Ngành dệt may giành thị phần trong nước
Lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm tại Trung tâm thời trang Vinatex – Hà Nội.
Trong những năm gần đây, hàng loạt các hãng thời trang nổi tiếng trên thế giới như Versace, H&M, Zara,… đã thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường Việt Nam với sự đa dạng về mẫu mã, chủng loại nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu, các doanh nghiệp (DN) dệt may trong nước đã đầu tư công nghệ, nghiên cứu phát triển sản phẩm với quyết tâm giành lại thị phần trong nước, tránh bị thua thiệt ngay trên “sân nhà”.
Cạnh tranh bằng sự khác biệt
Nhắc đến câu chuyện phát triển sản phẩm, giành lại thị trường trong nước, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đức Giang (Dugaco) Phạm Thanh Tùng không giấu được vẻ tự hào. Theo đó, trước sự “lấn sân” của các đối thủ nước ngoài, với vai trò là một trong những DN hàng đầu ngành dệt may Việt Nam, Dugaco quyết tâm nghiên cứu, đem các thương hiệu thời trang đến với đông đảo người tiêu dùng nội địa. Từ năm 2016 Dugaco đã xây dựng một Trung tâm thời trang theo mô hình tập trung khép kín, từ thiết kế, may mẫu, sản xuất và phân phối nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, cạnh tranh và có sự khác biệt, đến nay Dugaco đã đưa ra thị trường những thương hiệu thời trang có uy tín như Paul Downer, DGC, S.Pearl, HeraDG, Forever Young,… Bên cạnh đó, với gần 200 trung tâm thời trang, cửa hàng bày bán sản phẩm trên toàn quốc cùng sự đa dạng về mẫu mã, chủng loại phù hợp các đối tượng, đã đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Trong tháng 4 và tháng 6 vừa qua, tổng công ty đã cho ra đời chuỗi cửa hàng may đo véc-tông do Tập đoàn Sumikin chuyển giao công nghệ theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Với chất lượng và uy tín, Dugaco đã được nhiều khách hàng công sở tin tưởng, lựa chọn là nhà cung cấp đồng phục văn phòng như: Liên Việt Post Bank, Kho bạc Nhà nước, Tòa án nhân dân TP Hà Nội, Vingroup, Agribank, Vietinbank,… Với những tín hiệu vui đó, việc “cán đích” hơn 500 tỷ đồng doanh thu nội địa năm 2018 của tổng công ty đề ra hoàn toàn trong tầm tay.
Theo lãnh đạo Công ty cổ phần may Chiến Thắng, sau hơn 20 năm làm gia công cho các thương hiệu nước ngoài, đến nay may Chiến Thắng đã đầu tư và cho ra thương hiệu thời trang mang tên Padu. Với các tiêu chuẩn kỹ thuật công nghệ hiện đại, chuẩn xác tuyệt đối và đạt chất lượng tốt, Padu phục vụ cho cả đối tượng nam, nữ và trẻ em. Đơn cử, sản phẩm áo giắc-két của Padu rất được ưa chuộng dù mới ở giai đoạn thử nghiệm, được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong 5 năm tới để 5 năm tiếp theo sẽ mở rộng thị trường sang các nước trong khu vực và thế giới. Mặc dù chất lượng ngang hàng xuất khẩu châu Âu nhưng giá bán của Padu chỉ bằng một nửa. Một chiếc áo giắc-két thương hiệu Zara có giá 2,5 triệu đồng nhưng của Padu chỉ có giá 1,2 triệu đồng. Ngoài việc phục vụ khách hàng nội địa và xuất khẩu, thương hiệu Padu minh chứng dệt may Việt Nam đã đến giai đoạn có thể làm theo phương thức ODM (tự thiết kế, sản xuất, bán sản phẩm), chào hàng khách nước ngoài bằng mẫu tự thiết kế, sản xuất, tạo giá trị gia tăng cao.
Mở rộng hệ thống bán lẻ
Hàng loạt các công ty thành viên của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) như: May 10, Việt Tiến, Nhà Bè,… cũng tăng cường đầu tư, nghiên cứu thiết kế nhằm đưa ra thị trường những sản phẩm mang thương hiệu riêng. Mới đây, Vinatex đã khai trương trung tâm thời trang quy mô sáu tầng, diện tích trưng bày hơn 2.500 m2. Các nhóm hàng được sắp xếp theo từng tầng cụ thể và quy tụ những thương hiệu thời trang uy tín, nổi tiếng trong nước như Việt Tiến, Hòa Thọ, Nhà Bè, Việt Thắng, Tân Phú,… thu hút sự quan tâm của đông đảo khách hàng. Đại diện Vinatex cho biết, sau hai tháng hoạt động thử nghiệm, doanh thu của Trung tâm đã đạt hơn 19 tỷ đồng. Việc đưa trung tâm thời trang vào hoạt động đã thể hiện ý chí của Vinatex trong phát triển và chiếm lĩnh thị trường nội địa. Theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), với số dân gần 100 triệu người, mức tiêu dùng hàng dệt may hiện nay chiếm khoảng từ 5 đến 6% chi tiêu của người dân, tương đương khoảng từ 3,5 đến 4 tỷ USD, cho thấy đây là thị trường rất tiềm năng đối với các DN nội địa. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng đối với hàng dệt may trong nước đang ở mức thấp, nhưng muốn tăng thị phần từ 10 đến 30% trên thị trường lại gần như “bất khả thi” đối với DN trong nước. Vì trên thị trường hiện nay, vẫn bày bán tràn lan hàng lậu, hàng nhái, hàng giả, thậm chí còn gắn mác là hàng Việt, hàng hiệu và nhiều người tiêu dùng không phát hiện được cho nên vẫn lựa chọn sử dụng.
Đại diện của Tổng công ty May 10 cho biết, hàng loạt trung tâm thời trang mang thương hiệu May 10 đã được hình thành theo tiêu chí: thời trang châu Âu, công nghệ Nhật Bản, tiện dụng Mỹ và giá cả Việt Nam, mang đậm phong cách Việt. Ngoài việc duy trì hơn 200 cửa hàng, đại lý trên toàn quốc, tổng công ty tiếp tục đầu tư, nâng cấp và mở rộng các cửa hàng, trung tâm thời trang có quy mô từ 200 đến 300 m2 cùng với hàng trăm mẫu mã sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách hàng. Tương tự, các tổng công ty như may Việt Tiến, Nhà Bè, Việt Thắng… cũng xây dựng chiến lược riêng của mình nhằm mở rộng hệ thống bán lẻ trên toàn quốc để gia tăng thị phần.
Theo đánh giá của đại diện lãnh đạo Vinatex, phần lớn các DN mới tập trung phát triển các cửa hàng, đại lý ở đô thị, thành phố lớn, chưa thật sự chú trọng đầu tư thị trường nông thôn. Vì thế, Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị thành viên đầu tư nghiên cứu, tạo ra những dòng sản phẩm như khăn, vải, áo sơ-mi,… với giá bán phù hợp nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng nông thôn. Có thể thấy, với thế mạnh về làm hàng xuất khẩu và đứng trong tốp 3 quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu dệt may nhưng thời gian qua các DN dệt may vẫn chưa phát triển thị trường trong nước như kỳ vọng. Do đó, các DN cần đổi mới cả về phương thức quản lý lẫn máy móc, thiết bị và bảo đảm về chất lượng hàng hóa, giá cả sản phẩm. Đồng thời, chủ động từ nguyên phụ liệu đến đội ngũ lao động có tay nghề giỏi; tập trung đẩy mạnh khâu thiết kế thời trang, xây dựng thương hiệu và tích cực mở rộng hệ thống bán lẻ nhằm chiếm lĩnh thị phần và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường nội địa.
Theo Nhandan
Ý kiến ()