Ngành điện xây dựng các kịch bản chủ động ứng phó với thiên tai
EVN đã yêu cầu các công ty thủy điện phải thường xuyên kiểm tra, khắc phục kịp thời các khiếm khuyết của đập, thiết bị vận hành đập trước mùa mưa lũ.
Nhân viên điện lực khẩn trương khắc phục sự cố trên lưới điện tại Quảng Ngãi hồi năm 2020. (Ảnh: Lê Ngọc Phước/TTXVN)
Tình hình sản xuất kinh doanh của ngành điện luôn bị tác động của thiên tai, bão lũ, nhất là đối với hệ thống lưới truyền tải điện và các hồ chứa thủy điện.
Vì vậy, trước mùa mưa bão năm 2021, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã xây dựng các kịch bản để chủ động ứng phó với thiên tai.
Xây dựng kịch bản ứng phó
Để chủ động ứng phó với diễn biết bất thường của thiên tai, bão lũ, EVN đã yêu cầu các công ty thủy điện phải thường xuyên kiểm tra, khắc phục kịp thời các khiếm khuyết của đập, thiết bị vận hành đập trước mùa mưa lũ.
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng và chủ đập, hồ chứa nước có liên quan, thực hiện vận hành hồ chứa bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du; đặc biệt là khi vận hành xả lũ.
Từ đó, các đơn vị rà soát, cập nhật quy chế phối hợp với địa phương và các đơn vị liên quan; chủ động giới thiệu với các cơ quan chức năng về các phương án phòng chống thiên tai, bão lũ.
Bên cạnh đó, các đơn vị cũng đề xuất, tham mưu cho Ban Chỉ đạo Trung ương, các Ban Chỉ huy địa phương phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong điều hành xả lũ hồ chứa theo quy trình liên hồ, đơn hồ.
Các công ty thủy điện lắp hệ thống cảnh báo vận hành phát điện, vận hành xả lũ phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; chuẩn bị kịch bản xả lũ theo thiết kế của hồ chứa, bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du.
Ngoài ra, nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn, tính toán xả lũ phục vụ vận hành hồ chứa thủy điện an toàn, hiệu quả.
Ông Khương Thế Anh, Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La, cho biết công ty quản lý vận hành Nhà máy Thủy điện Sơn La có công suất 2.400MW và Lai Châu với công suất 1.200MW. Đây đều là những công trình quan trọng liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia.
Vì vậy, mọi vấn đề liên quan đến phòng chống thiên tai trước mùa mưa bão đã được công ty chuẩn bị rất kỹ.
Cụ thể, công ty đã sửa chữa, bảo dưỡng những thiết bị, công trình liên quan trực tiếp đến phòng chống thiên tai bão lũ như: các tổ máy, đập tràn xả lũ, hệ thống điện tự dùng, thiết bị thông tin liên lạc, chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng thiết yếu.
Công ty cũng liên tục tập hợp các kết quả quan trắc về tình trạng đập và hồ chứa, báo cáo các cơ quan chức năng. Hoàn thiện các phương án bảo đảm an toàn đập, an toàn hạ du trong mùa mưa bão và quy chế phối hợp với các đơn vị liên quan trong lĩnh vực phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Ngoài ra, Công ty Thủy điện Sơn La đã xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống cảnh báo hạ du đập thủy điện Sơn La, Lai Châu.
Trong quá trình xả lũ, hệ thống sẽ tự động phát ra cảnh báo đến nhân dân các vùng ven sông, nắm bắt kịp thời thông tin mực nước, sự biến động của lưu lượng nước.
Đối với các đơn vị quản lý vận hành lưới điện, EVN cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, củng cố và khắc phục kịp thời những tồn tại của thiết bị, móng và cột điện, đường dây, trạm biến áp, bảo đảm vận hành an toàn lưới điện trong mùa mưa lũ.
Đặc biệt, chỉ đạo các đơn vị thành viên lập đội xung kích, sẵn sàng tham gia khắc phục hậu quả sau thiên tai khi có yêu cầu.
Bên cạnh đó, EVN cũng yêu cầu các đơn vị đánh giá lại khả năng ngập úng các trạm biến áp 110kV, 220kV, kịp thời xây dựng kế hoạch ứng phó đối với từng trạm.
Khi có bão đổ bộ, các Tổng công ty Điện lực phải tái lập các ca trực đối với các trạm biến áp không người trực; tập trung mọi phương tiện, nguồn lực khắc phục kịp thời sự cố lưới điện, không để mất điện kéo dài tại khu vực bị ảnh hưởng của thiên tai.
Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia cần tăng cường các giải pháp vận hành an toàn các đường dây 220kV, 500kV, đặc biệt là đường dây 500kV Bắc-Nam; chỉ đạo giải quyết triệt để các vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp.
Theo ông Lưu Việt Tiến, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), phương án ứng phó với thiên tai đã được EVNNPT và các đơn vị thực hiện ngay từ đầu năm. Thông thường hàng năm, các đơn vị lập phương án bao gồm: xử lý các khiếm khuyết của thiết bị trên đường dây, trạm biến áp; chuẩn bị vật tư phương tiện, lực lượng; xây dựng các kịch bản ứng phó thiên tai, phương án đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống. Trong đó, các đơn vị cũng tính đến những tình huống cực đoan như: sự cố gãy đổ cột điện 220kV và 500kV của hệ thống 500kV Bắc-Nam.
Các công ty truyền tải điện chuẩn bị vật tư, cột dự phòng có kết cấu tương tự, chuẩn bị nhân lực sẵn sàng khắc phục ngay, nếu sự cố xảy ra.
Bảo đảm an toàn hành lang lưới điện
Ông Phạm Hồng Long, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Trưởng ban An toàn EVN, cho biết những năm qua, ngay sau khi xảy ra thiên tai, bão lũ, các đơn vị thuộc tập đoàn đã tổ chức thống kê thiệt hại, đồng thời chủ động thuê các đơn vị xây lắp theo phương án hàng năm, kịp thời khắc phục hậu quả sau thiên tai.
Những đơn vị không bị ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng ít cũng nhanh chóng, kịp thời, tích cực hỗ trợ về người cũng như phương tiện để các đơn vị bị thiệt hại nặng nhanh chóng khôi phục lại lưới điện.
Các đơn vị điện lực cũng cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, nhanh chóng khôi phục cấp điện trở lại cho các khách hàng.
Cắt tỉa cây trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện tại xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)
Tuy nhiên, để việc phòng chống thiên tai năm nay đạt được hiệu quả cao, ngoài các mô hình hỗ trợ trên, theo ông Phạm Hồng Long, chính quyền các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với ngành điện trong việc vận động người dân chặt tỉa cây xanh, phát quang hành lang tuyến đường dây trong đô thị trước mùa mưa bão.
Cùng với đó, hỗ trợ, phối hợp tuyên truyền bảo vệ tài sản của ngành điện, bảo vệ hành lang an toàn lưới điện; phối hợp trên địa bàn tuyên truyền, hướng dẫn, cảnh báo người dân sử dụng điện an toàn trong mùa mưa bão, đặc biệt việc kiểm tra các thiết bị sử dụng điện trong quá trình khôi phục cấp điện trở lại sau bão hoặc khu vực ngập sâu trước khi sử dụng lại.
Ngoài ra, xây dựng mạng lưới thông tin giao thông, ngập úng; thông tin thời tiết, khí tượng thủy văn cung cấp cho các đơn vị liên quan trên địa bàn phục vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Ông Phạm Hồng Long cũng kiến nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh thiết lập, quản lý hành lang thoát lũ của các hồ chứa và thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn đập, hồ chứa theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai, quản lý an toàn đập, hồ chứa; đồng thời kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét ban hành điều chỉnh phân vùng áp lực gió trong QCVN 02:2009/BXD và TCVN 2737-1995 phù hợp với diễn biến thời tiết bất thường do biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra./.
Ý kiến ()