Ngành dệt may trên hành trình chinh phục thị trường trong nước
Khách hàng mua sản phẩm dệt may tại một trung tâm thời trang trên phố Bà Triệu (Hà Nội).
Sức ép từ “đại gia” ngoại
Cuộc “đổ bộ” của những ông lớn trong lĩnh vực thời trang hàng đầu thế giới vào thị trường Việt Nam trong thời gian qua đã mang về doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm khiến không ít DN dệt may trong nước phải “giật mình” và rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu về chiến lược kinh doanh. Cụ thể, từ khi gia nhập thị trường Việt Nam vào tháng 9-2016 đến nay, doanh thu của Zara Việt Nam đã không ngừng tăng cao, từ mức đạt 321 tỷ đồng (trung bình đạt doanh thu 2,8 tỷ đồng/ngày) sau bốn tháng hoạt động đã tăng lên hơn 1.100 tỷ đồng năm 2017. Năm 2018, dự kiến doanh thu của hãng này tại Việt Nam đạt khoảng 100 triệu USD, tương đương 2.300 tỷ đồng. Tương tự, hãng thời trang Hennes & Mauritz AB (H&M) có trụ sở đặt tại Thụy Ðiển chính thức ra mắt thị trường Việt Nam vào tháng 9-2017, sau hơn một năm kinh doanh tại Việt Nam, H&M đã có sáu cửa hàng đặt tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Cùng với những dòng sản phẩm cơ bản được ưa chuộng, H&M có thế mạnh về mẫu mã, với những bộ thiết kế mới. Ði cùng trang phục, H&M còn bán các phụ kiện, với mức giá vừa phải. Ngoài ra, H&M còn sản xuất, kinh doanh các sản phẩm kết hợp với các nhà thiết kế danh tiếng như Karl Lagerfeld, Balmain (Thụy Ðiển) hoặc bắt tay với GP & J Baker (thương hiệu nổi tiếng về vải dệt và họa tiết in ấn đến từ Vương quốc Anh). H&M không tiết lộ kết quả kinh doanh tại Việt Nam, nhưng đánh giá Việt Nam là thị trường hấp dẫn và đầy tiềm năng cho những hãng bán lẻ thời trang. Sau Zara, H&M, Uniqlo – thương hiệu thời trang nổi tiếng của Nhật Bản cũng đang chuẩn bị đổ bộ vào thị trường Việt Nam trong thời gian tới đã cho thấy sức hấp dẫn của thời trang nước ngoài đối với các tín đồ thời trang Việt.
Không chịu lép vế trước cuộc chơi, đặc biệt với vị thế là một trong những quốc gia hàng đầu về làm hàng dệt may xuất khẩu, thời gian qua, các DN dệt may trong nước đã không ngừng đầu tư trang thiết bị, cải tiến mẫu mã nhằm gia tăng thị phần, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN. Ðến nay đã có những thương hiệu dệt may trong nước được người tiêu dùng đón nhận như: May 10, Việt Tiến,… Ðánh giá về vấn đề này, Trưởng phòng ma-két-tinh Tổng công ty May 10 Bùi Ðức Thắng khẳng định, thị trường thời trang Việt Nam đang có những bước chuyển mình tích cực, không chỉ thể hiện bằng những bước đột phá trong thiết kế mà cả trong tư duy thời trang của khách hàng. Nắm bắt được nhu cầu này, các hãng thời trang nước ngoài như H&M, Zara, Uniqlo đang mở rộng ảnh hưởng và từng bước tiếp cận thị trường Việt Nam bằng nhiều cách thức khác nhau. Ðây là dịp để các DN dệt may trong nước nhìn nhận, đánh giá vấn đề một cách khoa học dựa trên phản ứng của thị trường đối với các nhãn hiệu này để từ đó có những điều chỉnh phù hợp cả về chiến lược sản phẩm, cách thức tiếp cận và phục vụ khách hàng.
Riêng May 10, với lợi thế về mạng lưới phân phối, nguồn lực và chi phí,… DN có thể cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu thời trang quốc tế. Gần đây May 10 đưa ra nhiều sản phẩm thời trang đa phong cách, chủng loại phong phú với nhiều chất liệu, kiểu dáng theo xu thế của thời trang Việt Nam và quốc tế. Có thể kể ra một số dòng sản phẩm thời trang cao cấp như Eternity GrusZ, May10 M series, áo dài cách tân hay dòng sản phẩm ECO là một trong những dòng sản phẩm mới mang đặc trưng riêng, gần gũi với thiên nhiên,… không gây hại cho môi trường và người sử dụng. Tương tự, May Chiến Thắng cho ra dòng sản phẩm thời trang Padu hay Tổng công ty Ðức Giang cho ra thương hiệu thời trang HeraDG, Paul Downer, DGC, Dugarco Collection,…
Tăng tỷ lệ nội địa hóa
Trước những vấn đề đặt ra trong thời gian tới, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường khẳng định, muốn mở rộng thị phần và phát triển thị trường trong nước cần tính toán kỹ lưỡng cùng bước đi thích hợp, phù hợp năng lực hệ thống phân phối. Thấy DN nước ngoài làm được, chúng ta cũng đầu tư, phát triển ồ ạt thì sẽ không mang lại hiệu quả. Các DN nước ngoài có thế mạnh về tài chính, nguồn nhân lực, phương thức quản trị hiện đại,… Việc mở một vài điểm phân phối mới ở Việt Nam cũng không làm phát sinh thêm bộ máy thiết kế mà chỉ mất tiền thuê cửa hàng, nhân lực bán. Chính vì vậy, họ sẵn sàng bán với giá thấp để người tiêu dùng quen và nhớ tới sản phẩm của hãng đã là thành công. Trong khi các DN trong nước muốn mở được một cửa hàng sẽ tốn kém đủ thứ từ tiền thuê hạ tầng, chi phí đào tạo, thiết kế,… Nếu mở cửa hàng mới ồ ạt, phát triển quá nóng, hàng sản xuất không bảo đảm, phải nhập thêm hàng ngoài “độn” vào để bán. Lúc đó, rất dễ mất uy tín, mất khách hàng. Thị trường trong nước chắc chắn quan trọng nhưng chúng ta phải “lựa cơm gắp mắm”.
Những năm qua, ngành dệt may Việt Nam luôn tự hào là một trong ba cường quốc hàng đầu về xuất khẩu hàng dệt may trên thế giới. Tuy nhiên, tại thị trường trong nước, các DN lại “bỏ trống” sân nhà và nhường đất cho các hãng thời trang nước ngoài. Ý thức về vấn đề nêu trên, vài năm trở lại đây, các DN trong nước đã không ngừng đầu tư, cải tiến kỹ thuật, tăng cường chế tạo mẫu nhằm nâng cao giá trị gia tăng trên mỗi sản phẩm. Ðề cập vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Ðức Giang cho biết, hiện, Việt Nam có 158 thương hiệu may mặc trong nước, hầu hết các DN đều ý thức được việc mang thương hiệu, bao bì của mình,… vào các sản phẩm và không bị phụ thuộc vào các thương hiệu nước ngoài. Ngành dệt may Việt Nam cũng đang từng bước nâng tỷ lệ nội địa hóa cũng như chú trọng phát triển thị trường trong nước. Trong đó, phải kể đến các chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hay các chương trình đưa sản phẩm dệt may vào khu công nghiệp. Ðồng thời, chủ động được chiến lược phát triển, kêu gọi đầu tư từ các DN dệt trong nước và các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào phần cung mà Việt Nam đang thiếu hụt. Mặt khác, đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn lực để đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, dây chuyền sản xuất từ sợi, dệt nhuộm, may,… nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và nhanh của ngành thời trang trong nước và quốc tế.
Tương tự, đại diện của Vinatex cho biết, Tập đoàn đã và đang tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” bằng những hành động thiết thực. Không chỉ kêu gọi các đơn vị thành viên cùng tham gia hưởng ứng, có những chiến lược lâu dài tại thị trường nội địa. Vinatex còn trực tiếp ký kết với các tập đoàn, tổng công ty trong việc hỗ trợ, sử dụng các sản phẩm của nhau. Với sự nỗ lực nêu trên, tổng doanh thu nội địa toàn Tập đoàn năm 2018 đạt hơn 12.638 tỷ đồng, tăng 22,58% so với năm 2017. Tuy nhiên, để các sản phẩm dệt may thật sự đi vào lòng dân cần sự quan tâm, hỗ trợ của các bộ, ngành có liên quan. Ðặc biệt là việc tháo gỡ khó khăn trong các thủ tục xuất khập khẩu hay các quy định của pháp luật đang kiềm chế sự phát triển của ngành như: cần giảm bớt thủ tục hành chính, quy tắc, quy định rườm rà về đấu thầu để các DN dễ kết nối, sử dụng sản phẩm của nhau; có ưu đãi về phí, thuế như thuế nhập khẩu, thuế thu nhập DN, thuế tài nguyên.
Theo Nhandan
Ý kiến ()