuôn viên. Được lao động ở nơi mà Bác Hồ căn dặn quân và dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn là vinh dự và tự hào của mỗi học sinh nhà trường. Hoạt động “Uống nước nhớ nguồn” đã được ngành GD&ĐT thực hiện từ lâu với các phong trào “Kế hoạch nhỏ”, phong trào giúp đỡ gia đình thương binh, liệt sĩ, phong trào “Áo lụa tặng bà”… Tuy nhiên các hoạt động này còn đơn lẻ. Từ khi thực hiện phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, các hoạt động “Uống nước nhớ nguồn” đã trở thành một trong 5 nội dung lớn mà các nhà trường thực hiện thường xuyên. Trong năm học 2012-2013, các nhà trường đã nhận chăm sóc 33/33 di tích lịch sử quốc gia, 51/51 di tích lịch sử cấp tỉnh; nhận chăm sóc bảo vệ 138 nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm. Ngoài ra còn nhận chăm sóc 22 bà mẹ Việt Nam anh hùng, trên 2500 gia đình liệt sĩ, gần 900 gia đình thương binh và trên 350 gia đình có công với cách mạng. Công tác giáo dục lịch sử, đạo đức tình cảm cho học sinh cũng được các nhà trường thay đổi phương thức bằng cách thường xuyên tổ chức các đợt tìm hiểu lịch sử truyền thống của địa phương, các tấm gương tiêu biểu của các anh hùng liệt sĩ.
Nhân các ngày truyền thống như ngày Thương binh liệt sĩ, ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày Biên phòng toàn dân, ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam… các nhà trường đã tổ chức các giờ ngoại khóa, mời các cựu chiến binh, các gia đình thương binh liệt sĩ tiêu biểu đến nói chuyện để khắc sâu tình cảm, lòng biết ơn của thế hệ trẻ đối với lớp người đi trước. Nhiều trường và Phòng GD&ĐT đã tổ chức các chuyến về Tương Mai (quận Hoàng Mai-Hà Nội) nơi đồng chí Hoàng Văn Thụ hy sinh; đi thăm Thành cổ Quảng Trị, viếng nghĩa trang liệt sĩ Quảng Trị, nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn. Những chuyến đi như vậy đã gây sự xúc động thực sự cho các em, thiết tưởng không có bài học nào mang lại hiệu quả lớn đến như vậy. Trên cơ sở các hoạt động đó, nhiều trường tổ chức phát động thi viết về các tấm gương anh hùng, gương các thương binh, gia đình liệt sĩ tiêu biểu. Những bài viết tuy còn mộc mạc đơn sơ, nhưng đã thể hiện sự trân trọng của các em đối với sự hy sinh lớn lao của các thế hệ cha anh. Cùng với các nội dung khác, việc tổ chức các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” đã làm phong phú thêm phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”ở các nhà trường. Qua đánh giá 5 năm thực hiện (2008-2013), riêng khối do phòng GD quản lý đã có 624/660 trường được xếp loại khá trở lên; trong đó có 105 trường xếp loại tốt.
Nói về hiệu quả của các hoạt động, ông Trần Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng, đây chính là các hoạt động giáo dục ngoài nhà trường đầy hiệu quả, vì kiến thức lịch sử, giáo dục đạo đức, tình cảm được bồi đắp thêm bằng kiến thức thực tế, nên nó đọng lại trong các em một cách lâu bền.
Ý kiến ()