Ngành dân số: Đảm bảo hậu cần cung cấp các phương tiện tránh thai
– Thời gian qua, ngành dân số tỉnh luôn thực hiện tốt công tác đảm bảo cung cấp các phương tiện tránh thai, kế hoạch hóa gia đình (PTTT/KHHGĐ) đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, nhất là đối với người dân tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có mức sinh và tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên cao.
Trong 5 năm trở lại đây, thực hiện Đề án “Xã hội hóa cung ứng PTTT và dịch vụ KHHGĐ/sức khỏe sinh sản tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển” (gọi tắt là Đề án 818), người dân Lạng Sơn đã chuyển từ hình thức sử dụng miễn phí các sản phẩm, PTTT sang hình thức tự chi trả phù hợp với điều kiện của từng người.
Cán bộ Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh kiểm tra PTTT tại kho chứa
Để đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu sử dụng các PTTT của người dân, thời gian qua, ngành dân số trong tỉnh luôn chú trọng công tác đảm bảo hậu cần PTTT. Ông Nguyễn Quang Bằng, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: Để đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân về số lượng, chủng loại và chất lượng các PTTT, chi cục đã chỉ đạo ngành dân số các huyện, thành phố chú trọng truyền thông và cung cấp PTTT cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn. Hằng quý, tùy theo số lượng đăng ký của các huyện, chi cục sẽ đăng ký với Tổng cục DS-KHHGĐ để tiếp nhận các sản phẩm, PTTT. Các sản phẩm, PTTT đều đảm bảo đủ cung cấp cho người dân, hạn chế tối đa tình trạng thiếu, thừa PTTT tại các thôn, xã.
Được biết, mạng lưới cung cấp PTTT gồm các kênh chính: kênh phân phối hàng hóa qua hệ thống dân số, các cơ sở y tế công lập từ tỉnh đến huyện, xã, cộng tác viên dân số thôn bản và kênh phân phối thông qua hệ thống cơ sở y tế ngoài công lập, doanh nghiệp, nhà thuốc. Các kênh cung cấp đều thuận tiện, phong phú và dễ tiếp cận. Chị Trần Thị Huyền Trang, cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã Lương Năng, huyện Văn Quan cho biết: Để tư vấn và tiếp thị các sản phẩm, PTTT đáp ứng nhu cầu của người dân, hằng tháng, tôi chủ động đăng ký số lượng PTTT với Phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện để phân phối đến các thôn. Để phục vụ nhanh nhất cho người dân, đội ngũ cộng tác viên dân số tại thôn, xã còn chủ động giao hàng đến tận nhà, tận tay cho người dân có nhu cầu.
Để việc phân phối được thực hiện hiệu quả, giai đoạn 2016 – 2021, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã phối hợp với Ban Quản lý Đề án 818 Trung ương và các công ty cung ứng sản phẩm cho Đề án 818 tổ chức 16 lớp tập huấn cung cấp kiến thức, kỹ năng phân phối sản phẩm cho đội ngũ cán bộ quản lý tuyến huyện, cán bộ chuyên trách xã và cộng tác viên dân số trên địa bàn tỉnh với trên 1.000 người tham gia. Thông qua lớp tập huấn, đội ngũ làm công tác dân số ở cơ sở đã trang bị được kỹ năng tuyên truyền, tư vấn các PTTT phù hợp với nhu cầu của từng người.
Bên cạnh việc phân phối, công tác bảo quản các PTTT cũng được quan tâm thực hiện. Theo đó, tại tuyến tỉnh hiện có 2 nhà kho chứa PTTT có tổng diện tích 45 m2 được trang bị máy lạnh, máy hút ẩm, quạt, giá kệ, nhiệt kế… Còn tại cấp huyện, các kho chứa PTTT cũng cơ bản đáp ứng đủ điều kiện về phương tiện bảo quản, nhiệt độ, độ ẩm… giúp các sản phẩm, PTTT được bảo quản, tránh bị hư hỏng.
Nhờ thực hiện tốt công tác đảm bảo hậu cần PTTT, tỷ lệ sử dụng các PTTT trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đều đạt kết quả cao. Theo số liệu của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, bình quân 5 năm qua, có trên 100.000 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, chiếm gần 80% tổng số các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ.
Cũng trong 5 năm qua, ngành y tế đã thu và nộp về Ban quản lý Đề án 818 Trung ương tổng số tiền trên 3,5 tỷ đồng từ thực hiện Đề án 818 (trong đó gần 80% số tiền là từ xã hội hóa các PTTT). Với kết quả này, Lạng Sơn được Ban Quản lý Đề án 818 Trung ương đánh giá là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về doanh số bán hàng.
Việc bảo đảm hậu cần cung cấp các PTTT cho người dân trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng công tác KHHGĐ trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến ()