Ngành du lịch vượt khó, nhưng chưa có sự đột phá
Năm 2014, mặc dù phải đối mặt những biến động quốc tế về chính trị, kinh tế và tình hình khó khăn trong nước, nhưng du lịch vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định và là điểm sáng trong nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, sự phát triển đó vẫn cần hướng tới bền vững và tạo ra đột phá nhằm phát huy tối đa thế mạnh ở năm 2015.
Thành tựu trong khó khăn
Du lịch Việt Nam trong năm 2014 đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Ðặc biệt là các biện pháp ứng biến kịp thời để vượt qua khó khăn khi lượng khách sụt giảm vì những diễn biến phức tạp, khó lường bởi tình hình chính trị ở khu vực và thế giới. Toàn ngành đã nỗ lực, năng động trong quá trình triển khai, thực hiện nhiệm vụ, hoàn thành các mục tiêu đề ra. Vì vậy, sau nhiều sự cố, nhất là giai đoạn đầu năm và giữa năm, khi có sự sụt giảm lượng khách do hoàn cảnh phức tạp trên Biển Ðông, song đến cuối năm 2014, du lịch Việt Nam thậm chí không những hồi phục mà còn đạt tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước (dự kiến đón 7,5 đến 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2014).
Rõ ràng, không dễ dàng để có được thành quả như vậy nếu không có những chỉ đạo vĩ mô phù hợp, đặc biệt là ở vấn đề xây dựng nhận thức làm du lịch. Năm 2014, nhận thức về du lịch đã có bước chuyển biến rõ rệt, từ chỗ coi du lịch là hoạt động nghỉ ngơi giải trí đơn thuần, đến nay Ðảng và Nhà nước xác định du lịch là một ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, phù hợp yêu cầu và xu thế phát triển của thời đại. Phần lớn các tỉnh, thành phố đã có nghị quyết, chỉ thị về phát triển du lịch. Ðại hội Ðảng bộ các cấp ở hầu hết các tỉnh, thành phố đều định hướng phát triển du lịch, coi du lịch là ngành kinh tế quan trọng hoặc mũi nhọn. Vì thế, khi gặp khó khăn, toàn bộ hệ thống vận hành ngành đều cùng thay đổi để hòa nhập và cải thiện hoàn cảnh, tìm lại sự cân bằng trong tăng trưởng.
Một thành tựu đáng kể khác của ngành công nghiệp không khói là việc dần cải thiện kết nối, tạo thành các vùng động lực phát triển du lịch cụ thể. Trong năm 2014, ngành đã tập trung khai thác, đầu tư phát huy các giá trị tài nguyên, có nhiều giải pháp để thu hút đầu tư, xây dựng sản phẩm,… và được thực hiện đồng bộ tại các địa bàn du lịch trọng điểm và góp phần hình thành rõ nét các vùng động lực phát triển của du lịch nước nhà, như khu vực Hà Nội – Quảng Ninh – Hải Phòng, Huế – Ðà Nẵng – Quảng Nam, Khánh Hòa – Lâm Ðồng, Bình Thuận – Bà Rịa – Vũng Tàu – TP Hồ Chí Minh… Quá trình liên kết giữa các địa phương đã phần nào tạo ra được những hiệu ứng lan tỏa, khẳng định thương hiệu vùng, phát huy mạnh mẽ vai trò ngành kinh tế tổng hợp, là động lực thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển. Ðây cũng là điều kiện thuận lợi để những chính sách mang tính liên kết quốc gia, như Chương trình kích cầu du lịch nội địa, với chủ đề “Người Việt Nam ưu tiên đi du lịch Việt Nam” có được thành công bước đầu trong năm 2014.
Sự đa dạng về hệ thống sản phẩm du lịch cũng như việc định vị thương hiệu du lịch Việt Nam trong năm 2014 cũng là một điểm sáng đáng ghi nhận. Quá trình phát triển, các sản phẩm du lịch đã dần được hình thành, như du lịch tham quan cảnh quan, di sản, di tích; du lịch nghỉ dưỡng biển, núi; du lịch tâm linh, lễ hội. Các sản phẩm du lịch gắn với ẩm thực Việt Nam cũng được thị trường nhìn nhận. Một số loại sản phẩm du lịch mới như du lịch thể thao – mạo hiểm, du lịch sinh thái, du lịch MICE… đều được chú trọng phát triển. Hệ thống di sản thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận liên tiếp gia tăng về số lượng. Các sản phẩm như tham quan cảnh quan vịnh Hạ Long, quần thể danh thắng Tràng An, tham quan di sản văn hóa Huế, phố cổ Hội An, di tích Mỹ Sơn; du lịch mạo hiểm khám phá hang động Phong Nha-Kẻ Bàng, du lịch nghỉ dưỡng biển Mũi Né, Phú Quốc… thu hút sự quan tâm lớn của khách du lịch trong nước và nước ngoài. Các lễ hội được tổ chức ở quy mô lớn đã trở thành các sản phẩm du lịch quan trọng như lễ hội Chùa Hương, Festival Huế, Carnaval Hạ Long, Lễ hội pháo hoa Ðà Nẵng, Festival hoa Ðà Lạt,… Các hội chợ về du lịch mang tầm quốc tế với quy mô lớn cũng được Việt Nam tổ chức thành công trong năm 2014, như Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam VITM – Hà Nội 2014; Hội chợ Du lịch Quốc tế TP Hồ Chí Minh năm 2014 (ITE – HCMC 2014).
Nhiều thách thức chưa được giải quyết
Năm 2014, ngoài những thành công đạt được, ngành du lịch vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết, nhất là hệ thống quản lý nhà nước còn nhiều bất cập. Trước hết, nhận thức xã hội về du lịch nói chung và trong quản lý nói riêng, dù có cải thiện nhưng còn khoảng cách xa với tầm nhìn phát triển; xã hội chưa thật sự ứng xử với du lịch như một ngành kinh tế cho dù trong Chỉ thị số 46/CT-BCH đã chỉ rõ: “Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao” và trong mục tiêu của Chiến lược chỉ rõ “phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Hiệu lực quản lý nhà nước về du lịch còn thấp. Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về du lịch thiếu ổn định; chưa chú trọng hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển du lịch, đặc biệt là hệ thống văn bản pháp quy hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Du lịch. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn thi hành, chiến lược, quy hoạch, các chương trình, đề án, dự án được xây dựng khá nhiều nhưng việc triển khai còn thiếu tính khả thi do thiếu nguồn lực và cơ chế phù hợp, mục tiêu còn dàn trải, chồng chéo và duy ý chí.
Sự khó khăn trong quản lý nhà nước về du lịch đã kéo theo hệ quả không tốt cho quá trình liên kết, liên ngành, liên vùng, một yếu tố vô cùng quan trọng trong việc kết nối ngành du lịch để phát triển bền vững. Thực tế, mặc dù có nhiều cải thiện nhưng ngành du lịch vẫn đang hoạt động trong bối cảnh thiếu phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ bởi các ngành liên quan. Sự liên kết giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương còn yếu trong xây dựng chính sách, dẫn đến việc phối hợp giữa các sở, ban, ngành trong từng địa phương về phát triển du lịch còn hạn chế. Trong khi đó, phối hợp liên vùng dù bắt đầu được chú ý, nhưng còn lúng túng trong nội dung, chưa rõ ràng trong phân công, phân nhiệm và giải pháp để phát triển du lịch. Mặc dù Luật Du lịch đã quy định “Nhà nước thống nhất quản lý tài nguyên du lịch”, tuy nhiên trên thực tế, ngành du lịch không quản lý trực tiếp dạng tài nguyên du lịch nào. Ðiều này dẫn tới nguy cơ tài nguyên du lịch bị khai thác bừa bãi, xuống cấp nhanh chóng do tầm nhìn ngắn hạn trong quản lý, lợi ích cục bộ giữa các địa phương, các ngành và bệnh “thành tích”, cơ chế “xin cho” trong khi “tiếng nói” của ngành du lịch không có ý nghĩa quyết định. Vì vậy, công tác bảo tồn, tôn tạo tài nguyên và bảo vệ môi trường du lịch còn nhiều bất cập, ảnh hưởng sự phát triển bền vững.
Trong bối cảnh ngành du lịch Việt Nam gặp nhiều khó khăn nội tại, nhưng vẫn phải đương đầu với vấn đề cạnh tranh giữa các điểm đến trong khu vực đang ngày càng quyết liệt. Thực tế, khoảng cách về lượng khách quốc tế giữa Việt Nam với bốn nước dẫn đầu khu vực là Ma-lai-xi-a, Thái-lan, Xin-ga-po và In-đô-nê-xi-a luôn trong khoảng từ hai đến năm lần; khoảng cách về thu nhập du lịch cùng thời kỳ luôn nằm trong khoảng từ 1,5 đến bốn lần. Nước ta thua kém các nước trong khu vực hầu hết ở những yếu tố quyết định như cơ sở hạ tầng, khả năng tiếp cận điểm đến, visa cửa khẩu, môi trường pháp lý, mức độ ưu tiên cho du lịch, lĩnh vực đào tạo…
Trong khi đó, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa được đầu tư tương xứng, kinh phí còn hạn chế, được bố trí ít và chậm. Tính đến năm 2014, ngành du lịch mới chỉ khai trương được văn phòng đại diện đầu tiên tại nước ngoài (Ki-ô-tô, Nhật Bản). Việc nghiên cứu thị trường du lịch, đặc biệt là các thị trường mới, tiềm năng còn thụ động và chưa đầy đủ. Bộ máy quản lý nhà nước về du lịch ở một số địa phương còn mỏng, chưa được củng cố, nhất là bộ phận làm công tác xúc tiến và thanh tra. Nguồn nhân lực du lịch, nhất là đội ngũ chuyên gia đầu ngành, lao động trình độ cao còn thiếu nhiều. Vai trò chủ động của các doanh nghiệp du lịch trong công tác phát triển thị trường, xây dựng sản phẩm còn hạn chế; doanh nghiệp du lịch Việt Nam mới tăng trưởng về số lượng mà chưa tương xứng chất lượng dịch vụ, chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều doanh nghiệp lữ hành chưa đủ khả năng khai thác khách tại các thị trường quốc tế. Tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch nói chung và doanh nghiệp lữ hành nói riêng ở nhiều địa phương còn hạn chế. Một số thị trường khách xuất hiện hiện tượng người nước ngoài thao túng, trực tiếp điều hành, các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, hạ giá, trốn thuế…
Cần đột phá mới
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 xác định các quan điểm phát triển phù hợp trình độ phát triển, bối cảnh và xu hướng phát triển của du lịch Việt Nam. Các phương thức đột phá mang tính chiến lược trong giai đoạn tới tập trung việc tăng cường chất lượng, gây dựng thương hiệu và tạo sức cạnh tranh cao cho du lịch Việt Nam. Tổng Cục trưởng Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết: Ngành du lịch đã báo cáo đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ ban hành một chuyên đề về phát triển du lịch nhằm khắc phục trực tiếp những điểm yếu cố hữu. Nghị quyết này ra đời sẽ là chìa khóa giải quyết các vấn đề đang gặp phải của du lịch Việt Nam.
Cụ thể, trong năm 2015, ngành du lịch nước ta cần thực hiện lần lượt, có hệ thống những vấn đề trong các nhóm giải pháp phát triển du lịch, gồm: Phát triển sản phẩm du lịch; Phát triển hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; Ðào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch; Phát triển thị trường, xúc tiến, quảng bá và phát triển thương hiệu du lịch; Ðầu tư và chính sách phát triển du lịch; Hợp tác quốc tế về du lịch và quản lý nhà nước về du lịch. Nếu xét đơn thuần chỉ tiêu về lượng khách quốc tế thì mục tiêu năm 2015 đón 8,5 đến chín triệu lượt khách đã đạt trong năm 2014 và với tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì mục tiêu đón 10,5 triệu khách quốc tế vào năm 2020 là có thể hoàn thành trước thời hạn.
Dù sao, với những thành tựu đạt được trong năm 2014, trước rất nhiều khó khăn, triển vọng tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam trong năm 2015 vẫn rất khả quan. Chúng ta hy vọng, bước đột phá mới trong năm tới sẽ đưa ngành công nghiệp không khói vươn lên mạnh mẽ.
Theo Nhandan
Ý kiến ()