Ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ hướng đến châu Á
Nhờ chính sách hợp tác cởi mở cùng nhiều khí tài nội địa tiên tiến, ngành công nghiệp quốc phòng (CNQP) Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực hiện diện nhiều hơn trong thị trường vũ khí tại châu Á.
Những năm gần đây, lĩnh vực CNQP được Thổ Nhĩ Kỳ chú trọng phát triển. Trong đó, thúc đẩy sản xuất vũ khí nội địa là một đặc điểm nổi bật trong chính sách của chính phủ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Hãng thông tấn Anadolu cho hay, ngân sách mà Ankara dành cho các dự án quốc phòng là 5,5 tỷ USD vào năm 2002, nay đã lên tới 75 tỷ USD, bao gồm cả những dự án đang trong quá trình đấu thầu. Không khó để liệt kê một số thiết bị quân sự làm nên tên tuổi của đất nước nằm trên cả hai lục địa Âu-Á như máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Kaan, xe tăng chiến đấu chủ lực Altay, tàu sân bay hạng nhẹ TCG Anadolu L400, tên lửa tầm xa Khan, máy bay không người lái (UAV) Bayraktar TB2 hay máy bay trực thăng T-129 Atak.
Bên cạnh việc giúp cải thiện hiệu quả nguồn cung tự túc khí tài, từ chỉ khoảng 20% lên tới 80% trong hai thập kỷ qua, ngành CNQP Thổ Nhĩ Kỳ cũng tận dụng tối đa các cơ hội xuất khẩu. South China Morning Post cho biết, sau khi giành được những đơn đặt hàng vũ khí rất lớn từ Trung Đông, Ankara tìm cách mở rộng thị phần, đặt mục tiêu thu hút các quốc gia châu Á tiềm năng. Dẫu vậy, con đường đó không hề trải hoa hồng. Là một người chơi mới nổi, ngành CNQP Thổ Nhĩ Kỳ có lúc vẫn phải chật vật trong việc giành hợp đồng từ các nước ở châu Á-Thái Bình Dương. Đơn cử, Ankara đã mất hợp đồng cung cấp 15 máy bay chiến đấu hạng nhẹ cho Malaysia vào đầu năm nay hoặc đơn hàng đóng 6 tàu tuần tra với Philippines.
![]() |
UAV tầm trung Anka của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Defense News |
Trong bối cảnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ có cách tiếp cận linh hoạt khi hướng tới các khách hàng châu Á đang quan tâm đến việc giảm sự phụ thuộc vào vũ khí nhập khẩu bằng cách đề nghị cùng hợp tác. Lâu nay, nhiều “ông lớn” sản xuất quốc phòng trên thế giới rất ít khi chia sẻ công nghệ nhằm bảo đảm thế độc quyền cũng như tối đa hóa lợi nhuận từ việc cung cấp các gói hậu cần, kỹ thuật, duy tu, bảo dưỡng, phụ tùng thay thế cho đối tác. Tuy nhiên, với tư cách là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Ankara hứa hẹn mang đến cho khách hàng khả năng tiếp cận công nghệ quốc phòng hiện đại mà không phải đáp ứng những điều kiện khó khăn hay tránh được lựa chọn thay thế nhạy cảm về mặt chính trị.
Đơn cử, vào năm ngoái, nhà sản xuất FNSS có trụ sở tại Ankara đã cung cấp 10 khung gầm xe tăng hạng trung Kaplan đầu tiên cho liên doanh Pindad của Indonesia, công ty hàng không vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ (TAI) và đối tác Italy Leonardo cũng bắt đầu giao 6 máy bay trực thăng T-129 Atak cho Philippines. Tháng 5 vừa qua, TAI tiếp tục đạt được hợp đồng bán 3 UAV tầm trung Anka cho Malaysia. Các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ cũng cung cấp các tàu hộ tống và tàu tuần tra cho hải quân Turkmenistan. Pakistan hiện là khách hàng hàng đầu về khí tài quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ khi đã nhận 3 trong số 4 tàu hộ tống Milgem. Trong khi đó, Bangladesh là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ tư của Thổ Nhĩ Kỳ vào năm ngoái. Đồng thời, phía Ankara đã chuyển giao hàng trăm xe bọc thép, tên lửa các loại cho Indonesia, Malaysia và Philippines để đặt nền móng cho quá trình thâm nhập vào thị trường khu vực. Nhiều hợp đồng được cho là có đề cập đến điều kiện liên doanh, chuyển giao công nghệ hoặc sản xuất theo giấy phép.
Giới chuyên gia quân sự đánh giá các nhà sản xuất vũ khí Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có nhiều cơ hội tại châu Á, nhất là với những quốc gia muốn bước lên nấc thang CNQP, không chỉ đơn giản là nhập khẩu mà còn bắt đầu sản xuất thiết bị của riêng mình và cuối cùng trở thành nhà xuất khẩu. “Thiết bị quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nổi bật vì tính hiệu quả về mặt chi phí và đáng tin cậy… Với sự cởi mở của Ankara trong việc hợp tác, tương lai các nhà sản xuất quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ giành được thị phần lớn hơn tại châu Á chỉ là vấn đề thời gian”, South China Morning Post dẫn lời nhà phân tích Ali Bakir tại tổ chức tư vấn chính sách Atlantic Council (Mỹ) nêu rõ.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/binh-luan/nganh-cong-nghiep-quoc-phong-tho-nhi-ky-huong-den-chau-a-742569
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()