Ngành Dầu khí cần tập trung khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất và phát triển bền vững
Đó là phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương tập thể lãnh đạo, người lao động ngành Dầu khí nói chung, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam nói riêng trong việc đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2017. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng thẳng thắn phân tích nhiều mặt còn hạn chế, yếu kém; chia sẻ với những khó khăn đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, việc thực hiện các kế hoạch phát triển của Tập đoàn.
Phân tích những thuận lợi và khó khăn năm 2018, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, năm 2018 là năm bản lề, có ý nghĩa quyết định đối với việc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của thời kỳ 2016-2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra. Do đó, ngành Dầu khí đang đứng trước yêu cầu hết sức nặng nề, đó là vừa nhanh chóng khắc phục hiệu quả những hạn chế, sai phạm thời gian trước, đồng thời đẩy mạnh tái cấu trúc toàn diện, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển những lĩnh vực cốt lõi, xứng đáng vị thế của một trong những Tập đoàn trụ cột trong phát triển kinh tế – xã hội.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23/07/2015 của Bộ Chính trị và các Quyết định, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện có hiệu quả mục tiêu của Chiến lược Phát triển Ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 là “Phát triển ngành Dầu khí thành ngành kinh tế – kỹ thuật quan trọng, then chốt, hoàn chỉnh, đồng bộ, bao gồm tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tồn trữ, phân phối, dịch vụ và xuất nhập khẩu; góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển ngành Dầu khí; xây dựng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các doanh nghiệp hoạt động trong ngành Dầu khí có tiềm lực mạnh về tài chính và khoa học công nghệ, có sức cạnh tranh cao, chủ động tích cực hội nhập quốc tế”.
Phó Thủ tướng yêu cầu, PVN cần triển khai thực hiện có hiệu quả 08 nhóm giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1008/QĐ- TTg ngày 12/7/2017 về kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đến năm 2020. Trước mắt, cần nhanh chóng ổn định tổ chức, tư tưởng của người lao động trong toàn Tập đoàn, từ đó tạo sự đoàn kết, quyết tâm trong mọi cán bộ, người lao động để hoàn thành thắng lợi mọi chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. “Hơn lúc nào hết, Tập đoàn cần hết sức lưu ý quan tâm đảm bảo đời sống, quyền, lợi ích của người lao động” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải tập trung toàn lực cho việc tái cơ cấu toàn diện bộ máy quản lý từ công ty mẹ đến các đơn vị thành viên theo hướng tinh gọn, hiệu quả, phát huy truyền thống ngành Dầu khí, đặc biệt là tinh thần đoàn kết nhất trí, dám nghĩ dám làm; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, lãnh đạo điều hành doanh nghiệp. Tập trung nguồn lực để chỉ đạo xử lý các tồn tại của 05 dự án khó khăn, yếu kém: Dự án Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất và 03 Nhà máy nhiên liệu sinh học. Đồng thời, xây dựng các giải pháp để thu hút vốn đầu tư để phát triển ngành Dầu khí như FDI, DDI, vốn của các thành phần kinh tế đầu tư vào các dự án của Tập đoàn.
PVN phải có giải pháp đẩy mạnh việc tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu, khí; đẩy mạnh các dự án khai thác khí quan trọng (Khí Lô B, Cá Voi Xanh); đẩy nhanh tiến độ các dự án còn chậm so với yêu cầu (Dự án nâng cấp mở rộng công suất Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, dự án Lọc hoá dầu Nghi Sơn, dự án Tổ hợp hoá dầu Miền Nam, dự án đường ống dẫn khí Lô B- Ô Môn, các dự án nhiệt điện: Vũng Áng 1, Thái Bình 2, Long Phú 1, Sông Hậu 1…); chuẩn bị các dự án nhiệt điện; kho chứa khí hóa lỏng; cùng với các đối tác xử lý vướng mắc của nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn… Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đặc biệt, có giải pháp khả thi để sớm ứng dụng công nghệ 4.0 vào phát triển ngành dầu khí, phục vụ phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên, môi trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Thay mặt tập thể lãnh đạo, người lao động PVN, Chủ tịch HĐTV PVN Trần Sỹ Thanh tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và khẳng định “sẽ chỉ đạo xây dựng Chương trình hành động thực hiện thành công các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng”. Đồng chí Trần Sỹ Thanh tin rằng giai đoạn khủng hoảng của Tập đoàn sẽ sớm khép lại để mở ra những cơ hội mới, vận hội mới cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vực dậy và phát triển bền vững, lấy lại niềm tin của Đảng, Chính phủ và đồng bào cả nước.
Chủ tịch HĐTV PVN Trần Sỹ Thanh đã kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, công nhân viên, người lao động Dầu khí phát huy cao nhất tinh thần “Đoàn kết – Bản lĩnh – Đổi mới – Chuyên nghiệp”, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2018.
Tại hội nghị, 13 tập thể, cá nhân tiêu biểu trên các lĩnh vực khai thác dầu thô; cổ phần hóa doanh nghiệp; hiệu quả sản xuất kinh doanh; quản trị doanh nghiệp đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tôn vinh vì có những thành tích xuất sắc trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp.
Theo dangcongsan
Ý kiến ()