Ngành công thương tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Lạng Sơn
– Sáng 9/1, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ngành công thương năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành dự và chỉ đạo hội nghị.
Dự hội nghị tại điểm cầu Lạng Sơn có đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Năm 2021, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành công thương đã chủ động, sáng tạo triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Để thực hiện tốt ”mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế – xã hội, ngành công thương đã tập trung tham mưu và triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp như: đảm bảo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; xử lý kịp thời các vấn đề nóng, vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất.
Cùng đó, ngành tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại và xuất khẩu qua các nền tảng số; tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, ngành hàng tham gia các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới; xử lý kịp thời các vướng mắc trong lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, giải tỏa kịp thời những ách tắc tại các cửa khẩu, bến cảng nhằm duy trì hoạt động xuất, nhập khẩu…
Qua đó, quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,8%; giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,82%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước 3,36%. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 336,25 tỷ USD, tăng 19%, vượt chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao; đảm bảo cân đối cung cầu, đặc biệt là cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu trong vùng dịch; thương mại điện tử đã trở thành phương thức phân phối chủ yếu, an toàn với doanh thu đạt đạt 13,7 tỷ USD, thuộc nhóm 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng về thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Sở Công Thương đã bám sát chỉ đạo của trung ương, của tỉnh, tích cực tham mưu cho tỉnh các giải pháp chỉ đạo điều hành, thực hiện tốt nhiệm vụ trong phạm vi các lĩnh vực được giao quản lý. Theo đó, sản xuất công nghiệp tiếp tục có bước phát triển; hoạt động thương mại biên giới và thương mại nội địa được duy trì ổn định; công tác khuyến công và xúc tiến thương mại được triển khai hiệu quả… Qua đó, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương và đại diện các hiệp hội, ngành hàng đã phát biểu làm rõ thêm những kết quả đã đạt được của ngành công thương trong năm qua. Đồng thời, nêu những khó khăn, vướng mắc, dự báo tình hình trong nước, thế giới trong thời gian tới và đề xuất các giải pháp để thực hiện có hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ được giao.
Theo đó, hội nghị đã đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2022 để thực hiện tốt các mục tiêu như: chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 7 – 8 %; kim ngạch xuất khẩu tăng từ 6 – 8%; cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 7 – 8%; tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu tăng 7,88%; điện thương phẩm tăng 7,1 -9,1%…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được của ngành công thương trong năm 2021.
Về nhiệm vụ năm 2022, Phó Thủ tướng Chính phủ cơ bản thống nhất với những giải pháp mà ngành công thương đã đề ra, đồng thời đề nghị: Ngành công thương tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: tiếp tục thực hiện hiệu quả xây dựng quy hoạch phát triển ngành, nhất là quy hoạch điện lực; hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia; tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất của các ngành chế biến, chế tạo, dệt may, giày da, cơ khí…
Cùng đó, ngành cần bám sát thị trường để xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường… Tiếp tục tập trung phát triển thương mại dịch vụ nội địa, thị trường truyền thống, thương mại điện tử, chuyển đổi số. Đồng thời, tạo đột phá về cải cách thủ tục hành chính, khơi thông mọi nguồn lực tạo động lực cho phát triển.
Ý kiến ()