Ngành dân số Lạng Sơn: 60 năm xây dựng và phát triển
– Trải qua 60 năm (1961 – 2021) xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền, cùng với cả nước, công tác dân số trên địa bàn đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước nói chung, của Lạng Sơn nói riêng.
Là một tỉnh miền núi biên giới, cùng với cả nước, công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) của tỉnh đã trải qua những chặng đường đầy thăng trầm nhưng đầy tự hào với sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số từ tỉnh đến cơ sở.
Tiểu phẩm tuyên truyền về công tác DS-KHHGĐ trong Hội thi Liên hoan tuyên truyền viên dân số năm 2021
Ngay từ những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, mặc dù trong lúc đất nước còn bị chia cắt làm 2 miền nhưng công tác DS-KHHGĐ đã được Đảng và Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo với việc ban hành Quyết định 216-CP ngày 26/12/1961 của Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) về việc sinh đẻ có hướng dẫn. Sau khi đất nước thống nhất, chính sách dân số vẫn nhằm mục tiêu chủ yếu là giảm sinh và được triển khai trên toàn quốc.
Giai đoạn 1992 – 2016, công tác dân số trên địa bàn đã có sự chuyển biến toàn diện về chất và lượng. Năm 1993, bộ máy chuyên trách tỉnh Lạng Sơn thành lập riêng biệt trực thuộc UBND tỉnh, là bộ phận thường trực của BCĐ công tác DS-KHHGĐ tỉnh. Đến tháng 6/2008, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh được thành lập trực thuộc Sở Y tế và thành lập Trung tâm DS-KHHGĐ tại 11 huyện, thành phố trên địa bàn.
Giai đoạn 2017 – 2020, công tác dân số trên địa bàn tiếp tục được tăng cường và dần chuyển đổi mục tiêu từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển theo Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, được Lạng Sơn cụ thể hóa bằng Kế hoạch số 51-KH/TU ngày 26/01/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Năm 2018, tổ chức, bộ máy và nhân lực thực hiện công tác DS-KHHGĐ được kiện toàn với việc sáp nhập 11 trung tâm DS-KHHGĐ vào trung tâm y tế các huyện, thành phố.
Hiện nay, toàn tỉnh có gần 2.000 cán bộ trực tiếp làm công tác DS-KHHGĐ, trong đó, có 1.705 nhân viên y tế – dân số thôn, bản, tổ dân phố – đó là “những cánh tay nối dài”, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để đưa công tác truyền thông và cung cấp các dịch vụ dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình có chất lượng đến người dân.
Kết quả, năm 2020, tổng tỷ suất sinh là 2,19 con (tiệm cận với mức sinh thay thế và là tỉnh có mức sinh thấp nhất trong 33 tỉnh có mức sinh cao; bước đầu kiểm soát được sự chênh lệch tỉ số giới tính khi sinh ở mức 115,2 trẻ em trai/100 trẻ em gái (năm 2021, tỷ số giới tính khi sinh là 114,6 trẻ trai/100 trẻ gái). Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh, tỉ lệ trẻ em được sàng lọc sơ sinh năm 2020 trên 50% tổng số trẻ em sinh ra; tỉ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt trên 60%. Tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ đạt 94,1%.
Có được những kết quả trên, giải pháp quan trọng nhất chính là đẩy mạnh, đa dạng công tác truyền thông, giáo dục để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về công tác DS-KHHGĐ.
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Bắc Sơn lấy mẫu máu gót chân cho trẻ sơ sinh
Ông Nguyễn Quang Bằng, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: Thời gian qua, công tác tuyên truyền được triển khai đến người dân bằng nhiều hình thức phong phú, dễ hiểu và phù hợp với nhiều nhóm đối tượng. Nội dung tuyên truyền chủ yếu tập trung vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân số trong giai đoạn mới, những vấn đề dân số nổi cộm hiện nay như: chất lượng dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh, sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên… Các hình thức tuyên truyền luôn được cải tiến và đa dạng hóa nhằm đạt hiệu quả ngày càng cao.
Bên cạnh đó, đơn vị tiếp tục triển khai các giải pháp toàn diện, đồng bộ nhằm giải quyết các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Với những kết quả đạt được, từ năm 1998 đến 2000, 3 năm liền Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Lạng Sơn vinh dự đón nhận bằng khen của Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam về các thành tích trong nhiệm vụ được giao; từ năm 2011 đến năm 2020, đơn vị được nhận 5 bằng khen của Bộ Y tế và 3 bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ công tác, các đề án mà ngành triển khai. Cùng với đó, trong năm 2018 và 2019, Chi cục DS-KHHGĐ đã đón nhận cờ thi đua của Bộ Y tế cho đơn vị có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước…
Ông Phan Lạc Hoài Thanh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Trong thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo Chi cục DS-KHHGĐ tập trung mọi nguồn lực, quyết tâm thực hiện mục tiêu đưa nhanh mức sinh chung của toàn tỉnh về mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ) và duy trì mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con vào năm 2030, giảm chênh lệch tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giữa các huyện, thành phố; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức 112 trẻ trai/100 trẻ gái vào năm 2025 và dưới 109 trẻ trai/100 trẻ gái vào năm 2030; tận dụng hiệu quả cơ cấu “dân số vàng”; thích ứng với “già hoá dân số”; nâng cao chất lượng dân số, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
TRIỆU THÀNH
Ý kiến ()