Ngành du lịch nếm trải giai đoạn 'đỉnh đáy' khó khăn nhất lịch sử
Diễn biến phức tạp, kéo dài, xuất hiện biến chủng nguy hiểm và chưa có dấu hiệu được kiểm soát, có thể nói đợt dịch COVID-19 lần thứ tư đã khiến du lịch toàn cầu trong đó có Việt Nam chạm đỉnh… đáy.
Dù có gắng gượng đến mấy vẫn không thể chối bỏ sự thật là ngành du lịch đang phải trải qua giai đoạn đen tối nhất trong lịch sử. Mọi nỗ lực “chiến đấu” với COVID-19 dường như đang chạm đáy ở thời điểm này.
Những tổn thất của nền kinh tế xanh toàn cầu thật khó để đong đếm. Riêng Việt Nam, như Hè mọi năm là người dân đã tưng bừng du hí, nhưng giờ đây cả xã hội đang phải căng mình chống dịch…
Du lịch toàn cầu đứng trên “bờ vực”
Theo tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), năm 2021, đại dịch COVID-19 dự kiến sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 2,4 nghìn tỷ USD do sự sụp đổ của ngành du lịch quốc tế. Trong số đó, các nước có mức giảm GDP do sụt giảm ngành du lịch vì đại dịch COVID-19 cao nhất thế giới là Thổ Nhĩ Kỳ (-9,1%), Ecuador (-9%), Nam Phi (-,1%), Ireland (-5,9%)…
Trước đó, vào tháng 7/2020, Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cũng đã dự báo thời gian du lịch quốc tế đình trệ sẽ kéo dài từ 4-12 tháng, khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại từ 1,2-3,3 nghìn tỷ USD.
Song trên thực tế, con số thiệt hại còn khủng khiếp hơn rất nhiều, bởi thời gian đình trệ đã 15 tháng và chưa biết đến bao giờ mới kết thúc. Lượng khách du lịch quốc tế năm 2020 giảm khoảng 1 tỷ lượt khách, tương đương giảm 73% so với năm 2019. Đặc biệt, riêng quý đầu tiên năm 2021, mức giảm này đã là 88%.
Các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Đại Dương, Bắc Phi và Nam Á; những khu vực chịu ít ảnh hưởng hơn là Bắc Mỹ, Tây Âu và Caribe.
Điều gì đã khiến các quốc gia đang phát triển tổn thương nhất giữa bối cảnh nền kinh tế bị những đòn giáng chí mạng vào ngành du lịch? Câu trả lời là việc thiếu vaccine ở nhiều quốc gia, phân bổ vaccine “bất đối xứng” và điều đó khiến con số thiệt hại được dự báo có thể chiếm tới 60% GDP toàn cầu.
“Du lịch sẽ cứu hàng triệu người. Việc thúc đẩy tiêm chủng vaccine để bảo vệ cộng đồng và hỗ trợ khởi động lại an toàn du lịch là rất quan trọng cho phục hồi việc làm và tạo ra các nguồn lực cần thiết, đặc biệt ở các nước đang phát triển, nơi mà phần đông trong số đó phụ thuộc nhiều vào du lịch quốc tế,” Tổng thư ký Tổ chức Du lịch Thế giới Zurab Pololikashvili nhấn mạnh.
Việc hạn chế đi lại vì đại dịch COVID-19 khiến du lịch toàn cầu rơi vào khủng hoảng trầm trọng; trong đó châu Á-Thái Bình Dương là khu vực phải chịu thiệt hại về du lịch nặng nhất trong năm 2020, với GDP ngành giảm 53,7% (-1.645 tỷ USD), số việc làm giảm 18,4% (-34,1 triệu việc làm) so với năm 2019. Châu Âu đứng thứ 2 với GDP ngành giảm 51,4% (tương đương -1.126 tỷ USD), việc làm giảm 9,3% (-3,6 triệu việc làm).
Du lịch Việt chạm đỉnh… đáy
Những tưởng có thể lấy đà hoạt động trở lại sau đợt dịch bùng phát lần thứ ba thì cơn “siêu bão” thứ tư đã dập tắt mọi hy vọng mới le lói của những người làm du lịch Việt Nam.
Diễn biến phức tạp, kéo dài, xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm hơn và chưa có dấu hiệu được kiểm soát, có thể nói đợt dịch COVID-19 lần thứ tư đã khiến du lịch nội địa chạm đỉnh… đáy.
Số liệu thống kê từ công cụ Destination Insights của Google cho thấy từ cuối tháng Tư, khi dịch bùng phát trở lại, lượng tìm kiếm thông tin của khách du lịch nội địa đã giảm nhanh, mạnh và duy trì ở mức thấp nhất từ trước đến nay.
Số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch cũng cho thấy trong tháng 4/2021, lượng khách du lịch nội địa đạt 9 triệu lượt, nhưng đến tháng Bảy chỉ còn 0,5 triệu lượt. Đặc biệt, từ tháng Năm đến nay, nhu cầu tìm kiếm thông tin về cơ sở lưu trú du lịch cũng giảm mạnh, có lúc giảm tới gần 90% so cùng kỳ năm 2020. Vậy là tất cả đang đứng yên một chỗ, không xê dịch.
Có thể thấy, đại dịch bùng phát lần thứ 4 này đã thẳng tay hủy diệt dòng chảy du lịch nội địa đang có dấu hiệu khởi sắc hồi tháng 3-4. Tỷ lệ hủy phòng lên tới trên 90% tại các trung tâm du lịch lớn trên cả nước.
Các cơ sở lưu trú du lịch cửa đóng then cài hàng loạt, chỉ còn ít điểm phục vụ công tác cách ly, phòng chống dịch sáng đèn hay một số hoạt động cầm chừng ở những nơi dịch bệnh ít ảnh hưởng hơn.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch, tháng 4/2021 cả nước có 4,6 triệu lượt khách lưu trú thì đến tháng Sáu còn 0,9 triệu lượt và tháng Bảy chỉ là 0,3 triệu lượt.
Xu hướng đứt gãy hoạt động và sụt giảm nhu cầu tìm kiếm thông tin về hàng không từ tháng Năm đến nay cũng ở mức chạm đáy, giảm tới 85% so với cùng kỳ năm ngoái…
Những con số biết nói trên cho thấy ngành du lịch nước nhà đang phải trải qua giai đoạn khó khăn nhất từ trước tới giờ. Dịch bệnh ngày càng xuất hiện những biến chủng nguy hiểm hơn, lại không ngừng lây lan trong cộng đồng nên thậm chí các chuyên gia cũng không dám khẳng định thời điểm nào du lịch có thể thực sự hồi sinh bền vững./.
Ý kiến ()